Tranh cãi bản quyền AI: Đổi mới kinh tế hay đánh cắp sáng tạo?

15/03/2025 19:20
15-03-2025 19:20:00+07:00

Tranh cãi bản quyền AI: Đổi mới kinh tế hay đánh cắp sáng tạo?

Trí tuệ nhân tạo đang làm rung chuyển ngành công nghiệp âm nhạc khi có thể tạo ra các tác phẩm âm nhạc từ những tác phẩm có sẵn mà không cần trả phí bản quyền. Đề xuất mới trong luật về bản quyền của Chính phủ Anh nhằm hợp thức hóa điều này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới nghệ sĩ, làm dấy lên tranh cãi về tính hợp pháp và đạo đức của ngành công nghiệp béo bở này.

AI đã được sử dụng trong các ngành công nghiệp sáng tạo. Ảnh minh họa: Rolling Stone Culture Council

Nội dung tham vấn

Vào tháng 12-2024, Chính phủ Anh đã khởi xướng một cuộc tham vấn về luật bản quyền và trí tuệ nhân tạo (AI). Cuộc tham vấn kết thúc vào ngày 25-2-2025, đề xuất trọng tâm là mở rộng ngoại lệ trong hoạt động “khai thác văn bản và dữ liệu” (text and data mining - TDM). Theo đó, các nhà phát triển AI có thể sử dụng tác phẩm âm nhạc có bản quyền để đào tạo mô hình mà không cần xin phép hoặc trả phí, trừ khi chủ sở hữu quyền chủ động “bảo lưu quyền” (rights reservation) của mình. Hay nói cách khác, họ phải “từ chối một cách rõ ràng”, nếu không tác phẩm của họ sẽ mặc định được khai thác miễn phí cho mục đích huấn luyện AI.

Đề xuất này có thể xem là một ngoại lệ của luật về bản quyền, bao gồm cả các hoạt động thương mại, vốn chỉ được áp dụng cho một ngoại lệ hẹp đối với nghiên cứu phi thương mại(1) được áp dụng tương tự như nguyên tắc “fair-use” của Mỹ.

Tác động pháp lý và dấu hiệu vi phạm bản quyền

Âm nhạc được bảo vệ bởi luật về bản quyền, bất kỳ ai muốn sử dụng một bài hát đều phải được cấp phép bởi chủ sở hữu tác phẩm và trả một khoản phí tương ứng. Điều này đảm bảo rằng những người nắm giữ quyền và người sáng tạo được trả công xứng đáng cho sự sáng tạo của họ.

Ví dụ, Spotify trả phí cấp phép cho các hãng thu âm và nghệ sĩ để đưa nhạc lên nền tảng của mình. Điều tương tự cũng áp dụng cho các nhà hàng, quán bar khi phát nhạc trong quá trình hoạt động kinh doanh, cũng như các nghệ sĩ khi lấy mẫu (sampling) một bài hát khác vào tác phẩm mới của họ. Nếu AI sử dụng âm nhạc có bản quyền mà không có sự cho phép, điều này có thể bị xem là vi phạm bản quyền theo hai cách:

(i) Sử dụng âm nhạc để huấn luyện AI;

(ii) Sao chép các phần nhạc mà AI tạo ra từ dữ liệu huấn luyện.

Nếu các nền tảng phát trực tuyến bị coi là hỗ trợ những hành vi này, họ có thể bị kết tội vi phạm bản quyền thứ cấp(2), tương tự như các nền tảng tải xuống lậu. Năm 2023, Getty Images đã khởi kiện Stability AI tại Tòa án cấp cao Anh, cáo buộc công ty này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bằng cách sử dụng hơn 12 triệu hình ảnh có bản quyền từ kho lưu trữ của Getty để huấn luyện mô hình AI Stable Diffusion mà không xin phép hoặc trả phí.

