Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Mạnh tay xử lý các trường hợp quảng cáo thổi phồng, sai sự thật
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mặc dù đã có quy định xử phạt các hành vi quảng cáo thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo nhưng việc áp dụng chưa nhiều và chưa đủ tính răn đe.
Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
|
Chiều 8/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn TPHCM) nêu thực tế hiện nay, việc sử dụng một số cá nhân có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng quảng cáo là rất phổ biến; không chỉ vậy, vẫn còn tình trạng quảng cáo thổi phồng nội dung, trong khi các chế tài xử lý chưa đủ nghiêm khắc dù đã có quy định pháp luật.
Đại biểu Phan Thị Thanh Phương (Đoàn TPHCM) thảo luận tại tổ
|
Đại biểu Phan Thị Thanh Phương cho rằng để bảo vệ người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, cần phải minh bạch hơn trong quản lý quảng cáo, đặc biệt là trên các phương tiện báo chí cần phân định rõ ràng giữa tin bài mang nội dung quảng cáo và tin bài thuần túy, điều này giúp độc giả nhận biết và phân biệt rõ ràng hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân và ĐB Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TPHCM) cùng cho rằng cần có quy định xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích quảng cáo một cách văn minh, chứa yếu tố nghệ thuật, mang tính giáo dục.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho biết ông hoàn toàn thống nhất sự cần thiết cần phải sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo, để khắc phục những bất cập, hạn chế đã và đang tồn tại sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm một cách mơ hồ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Còn theo đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội), hoạt động quảng cáo rất quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 là khoảng 2.3 tỷ USD. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây, quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hóa.
Đại biểu tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.
"Biện pháp quản lý hậu kiểm sẽ là một giải pháp ưu tiên thì quy định với người chuyển tải quảng cáo cần cụ thể, chi tiết, để tránh việc tùy tiện trong thể hiện quảng cáo", đại biểu chỉ rõ, và cho biết nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo này thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Thảo luận tại phiên họp, cho ý kiến về Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia trong dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất cần cân nhắc việc thành lập Quỹ, bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
"Dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lấp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ngoài ra, dữ liệu là một dạng "tài sản" mới rất quan trọng, có thể xem như "tài sản" quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không? Do đó, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá các tác động này để đảm bảo chúng ta không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ.