Cấp thiết có cơ chế đặc thù làm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

17/02/2025 15:12
17-02-2025 15:12:00+07:00

Cấp thiết có cơ chế đặc thù làm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô rất lớn, công nghệ phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực hiện ở nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Sáng 17/2, thảo luận về cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều đại biểu lưu ý cần có chính sách về nguồn nhân lực phù hợp để triển khai và vận hành.

“Đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu của thời đại”

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, một số quốc gia đang mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân, tập trung vào xây dựng và nâng cấp các lò phản ứng để tăng công suất sản xuất điện. 

Đặc biệt, nhiều quốc gia đang xem xét ban đầu hoặc bắt đầu triển khai năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Do đó, đại biểu cho rằng, việc Việt Nam phát triển điện hạt nhân là một yêu cầu tất yếu khách quan. Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là “đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu của thời đại”.

“Đây là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển của Việt Nam”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Ông đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, ông Dương Khắc Mai lưu ý, nếu không có chính sách về nguồn nhân lực phù hợp sẽ khó khi triển khai thực hiện và vận hành dự án trong trước mắt và dài hạn. Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án này.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) bày tỏ ủng hộ một số cơ chế đặc thù như hợp đồng “chìa khóa trao tay” phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay; hình thức chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm là phù hợp.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo bà Tú Anh, chỉ định thầu cần kế hoạch chuẩn bị năng lực, kỹ thuật thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.

Đại biểu cũng đề nghị phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực cho 2 nhà máy theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA là 1.200 người/nhà máy ở tất cả các khâu. 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, hơn 15 năm qua, Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế về triển khai thực hiện dự án. Nhân dân vùng dự án chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn cũ, đời sống của bà con phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc. 

“Thời gian qua Ninh Thuận đã tiến hành nhiều công việc với tinh thần xuyên suốt việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc của tỉnh, chủ đầu tư, bộ ngành được triển khai quyết liệt để tới chậm nhất 31/12/2031 vận hành nhà máy số 1”, ông Nam khẳng định.

Tỉnh Ninh Thuận đề xuất có cơ chế đặc thù trong việc giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án. Bởi giải phóng mặt bằng là khâu khó, mất nhiều thời gian, nếu thực hiện theo đúng quy định của luật hiện hành chắc chắn một năm không thể hoàn thành.

Muốn hoàn thành mục tiêu dự án phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù 

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp thu các ý kiến góp ý, điều chỉnh theo hướng chỉ nêu chung “chủ đầu tư dự án”, đồng thời bổ sung đối tượng áp dụng “tỉnh Ninh Thuận” và “đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án”.

Những chính sách đặc thù khác nếu có sẽ được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền thời gian tới. 

Theo ông Diên, do dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô rất lớn, công nghệ phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực hiện ở nước ta nên rất cần Quốc hội ban hành nghị quyết để có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quốc hội

Khi được Quốc hội thông qua, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thuận lợi, khả thi cho việc triển khai đồng bộ, đồng thời nhiều hạng mục công việc của dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới và chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 85 năm ngày thành lập nước, rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Ông Diên cam kết sẽ tiếp tục cùng cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu.

Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Liên quan đến ý kiến cho rằng không nên đưa chủ thể cụ thể là EVN và PVN vào trong nghị quyết, đặc biệt là cơ chế cần cụ thể liên quan tới doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, dứt khoát cần có tên chủ đầu tư dự án để “rõ người, rõ việc”.

Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý, các cơ chế cần phải rất rõ, đặc biệt là cơ chế tài chính. Đối với nguồn vốn chủ sở hữu và vốn đối ứng, nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu với các nhà cung cấp thì các tập đoàn EVN và PVN là DNNN 100%, nguồn vốn chủ sở hữu, cần quy định rõ để tránh ảnh hưởng nhiệm vụ khác mà 2 tập đoàn đang triển khai. 

Khẳng định hoàn toàn yên tâm dưới sự giám sát IAEA và kinh nghiệm cho dự án lớn, ông Hùng đề nghị Quốc hội tạo điều kiện thông qua và thống nhất cơ chế đặc thù để các tập đoàn yên tâm làm với dự án lớn rất áp lực này.

Thu Hằng

VietNamNet

- 14:10 17/02/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Điểm tên 18 đơn vị giải ngân không đạt, Chủ tịch TPHCM yêu cầu kiểm điểm

7 ban quản lý và 11 quận, huyện giải ngân năm 2024 không đạt tỉ lệ 95% vốn được giao vừa bị Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đề nghị kiểm điểm trách nhiệm.

Bộ Xây dựng nêu lý do hàng triệu tấn xi măng dư thừa

Theo Bộ Xây dựng, Bộ đã có văn bản góp ý, đánh giá tình hình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ clanhke và xi măng nhưng không được thông qua đưa vào luật nên việc sản...

'Tiền đổ ra thị trường không đủ tốc độ để thúc đẩy tăng trưởng'

Hiện nay riêng động lực tiêu dùng và đầu tư đã đóng góp trên 90% cho tăng trưởng GDP. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, cần có giải pháp kích thích và khơi thông...

Thủ tướng: Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế - thương mại, đầu tư

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, mang tầm chiến lược, nhất là về kinh tế - thương mại, đầu tư. Đây là phát...

Hơn 60 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam dự kiến đầu tư, hợp tác gì?

Số lượng doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đạt kỷ lục, thể hiện cam kết thúc đẩy mối quan hệ thương mại ổn định, đôi bên cùng có lợi. Riêng trong lĩnh vực trí tuệ nhân...

Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bán đất, thu 3.540 tỷ đồng, bỏ ngoài sổ sách 2.072 tỷ

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quản Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, Hậu ‘Pháo’ bán 1.317 lô đất, thu về hơn 3.540 tỷ đồng, bỏ ngoài sổ...

Thủ tướng: Hoàn thành kết luận thanh tra BV Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 trong tháng 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Thanh tra Chính phủ hoàn thành kết luận thanh tra đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu...

Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị mức án 10- 11 năm tù

Trong vụ án thứ 5, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) vừa bị đại diện VKS đề nghị tuyên phạt mức án 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu...

Phó Thủ tướng Thường trực mời Standard Chartered tham gia trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mong muốn Standard Chartered tiếp tục tham gia mạnh mẽ hơn và sâu rộng hơn nữa vào quá trình hình thành các trung tâm tài...

Phát triển kinh tế tư nhân không thể thiếu tư duy kinh tế thị trường

Nếu thiếu tư duy kinh tế thị trường đúng đắn, kinh tế tư nhân không những bị kìm hãm sự phát triển mà còn tạo ra những bất ổn dai dẳng trong nền kinh tế.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98