Đến tháng 12-2023, thẩm phán Joanna Smith đã từ chối yêu cầu của Stability AI về việc bác bỏ một số cáo buộc trước phiên tòa, quyết định rằng vụ việc cần được xét xử đầy đủ để làm rõ các vấn đề như địa điểm huấn luyện mô hình và tính pháp lý của việc nhập khẩu phần mềm AI vào Anh. Cuộc tranh chấp này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc định hình luật về bản quyền liên quan đến AI.

Bên cạnh đó, điều 5(2) Công ước Berne ghi nhận quyền tác giả được bảo hộ mà không cần bất kỳ thủ tục hành chính nào. Việc buộc nghệ sĩ phải “từ chối” thay vì “đồng ý” có thể vi phạm nguyên tắc bảo vệ tự động của công ước này.

Điều gì thúc đẩy Anh thay đổi luật về bản quyền?

Anh tham vọng trở thành cường quốc trong lĩnh vực AI. Chính phủ cũng như các công ty AI nước này cho rằng sự không chắc chắn về AI đang hạn chế đầu tư và sự phát triển, đổi mới trong lĩnh vực. Theo thống kê, chỉ riêng đối với Liên minh châu Âu (EU) và Anh, con số đầu tư tư nhân đã lên đến 9 tỉ bảng Anh vào năm 2023, có khoảng 3.170 công ty AI hoạt động tại Anh, tạo ra 10,6 tỉ bảng Anh doanh thu liên quan đến AI. Ngành này cũng tuyển dụng hơn 50.000 người vào các vai trò liên quan đến AI, tạo ra 3,7 tỉ bảng Anh tổng giá trị gia tăng (GVA).

Chính phủ nước này đã lập luận rằng cách tiếp cận mới này sẽ cho phép các nhà phát triển mô hình AI có thể tiếp cận các tác phẩm có bản quyền mà không có nguy cơ vi phạm pháp luật, cho phép lĩnh vực AI của Anh cạnh tranh với các quốc gia khác, kể cả các thành viên của EU. Đồng thời cho biết cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao khả năng của chủ sở hữu quyền trong việc kiểm soát nguồn dữ liệu của họ và được trả công cho việc sử dụng đó.

Phản ứng từ ngành công nghiệp sáng tạo

Đề xuất của Chính phủ Anh ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, hãng thu âm và các tổ chức bảo vệ quyền SHTT. Ngành công nghiệp âm nhạc cho rằng cơ chế bảo lưu quyền “không đủ sức” để bảo vệ quyền lợi của họ, thậm chí còn đặt họ vào thế bất lợi.

Thứ nhất, việc yêu cầu từng cá nhân từ chối riêng lẻ từng công ty AI trên thực tế là một gánh nặng lớn và gần như không khả thi, đặc biệt đối với các nghệ sĩ độc lập hoặc mới vào nghề.

Thứ hai, đề xuất này tạo ra tiền lệ nguy hiểm, khi các công ty công nghệ toàn cầu có thể khai thác nội dung sáng tạo miễn phí, trong khi nghệ sĩ, chủ sở hữu bản quyền lại không nhận được hoặc nhận được rất ít phí bản quyền. Cũng như, sự sao chép tràn lan không chắc chắn được việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền chỉ trong phạm vi sử dụng thuần túy không vì mục đích thương mại.

Hơn 1.000 nghệ sĩ đang hoạt động tại Anh đã cùng sáng tác và phát hành album nhạc không lời “Is this what we want?” để phản đối đề xuất thay đổi luật về bản quyền liên quan đến AI. Album gồm 12 bản ghi âm trong không gian trống, tượng trưng cho tương lai nếu đề xuất được thông qua. Dù gây chú ý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Chính phủ Anh vẫn chưa rõ, nhưng đây là một trong những phản kháng có tổ chức đầu tiên từ nghệ sĩ.

