Những con số ấn tượng Shark Tank mùa 7
Xuyên suốt 13 tập Shark Tank Việt Nam mùa 7 phát sóng, có 25/38 startup được cam kết đầu tư hơn 180 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gọi vốn thành công gần 66%. Shark Bình và Shark Minh Beta là hai nhà đầu tư hào phóng nhất, dẫn đầu dàn “cá mập” cả về giá trị đầu tư lẫn số lần chốt deal với startup.
Tổng kết Shark Tank mùa 7, có 25 startup nhận được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình với tổng số tiền hơn 180 tỷ đồng. Trong đó, có hai thương vụ triệu đô là "mì thanh long Caty Foods" và "sản phẩm đồ chơi giáo dục trẻ em Kalo Toys".
Trong số 7 Shark tham gia hội đồng đầu tư mùa 7, Shark Bình và Shark Minh Beta là hai "cá mập" ngồi trọn vẹn tất cả 38 thương vụ. Đây cũng là 2 Shark dẫn đầu số tiền cam kết đầu tư trong dàn “cá mập”, lần lượt hơn 73 tỷ đồng và hơn 49 tỷ đồng.
Cụ thể, Shark Minh Beta "chốt đơn" nhiều nhất với 12 startup, trong đó thương vụ triệu đô là "sản phẩm đồ chơi giáo dục trẻ em Kalo Toys" deal chung với Shark Bình. Chủ tịch Beta Group cho biết với những deal rõ ràng sẽ đầu tư tiền mặt nhiều, còn một số trường hợp dù đánh giá rủi ro cao nhưng từ chối thì tiếc nên sẽ cố gắng đưa ra deal phù hợp cho cả 2 bên, ví dụ hình thức in kind (tài trợ bằng hiện vật, dịch vụ).
Trong khi đó, Shark Bình mặc dù chỉ chốt 11 deal nhưng giá trị đầu tư lớn nhất trong dàn "cá mập" hơn 73 tỷ đồng, gần bằng số vốn cam kết của cả Shark Minh Beta và Shark Thái cộng lại, thậm chí hơn 36.5 lần tổng deal của "cá mập" người Đức Tillman Schulz. Đặc biệt, cả 2 thương vụ triệu đô mùa 7 đều được Shark Bình cam kết đầu tư.
Cảm nhận về các startup, Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhận thấy một đặc điểm quan trọng của startup là "thiếu thốn", gồm thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu quan hệ, thiếu nguồn lực, thiếu nhân sự. Đây là nguyên nhân và động lực để startup phải sáng tạo. "Nhiều startup được đầu tư nhiều vốn, gọi được nhiều vốn nhưng lại ‘lăn ra chết trước’ nên cần ‘thiếu thốn’ một tí để cố gắng giải quyết", Shark Bình bày tỏ.
Là Shark đồng hành cùng Shark Tank từ mùa đầu tiên nhưng chỉ ngồi "ghế nóng" 8 tập trong mùa 7, Shark Hưng có 5 deal với giá trị gần 9 tỷ đồng, chưa bằng 1/8 số vốn cam kết đầu tư của Shark Bình.
Dẫu vậy, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners đánh giá, các startup mùa 7 có sự tiến bộ rõ rệt trong các phương án kinh doanh cũng như kết quả kinh doanh khá khả quan, do đó số "deal" được chốt ở mua 7 khá nhiều.
Với 4 vị "cá mập" lần đầu xuất hiện tại Shark Tank, gây bất ngờ lớn là Shark Nguyễn Văn Thái - Phó Chủ tịch Tập đoàn Thái Hương đã cam kết đầu tư hơn 25 tỷ đồng cho 6 startup, nhiều thứ ba trong dàn ghế nóng mùa 7. Nổi bật, màn chốt deal 15 tỷ đồng lấy 15% cổ phần "Yera - sản phẩm dinh dưỡng từ men vi sinh".
Thậm chí, tổng deal 1 triệu USD của Shark Thái còn hơn ba lần Shark Hưng, vị "cá mập" ngồi trọn vẹn 7 mùa của Shark Tank.
