Góc nhìn tuần 11 - 15/11: Vẫn còn điều chỉnh?
Góc nhìn tuần 11 - 15/11: Vẫn còn điều chỉnh?
Các CTCK như VCBS, BSC hay PHS cho rằng VN-Index có thể sẽ giảm về vùng 1,240 điểm trong tuần tới.
Sớm thủng đáy 1,240
CTCK Phú Hưng (PHS): Về mặt kỹ thuật, đồ thị VN-Index tiếp tục có nến giảm điểm với biến động lớn hơn kèm khối lượng gia tăng, cho thấy áp lực bán gia tăng lên. Tín hiệu này cho khả năng nhịp hồi ngắn đã kết thúc và có thể sớm thủng đáy 1,240 trong vài phiên tới. Vùng hỗ trợ gần để chú ý có thể là 1,220-1,235. Chiến lược chung nên duy trì tỷ trọng ở mức thấp, chờ đợi tín hiệu tích cực tại hỗ trợ để tham gia trở lại.
Giảm trở lại ngưỡng 1,240
CTCK BIDV (BSC): VN-Index tiếp tục giảm hơn 7 điểm trong phiên giao dịch 08/11 và đóng cửa tại mốc 1,252.56 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 10/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành bất động sản dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành ngân hàng, hóa chất, dầu khí,… Ở chiều ngược lại, ngành du lịch & giải trí và bảo hiểm có phiên giao dịch tích cực. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng hơn 1 nghìn tỷ trên sàn HSX. Lực bán có vẻ đang chiếm ưu thế hơn trên thị trường; trong những phiên tới VN-Index có thể giảm trở lại ngưỡng 1,240.
Về vùng quanh 1,242
CTCK Vietcombank (VCBS): Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung có tín hiệu suy yếu tại kháng cự ngắn hạn 1,270 khi áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index tiệm cận đường MA20. Chỉ báo RSI tiếp tục hướng xuống sau khi hình thành 1 đáy và MACD vẫn vận động ở vùng thấp cho thấy thị trường cần tích lũy củng cố lại động lực để cân bằng trở lại, đồng thời lực cầu phải có sự lan tỏa thuyết phục hơn. Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn có xác suất điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1,242 và sideway tích lũy trước khi xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời ngắn hạn khi đã đạt mục tiêu và có thể cân nhắc, chọn lọc những cổ phiếu có vận động đi lên với dòng tiền tham gia mạnh mẽ để giải ngân. Tuy nhiên cũng nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải và hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao, đồng thời chủ động theo dõi diến biến thị trường để có thể kịp thời cơ cấu lại danh mục cũng như bảo vệ thành quả đầu tư.
Khả năng giảm điểm vẫn còn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tiếp diễn đà điều chỉnh với phần lớn áp lực đến từ sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Thiếu đi lực cầu nâng đỡ vùng giá dưới cho thấy phe mua chưa đủ tự tin để có thể gia tăng vị thế trở lại. Vì vậy, nhiều khả năng các nhịp giảm điểm và xu hướng bán hạ tỷ trọng còn xuất hiện trong các phiên tiếp theo. Mặc dù có thể đan xen các nhịp bật kỹ thuật, động lực hồi phục tích cực của VN-Index không thực sự đáng tin cậy với trạng thái hiện tại của chỉ số. Khi xu hướng ngắn hạn vẫn đang ở trạng thái trung tính, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì nắm giữ một vị thế an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá.
Có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh?
CTCK Thiên Việt (TVS): VN-Index giao dịch thận trọng xuyên suốt phiên giao dịch trước áp lực từ vùng cản 1,265 điểm, kết phiên giảm 0.57%, đạt 1,252,56 điểm. Dòng tiền phân hóa mạnh, trong đó các nhóm cổ phiếu như xuất khẩu, công nghệ vẫn giao dịch tích cực. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng, bất động sản gây áp lực về mặt điểm số. Từ góc nhìn kỹ thuật, VN-Index cần sớm quay trở lại trên MA20 ngày nếu muốn hình thành nhịp tăng mới. Nếu không, chỉ số có thể sẽ tiếp diễn xu thế điều chỉnh hình thành từ cuối tháng 10. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ những cổ phiếu đang khỏe về xu hướng hoặc được dòng tiền lớn ưu tiên giữ giá.
