Thưởng Tết 2025: Những điều người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi
Thưởng Tết 2025: Những điều người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi
Tết Nguyên đán – thời điểm đoàn viên và nghỉ ngơi, cũng là lúc người lao động kỳ vọng vào khoản thưởng Tết như một sự tri ân từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít tranh cãi và thắc mắc xoay quanh việc doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết không, mức thưởng ra sao và làm sao để bảo vệ quyền lợi khi phát sinh tranh chấp.
Thực trạng thưởng Tết tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và chênh lệch lớn giữa các ngành nghề, vùng miền và quy mô doanh nghiệp. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 bình quân đạt 12.7 triệu đồng/người, tăng 3.3% so với năm trước. Mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành điện tử - công nghệ thông tin với hơn 1.9 tỷ đồng. Tại Bình Dương, thưởng Tết Nguyên đán 2025 bình quân 8.77 triệu đồng/người, tăng 25.3% so với năm 2024, mức thưởng cao nhất gần 600 triệu đồng/người. Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tái cơ cấu sản xuất, nhưng vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết ít nhất bằng năm trước.
Theo báo cáo 148/BC-LĐTBXH ngày 15/01/2024 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết trung bình 2024 của khối doanh nghiệp FDI đạt gần 10 triệu đồng/người, cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp khác, có nơi mức thưởng trung bình chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người. Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản thậm chí thưởng Tết bằng 1-3 tháng lương; trong khi ở các ngành dệt may, chế biến thủy sản, nhiều nơi chỉ có thể thưởng mức tượng trưng, hoặc không thưởng do khó khăn tài chính. |
Thưởng Tết có phải nghĩa vụ bắt buộc?
Theo Điều 104 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hoặc mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”. Điều này có nghĩa rằng việc thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc, mà phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên và quy định trong nội quy lao động, hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Cụ thể nếu doanh nghiệp đã cam kết thưởng Tết trong hợp đồng lao động hoặc các văn bản thỏa thuận khác, họ buộc phải thực hiện theo quy định này. Trường hợp doanh nghiệp không có cam kết, việc thưởng Tết hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của doanh nghiệp.
Các hình thức thưởng Tết
Pháp luật cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong cách thức thưởng, không giới hạn ở tiền mặt. Hình thức thưởng có thể là:
Tiền mặt: Đây là hình thức phổ biến nhất và được người lao động mong đợi vì tính tiện dụng và phù hợp với nhu cầu tài chính cá nhân. Tiền thưởng có thể là một khoản cố định hoặc tỷ lệ phần trăm dựa trên mức lương, kết quả công việc hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thưởng hiện vật: Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa thường thưởng Tết bằng hiện vật như sản phẩm của công ty, giỏ quà, thực phẩm hoặc các mặt hàng tiêu dùng.
Các hình thức thưởng khác: Các doanh nghiệp có thể chọn cách tặng phiếu quà tặng, phiếu mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc các đối tác liên kết. Một số doanh nghiệp sáng tạo trong cách thưởng Tết bằng cách tặng gói du lịch, vé nghỉ dưỡng, hoặc tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng.
Tranh chấp thưởng Tết: Xử lý thế nào?
Thưởng Tết, dù là một chính sách phúc lợi, lại thường xuyên là nguyên nhân của các tranh chấp lao động. Một số trường hợp phổ biến gồm:
Hứa thưởng nhưng không thực hiện: Doanh nghiệp thông báo kế hoạch thưởng nhưng không thực hiện hoặc cắt giảm vào phút chót. Điều này thường xảy ra khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính hoặc khi các khoản thưởng chỉ là "hứa miệng" mà không được ghi nhận trong hợp đồng lao động hoặc các văn bản chính thức.
Không thưởng cho lao động nghỉ việc trước Tết: Một số người lao động bị từ chối thưởng do nghỉ việc ngay trước kỳ nghỉ, dù người này đã làm việc gần như suốt cả năm. Điều này dẫn đến sự bất công trong cảm nhận của người lao động, đặc biệt nếu không có quy định rõ ràng về điều kiện nhận thưởng.
Thưởng không đúng như cam kết: Các tranh chấp cũng thường phát sinh khi mức thưởng thấp hơn so với thông báo hoặc hình thức thưởng không phù hợp với thỏa thuận ban đầu.
Người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Kiểm tra kỹ hợp đồng lao động, quy chế công ty: Hợp đồng và các văn bản thỏa thuận là cơ sở pháp lý chính để bảo vệ quyền lợi. Người lao động nên chú ý các điều khoản liên quan đến chế độ thưởng để đảm bảo quyền lợi.
Lưu giữ các cam kết của doanh nghiệp: Để bảo vệ quyền lợi, người lao động cần cẩn thận lưu giữ các tài liệu và bằng chứng liên quan đến việc thưởng Tết, bao gồm: Thông báo chính thức của doanh nghiệp về kế hoạch thưởng hoặc email, văn bản, hoặc các thông tin trao đổi liên quan đến chế độ thưởng hoặc các điều khoản trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể,…
Liên hệ công đoàn: Công đoàn là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Khi gặp vấn đề liên quan đến thưởng Tết, người lao động nên liên hệ với công đoàn tại công ty hoặc công đoàn cấp trên để được hỗ trợ.
Nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng: Nếu không thể giải quyết vấn đề thông qua công đoàn hoặc thương lượng trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chẳng hạn như: Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra lao động.
Ngoài ra, người lao động có thể khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu không đạt được thỏa thuận với doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, để tránh phát sinh mâu thuẫn, cần thông báo rõ ràng chính sách thưởng Tết đến toàn bộ người lao động. Cam kết thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể, cũng như đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc đánh giá mức thưởng dựa trên kết quả làm việc của từng cá nhân.
Tóm lại, thưởng Tết không chỉ là một khoản tiền mà còn là sự ghi nhận, động viên tinh thần người lao động. Hiểu rõ quy định pháp luật về thưởng Tết không chỉ giúp người lao động bảo vệ quyền lợi mà còn tạo sự gắn kết giữa lao động với doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường làm việc hài hòa, văn minh.
ThS. LS. Huỳnh Thị Mỹ Hằng – ThS. LS Trần Văn Sĩ (Công ty Luật Anh Sĩ)
- 09:00 11/01/2025