Thấy gì từ Metro số 1, Vành đai 3, 4?
Thấy gì từ Metro số 1, Vành đai 3, 4?
Những ngày này, nếu có dịp đi ngang đường Nguyễn Xiển, xuyên qua khu đô thị Vinhome grand park ở quận 9 (cũ) sẽ thấy một công trường chạy dọc theo. Đó là dự án Vành đai 3, đang thi công cả ngày lẫn đêm theo đúng tinh thần “2 ca 4 kíp”. Rồi từ đó, bọc ra phía công viên các vua Hùng, ga cuối cùng trong tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang hoàn thiện những khâu chỉnh trang cho cả công trình. Vòng lên xa lộ Võ Nguyên Giáp, hai tuyến đường bộ và đường sắt trên cao song song chạy, ngước nhìn lên cao, bên này là các cung đường vượt bên kia là tàu điện chạy thong dong, thành phố như mở ra một không gian mới, lạ và văn minh, đẹp đến lạ lùng.
Ga ngầm Bến Thành, quận 1 có quy mô lớn, hiện đại nhất tuyến Metro số 1. Ảnh: Quốc Học
|
Hôm 23/11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM - dự án đường bộ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở vùng Đông Nam Bộ; là trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đó là chưa kể, tuyến metro số 1 đang được mở rộng kéo dài qua Đồng Nai bắt đầu từ ga Suối Tiên dọc theo quốc Iộ 1 đến ngã ba Chợ Sặt thuộc TP Biên Hòa. Còn phía Bình Dương, metro sẽ đi từ ga Suối Tiên - Mỹ Phước - Tân Vạn - đường XT1 - ga trung tâm (khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương) hoàn toàn trong khung quy hoạch về hạ tầng giao thông của tam giác thuộc Đông Nam Bộ này.
Cùng với đó là các trục cao tốc quan trọng của vùng như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Trung Lương.
Bên trong tàu và ga Tân Cảng. Ảnh: Quốc Học
|
Tất nhiên, không chỉ giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc mà còn đi qua các cảng biển (Cái Mép - Thị Vải, Cảng quốc tế Long An, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) và cảng hàng không (sân bay quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất) - hai cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng nhất của vùng và cả nước.
Với việc chính thức đưa vào vận hành thương mại từ 22/12 tới của tuyến metro số 1, Vành đai 3 đã hoàn tất khâu “khó nuốt” nhất là giải phóng mặt bằng đúng tiến độ và Vành đai 4 đã hoàn thành hồ sơ tổng thể trong thời gian ngắn nhất để trình lên Chính phủ trước khi tiến tới nghị trường Quốc hội; rõ ràng những điểm nghẽn đã được tháo gỡ và bước đầu vận hành thông suốt.
Trong đó phải kể đến 2 bộ nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM và Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trên cơ sở Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam Bộ đã có những tiến bộ vượt bậc so với trước đây. Cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng. Cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và cho phép tăng tổng mức đầu tư từ nguồn tăng thu của địa phương. Cơ chế các dự án thành phần được thực hiện trình tự thủ tục quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A đã tăng tính chủ động, trách nhiệm, tạo rất nhiều thuận lợi trong việc rút ngắn các thủ tục…
Từ metro nhìn xuống xa lộ Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Quốc Học
|
Chính sự tháo gỡ có tính đồng bộ này đã giúp các địa phương chủ động được nguồn vốn, cân đối và bố trí vốn cho một dự án có vốn lớn như Vành đai 3, Vành đai 4, giải quyết đầu tiên khâu giải phóng mặt bằng. Kết quả mang tính “lịch sử” này không chỉ đẩy nhanh tiến độ dự án mà là căn cơ để giải quyết vấn đề “an dân”, một khi mức đền bù hợp lý người dân đồng thuận rất cao.
Rõ ràng, kết quả thí điểm Vành đai 3, Vành đai 4 là minh chứng rõ nét để tiến tới có thể áp dụng chung, phổ quát trên phạm vi cả nước. Khi các điểm nghẽn được tháo, sức người được khai phóng, hạ tầng, giao thông và các công trình dân sinh sẽ phát huy các tính năng phục vụ của nó. Để nó quay ngược trở lại, giải phóng sức tăng trưởng của tiểu vùng Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Công trường Vành đai 3 đoạn qua Củ Chi. Ảnh: Báo Lao Động
|
Không chỉ là hạ tầng, giao thông, đô thị mà còn là cụm cảng, cụm công nghiệp, chuỗi logictics và các ngành kinh tế liên quan. Quan trọng là nguồn lực đất đai được khai phá, người dân nơi các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị, vành đai đi ngang qua sẽ “khởi nghiệp” và “lạc nghiệp” trên từng khu vực định cư, hoặc tạm cư với tinh thần “an cư”.