Cũng là "cá mập mới trong bể", hai Shark nữ là bà Lê Mỹ Nga và bà Nguyễn Phi Vân lần lượt có 5 thương vụ (giá trị đầu tư gần 14 tỷ đồng) và 4 thương vụ (hơn 8 tỷ đồng).
Shark Nga đưa ra lời khuyên cho startup: "Nếu không có đủ năng lực để thiết kế và phát triển sản phẩm sẽ khó mà đứng vững trên thị trường khi ‘nay xanh - mai đỏ’ rất nhanh, rất cạnh tranh. Vì luôn có đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện nên năng lực R&D có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh mới".
Đến với Shark Tank, Shark Phi Vân cho biết định vị bản thân là "Shark Franchise", nghĩa là tìm các mô hình phải nhượng quyền được không chỉ ở Việt Nam mà mở rộng được ở toàn cầu. Tuy nhiên, bà cho rằng muốn tìm được những deal nhượng quyền tốt cần 3 điều kiện cơ bản:
- Thứ nhất là điểm độc đáo của sản phẩm, dịch vụ phải rất rõ ràng để có thể scale (mở rộng) không chỉ ở thị trường nội địa mà ra thế giới.
- Thứ hai, mô hình tài chính mang tính đơn vị một chi nhánh phải rất hiệu quả để khi nhượng quyền thu phí, các đối tác vẫn có hiệu quả trong việc đầu tư.
- Cuối cùng, mức độ chuyên nghiệp quá cao yêu cầu phải một nhà quản trị xuất sắc, phải xây dựng được hệ thống hỗ trợ đối tác nhượng quyền rất chuyên nghiệp.
Shark Phi Vân cũng đưa 3 lời khuyên cho bạn trẻ mới theo đuổi mô hình khởi nghiệp có thể nhượng quyền. Thứ nhất, những mô hình có tính bản địa cao của Việt Nam mà thế giới rất yêu thích sẽ có cơ hội phát triển, có tính đặc thù, đặc sản. Thứ hai, có cơ cấu về mô hình tài chính đúng. Và thứ ba, tính bền vững, có tầm nhìn dài hạn, phải có sự đầu tư.
Là vị "cá mập" ngoại quốc duy nhất, Shark Tillman Schulz đã cam kết đầu tư 1 thương vụ với giá trị 2 tỷ đồng và cam kết hỗ trợ 1 startup đưa sản phẩm đến các đối tác. Shark Tillman Schulz đã chia sẻ về khó khăn chưa có nhiều deal: "Tôi cần startup có thể hỗ trợ được. Trong khi các startup cần một Shark ở tại Việt Nam, đó cũng là điều khó khăn đối với tôi".
Shark Tillman Schulz cũng đưa góp ý các startup Việt nên trau dồi tiếng Anh tốt hơn để giao thương khi ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam: "Việt Nam đang có một tương lai tuyệt vời vì vậy có rất nhiều công ty muốn đầu tư tiền. Một tương lai cực kỳ rực rỡ tại Việt Nam đang ở phía trước".
Các thương vụ nổi bật mùa 7 và câu chuyện sau "bể cá mập"
Bệnh Viện Đồ Da - startup đầu tiên của mùa 7 nhận giải ngân
Startup Bệnh Viện Đồ Da thành công thuyết phục Shark Minh, Shark Hưng, Shark Phi Vân và Shark Thái Shark đầu tư 500 triệu đồng đổi lấy 8% cổ phần để mở cơ sở mới tại TPHCM. Shark Minh Beta còn rút thêm tấm Vé Vàng trị giá 500 triệu tặng thêm cho Bệnh Viện Đồ Da.
Kalotoys nhận 1,000 đơn hàng sau ngày đầu phát sóng
Màn rượt đuổi vé vàng lên đến 5 tỷ đồng để giành quyền đàm phán với startup từ 2 "cá mập", Kalotoys đạt cam kết đầu tư trị giá 1 triệu USD với màn bắt tay cùng liên minh Shark Bình và Shark Minh Beta.