Xu hướng chưa rõ rệt
CTCK Đông Á (DAS): VN-Index đang giao dịch trong biên độ 1,240-1,270 điểm và chưa hình thành xu hướng rõ rệt. Các nhóm ngành ngân hàng, khu công nghiệp có kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nổi trội so với mặt bằng chung, và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý 4/2024. Nhà đầu tư có thể nắm giữ 2 nhóm này trong danh mục đầu tư trung dài hạn. Quan tâm nhóm chứng khoán, công nghệ, hóa chất cho các giao dịch ngắn hạn.
Chờ tín hiệu rõ nét hơn
CTCK Rồng Việt (VDSC): Thị trường hồi phục bất thành, tiếp tục lùi bước và quay trở lại vùng MA200, vùng 1,252 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy áp lực cung đang gây sức ép trở lại khi dòng tiền hỗ trợ vẫn còn khá hạn chế. Vùng MA200 có thể vẫn còn tác động hỗ trợ và giúp thị trường hồi phục trong thời gian gần tới.
Tuy nhiên, áp lực cung vẫn đang khá chủ động, đặc biệt là động thái bán ròng của khối ngoại tại hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn, nên tạm thời vẫn cần thận trọng và chờ tín hiệu cung cầu rõ nét hơn trong vùng thăm dò 1,250 – 1,260 điểm. Tín hiệu cung cầu này sẽ có tác động đến bước đi tiếp theo của thị trường. Do vậy, quý nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.
Để cải thiện cần vượt kháng cự mạnh 1,270
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1,250 điểm, vùng giá cao nhất năm 2023, kháng cự gần nhất quanh 1,270 điểm, giá trung bình 20 phiên hiện nay. Để xu hướng ngắn hạn VN-Index cải thiện thì cần vượt vùng kháng cự mạnh quanh 1,270 điểm, với khối lượng gia tăng tốt.
Nên mua ở 1,240 - 1,250
CTCK Tiên Phong (TPS): Một cây nến giảm điểm đã phủ nhận những nỗ lực từ đầu tuần của phe mua, VN-Index đang có dấu hiệu tạo nền, tích luỹ quanh ngưỡng 1,250 – 1,260 điểm. Việc tạo thành một cặp nến evening star cho thấy lực bán đã tăng trưởng trở lại và những kịch bản tiêu cực hơn lại xuất hiện. Trong bối cảnh VN-Index thiếu hụt thanh khoản, các phiên tăng, giảm luân phiên rất hay xảy ra. Nhà đầu tư có thể chờ mua tại vùng giá 1,240 – 1,250 điểm và chỉ nên giao dịch ngắn hạn cho đến khi thanh khoản quay trở lại.
Ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1,250?
CTCK VPBank (VPBankS): Tóm lại, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong trạng thái “câu giờ” với thanh khoản ở mức thấp khiến chỉ số VN-Index bị kẹp giữa các đường MA như đường MA50, MA100 và MA200 ngày. Điểm tích cực là thị trường phái sinh vẫn diễn biến với độ lệch dương, trong khi dòng tiền vẫn xoay chuyển tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu mới. Do đó cơ hội vẫn đến ở các cổ phiếu đơn lẻ thay vì tập trung vào chỉ số chung. Trong kịch bản chỉ tích cực số VN-Index tiếp tục dao động và củng cố ngưỡng hỗ trợ mạnh ở 1,250 điểm, đà tăng sẽ sớm trở lại và qua đó cũng hút thanh khoản đứng ngoài nhập cuộc.