Hiểu sâu hơn về phiên bản mới của VN30 trong năm 2025
Hiểu sâu hơn về phiên bản mới của VN30 trong năm 2025
Một số đánh giá về những đổi mới trong quy tắc của VN30 phiên bản 4.0 đã được đưa ra. Dù vậy, vẫn cần hiểu sâu hơn về những thay đổi trong cách tính toán của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cũng như những tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phân ngành cấp 1 của GICS® và giới hạn tỷ trọng 40%
Trong những ngày cuối năm 2024, HOSE đã công bố quy tắc mới cho bộ chỉ số HOSE-Index với hiệu lực chính thức từ tháng 03/2025. Trong đó, các điều kiện về lợi nhuận, thanh khoản, phân bổ tỷ trọng của chỉ số VN30 đã được làm mới, nổi bật là việc đưa thêm giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40% cho các cổ phiếu cùng ngành.
Cùng với đó, HOSE cũng quy định nhóm cổ phiếu cùng ngành là các cổ phiếu thuộc cùng một phân ngành cấp 1 theo chuẩn phân ngành GICS®.
GICS® (Global Industry Classification Standard) được biết đến là chuẩn phân ngành dành cho thị trường chứng khoán do S&P Dow Jones Indices kết hợp với MSCI xây dựng. GICS® là thương hiệu độc quyền của S&P và MSCI và cấp quyền cho HOSE sử dụng.
![]() Nguồn MSCI.
|
GICS gồm 4 cấp độ phân ngành: cấp 1 - 11 Ngành chính (Sectors), cấp 2 - 25 Ngành con (Industry Groups), cấp 3 - 74 Ngành chi tiết (Industries) và cấp 4 - 163 Tiểu ngành (Sub-Industries).
Theo đánh giá sơ bộ của giới chuyên gia, nhóm ngành ngân hàng nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ giới hạn tỷ trọng trong chỉ số VN30. Tuy nhiên, các cổ phiếu ngân hàng thực tế nằm trong nhóm ngành tài chính theo phân ngành cấp 1 của chuẩn GICS®.
Do đó, tỷ trọng giới hạn cũng sẽ ảnh hưởng tới cả nhóm chứng khoán, bảo hiểm với sự góp mặt của SSI và BVH trong rổ VN30.
Dù cơ cấu các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm có sự thay đổi thế nào nhưng kể từ sau ngày 16/04/2025, 3 nhóm này sẽ không được vượt quá tổng tỷ trọng vốn hóa 40%.
Tác động tới nhóm tài chính như thế nào?
Theo đánh giá từ SSI Research, kể từ ngày 3/2/2025, sau khi thêm mới LPB và loại POW khỏi danh mục chỉ số VN30, tỷ trọng vốn hóa của nhóm tài chính có thể được nâng lên 60%.
Việc đưa giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40% sẽ làm giảm tỷ trọng nhóm tài chính trong rổ VN30 nhưng sẽ không tác động đáng kể đến các cổ phiếu thành phần.
Giới hạn tỷ trọng vốn hóa theo nhóm ngành sẽ bắt đầu từ kỳ tháng 4/2025, còn thay đổi danh mục cổ phiếu thành phần sẽ áp dụng từ kỳ tháng 7/2025.
Còn ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết giới hạn 40% làm chỉ số VN30 tăng chậm hơn khi nhóm tài chính tăng giá mạnh. Và ngược lại, chỉ số VN30 cũng giảm ít hơn khi nhóm tài chính giảm giá mạnh.
Sự điều chỉnh về tỷ trọng vốn hóa “dù muộn nhưng còn hơn không có gì” sẽ giúp giảm bớt rủi ro từ tính chu kỳ của ngành lên VN30 và phản ánh toàn diện hơn thể trạng nền kinh tế.
Về dòng vốn đầu tư, khi HOSE cập nhật giới hạn tỷ trọng vốn hóa VN30 dẫn đến tỷ trọng mới, các quỹ ETFs đang sử dụng VN30 làm chỉ số tham chiếu sẽ cần giảm tỷ trọng các cổ phiếu tài chính bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm để phân bổ sang các ngành khác.
Các quỹ sẽ cần phải bán bớt các nhóm cổ phiếu này để giảm tỷ trọng, do đó các cổ phiếu ngân hàng không tránh khỏi gặp áp lực trong ngắn hạn khi có thể bị bán ra hơn 10%.
Tuy nhiên với quy mô các quỹ ETFs hiện tại, thị trường đủ sức hấp thụ lực bán ra. Cùng với đó, nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư có xu hướng ưa chuộng cổ phiếu ngân hàng nên VN30 được tái cơ cấu là cơ hội để dòng tiền chủ động gia tăng tỷ trọng ngân hàng.
- 09:16 17/02/2025