Thời gian ngắn sau phát sóng, Kalotoys đã tăng 20 lần số khách hàng mới, đạt 250% kế hoạch quý, tăng 10 lần doanh thu, hơn 1.2 triệu lượt truy cập website một tháng, tăng 20,000 lượt like Fanpage/tháng.
Kalotoys - Startup triệu đô từ Shark Tank
Ống hút rau củ Ecos thu hút gần 23 triệu lượt xem trên các nền tảng
Nông dân Lê Văn Tám với thương hiệu ống hút rau củ Ecos đã nhận được đầu tư từ Shark Thái và Shark Nga với số tiền 15 tỷ đồng cho 40% cổ phần.
Sau quá trình thẩm định bước đầu, Shark Thái và Shark Nga đã ký kết thỏa thuận đầu tư cùng startup ống hút rau củ Ecos. Hoạt động thẩm định vẫn đang diễn ra với mong muốn đạt được sự hợp tác sớm nhất.
Startup Bacte đạt doanh số năm 2025 sau 1 tuần phát sóng
Chế phẩm sinh học Bacte nhận được sự đồng ý đầu tư của 5 Shark Minh Beta, Shark Tillman Schulz, Shark Bình, Shark Phi Vân, Shark Lê Mỹ Nga số tiền 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần, trong đó: 3 tỷ đồng tiền mặt, 3 tỷ đồng in kind; 4 tỷ đồng còn lại là khoản vay chuyển đổi và giải ngân vào cuối năm 2025.
Sau 1 ngày phát sóng, Bacte có 500 đơn hàng (2 đơn hàng trị giá 2.2 tỷ đồng và 18 tỷ đồng). Sau 2 ngày phát sóng đạt doanh số 2024, đạt doanh số 2025 chỉ sau 1 tuần phát sóng.
Chuỗi tinh dầu Nada Oils - thương vụ thẩm định nhanh nhất mùa 7
Shark Bình ra deal đầu tư 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần Nada Oils. Sau gần 2 tuần phát sóng, Shark Bình đã tiến hành ký kết Hợp tác đầu tư vào startup Nada Oils, đánh dấu một trong những thương vụ thẩm định nhanh nhất Shark Tank mùa 7.
Sau 1 tuần phát sóng, lượt truy cập vào website tăng 4,700%, 307 cộng tác viên & đại lý mới đăng ký, 468 doanh nghiệp liên hệ hợp tác, tăng hơn 1,000% đơn hàng online, tăng 20% doanh thu tại các cửa hàng.
Nada Oils ký kết hợp tác với quỹ đầu tư Next100 Startup Soulmate của Shark Nguyễn Hòa Bình
Dự án phim "Thần Trà" được các Shark đặt cọc ngay trên sóng
Dự án phim điện ảnh thiếu nhi "Thần Trà" có màn chốt deal thần tốc từ cả 5 nhà đầu tư với số tiền 4.5 tỷ đồng cho 70% cổ phần theo tỷ lệ cụ thể, gồm Shark Minh Beta giữ 25%, Shark Hưng 15%, các Shark Bình, Nga, Thái mỗi người 10% cổ phần.
Dự án Thần Trà nhận đặt cọc của các Shark ngay trên sóng Shark Tank
Chocolate Legendary
Thương hiệu chocolate với màn chốt deal với shark Minh Beta cho ý tưởng thực hiện mô hình "trạm ca cao" thưởng thức chocolate 5 giác quan. Shark Minh Beta ra deal đầu tư 10 tỷ đồng với phân chia: 4 tỷ tiền mặt cho 16% cổ phần, 6 tỷ đồng còn lại là khoản vay chuyển đổi, thời hạn đến cuối năm 2025. Ngay sau thương vụ phát sóng, đội ngũ hai bên đã có buổi gặp gỡ đầu tiên để tiến hành quá trình thẩm định.