Gia tăng số mặt hàng tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam thu về gần 370 tỷ USD

13/12/2024 08:47
13-12-2024 08:47:00+07:00

Gia tăng số mặt hàng tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam thu về gần 370 tỷ USD

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực nội cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thu về gần 370 tỷ USD sau 11 tháng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh thương mại của Việt Nam 11 tháng vừa qua, đặc biệt sự phục hồi đơn hàng cũng như lợi thế về giá đã giúp các doanh nghiệp nâng cao giá trị, duy trì xuất siêu ở mức cao.

Doanh nghiệp nội tăng tốc

Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 ước đạt 33,73 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thu về khoảng 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.

“Tuy vậy, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI (20% so với 12,4%) và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28% so với 26,8%) cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực nội,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trong 11 tháng năm 2024 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Nổi bật là hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023, hơn nữa nhiều mặt hàng được lợi về giá, như: xuất khẩu hạt tiêu tăng 46,2%; càphê tăng 35,4%; gạo tăng 22,3%; chè các loại tăng 26,9%; rau quả tăng 27,4%; gạo tăng 22,3%; nhân điều tăng 20,6%; cao su tăng 17,8%.

Tương tự, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 313,6 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng tăng tới hai con số, như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 65,2 tỷ USD, tăng 26,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,2 tỷ USD, tăng 3,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 47,8 tỷ USD, tăng 21,6%; hàng dệt may đạt 33,65 tỷ USD, tăng 10,6%; giày dép các loại đạt 20,76 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỷ USD, tăng 21,2%; sắt thép tăng 12,7%, đạt 8,5 tỷ USD...

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn Việt Nam đều có sự phục hồi tích cực. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tại Hoa Kỳ, xuất khẩu ước đạt 98,4 tỷ USD, tăng 24,2%; xuất khẩu sang EU ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và xuất sang Nhật Bản ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Có được kết quả trên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) là do một số thị trường lớn như Mỹ, EU và châu Á tăng trưởng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gia tăng.

“Hơn nữa, các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Cùng đó, các FTA như: CPTPP, EVFTA, RCEP đã tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với mức thuế ưu đãi và gia tăng khả năng cạnh tranh,” ông Trần Thanh Hải nói.

Tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu

Để đẩy nhanh các đơn hàng, nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu cũng tăng theo. Đại diện Bộ Công Thương thông tin, trong tháng 11/2024 cả nước chi khoảng 32,67 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2023.

“Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu, trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, với kim ngạch sơ bộ đạt 306,85 tỷ USD, tăng tới 16,9% so với cùng kỳ năm 2023,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Như vậy, trong tháng 11 cả nước xuất siêu khoảng 1,06 tỷ USD, nâng mức xuất siêu của 11 tháng năm 2024 lên mức 24,31 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất khi đón cơ hội thị trường tiêu dùng cuối năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đại diện Bộ Công Thương cho biết trong tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi, rõ rệt nhất là nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Cùng đó, dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Do vậy, để đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục thông tin kịp thời tới các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

“Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu,” lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay./.

Đức Duy

vietnamplus





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, huy động nguồn lực trong thực hiện kinh tế tuần hoàn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23/1/2025 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 (Kế hoạch).

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định xử phạt Công ty Biti’s

Công ty Biti’s Biên Hòa đã đi vào hoạt động nhưng không thực hiện báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Ông Bùi Văn Nghiêm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương

Ông Bùi Văn Nghiêm là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác tại địa phương, là đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...

Khởi tố đối tượng kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168

Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội vừa khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đậu Thị Tâm về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đăng tải thông tin sai sự thật.

Ông Dương Văn An thôi Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII với ông Dương Văn An, nguyên Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Bí thư tỉnh...

Cung vượt xa cầu, ngành ximăng vẫn chìm trong gam màu xám

Trong khi nguồn cung ximăng dự báo cho năm 2025 khoảng 124,75 triệu tấn thì nhu cầu sử dụng mặt hàng này tại thị trường nội địa chỉ khoảng 62,5-63,5 triệu tấn.

TP Thủ Đức được quy hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc gia, chia thành 9 phân vùng phát triển

Ngày 21/01/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040.

Giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2024 đạt gần 73% kế hoạch

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 768/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 12 tháng, ước 13 tháng kế...

TP.HCM hướng tới trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong 5-10 năm

Tối ngày 21/01 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh...

Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng, nhận án 6 năm tù

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98