Universal Music Group từng yêu cầu hai dịch vụ phát nhạc trực tuyến là Apple Music và Spotify ngăn chặn các nhà phát triển thu thập dữ liệu để đào tạo các botAI nhằm tạo ra các giai điệu và lời bài hát của các ca khúc có bản quyền thuộc sở hữu của hãng thu này, đồng thời đưa ra một số lượng lớn các yêu cầu gỡ bỏ liên quan đến các ấn phẩm AI tải lên trực tuyến.

Các chuyên gia sáng tạo và các ngành công nghiệp đang yêu cầu bồi thường cho việc sử dụng tác phẩm của họ để xây dựng các mô hình đó và yêu cầu dừng hoạt động khai thác cho đến khi họ cấp phép. Ngoài ra, các biện pháp pháp lý, bao gồm kiện tụng hoặc yêu cầu Chính phủ Anh ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát việc AI khai thác tác phẩm có bản quyền mà không xin phép cũng đang được tiến hành. Họ cũng lập luận rằng tác phẩm của họ đang bị lấy đi miễn phí để xây dựng các công cụ AI tạo ra các tác phẩm cạnh tranh trực tiếp với tác phẩm của họ.

Làm sao cân bằng giữa phát triển AI và quyền lợi nghệ sĩ?

Sự phát triển của AI trong kỷ nguyên số là không thể tránh khỏi và cũng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cả ngành công nghiệp sáng tạo và lĩnh vực AI đều nằm ở trung tâm chiến lược công nghiệp và chúng cũng ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu AI những năm gần đây được xem như một ngành công nghiệp mới nổi thì đóng góp của ngành âm nhạc tại Anh là không thể bàn cãi (tổng giá trị gia tăng vào khoảng 7,6 tỉ bảng Anh vào năm 2023).

AI đã được sử dụng trong các ngành công nghiệp sáng tạo, chủ yếu đảm nhiệm các công việc hậu kỳ, từ sản xuất âm nhạc, phim cho đến xuất bản, kiến trúc và thiết kế. Tính đến tháng 9-2024, hơn 38% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo cho biết họ đã sử dụng công nghệ AI, với gần 50% sử dụng AI để cải thiện hoạt động kinh doanh của họ.

Nếu nghệ sĩ mất đi nguồn thu từ bản quyền, điều này có thể làm giảm động lực sáng tạo, ảnh hưởng đến doanh thu dài hạn của ngành âm nhạc. Do đó, thay vì giới hạn một trong các bên, cần đảm bảo sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ và quyền lợi của các nghệ sĩ. Chính phủ Anh và các quốc gia khác cần thiết lập các quy định rõ ràng, yêu cầu các công ty AI trả phí bản quyền khi sử dụng tác phẩm có bản quyền, thay vì đặt gánh nặng “từ chối” lên nghệ sĩ. Đi kèm với đó là cơ chế quản lý như: lập quỹ bản quyền AI do chính phủ quản lý, hoặc yêu cầu công ty AI ký thỏa thuận cấp phép tập thể (collective licensing) với các tổ chức quản lý bản quyền (như PRS for Music, ASCAP...).

Đồng thời, các tổ chức phải minh bạch về quá trình phát triển và triển khai AI, tuân thủ đầy đủ các luật hiện hành như bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư và SHTT, và cho phép các bên thứ ba độc lập kiểm tra các quy trình và hệ thống của họ.

Đến nay, Chính phủ Anh vẫn đang cân nhắc các ý kiến phản hồi từ cuộc tham vấn. Mục tiêu là xây dựng một khuôn khổ bản quyền cân bằng, vừa thúc đẩy đổi mới công nghệ, vừa bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo, dựa trên đóng góp từ nhiều bên liên quan. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Với sự phát triển không ngừng của AI và một nền âm nhạc trẻ đầy tiềm năng, Việt Nam cần sớm thiết lập các cơ chế pháp lý linh hoạt, đảm bảo hài hòa giữa tiến bộ công nghệ và quyền lợi của nghệ sĩ, tránh lặp lại những tranh cãi tương tự trong tương lai.

(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM.
(1) Copyright, Designs and Patents Act 1988
(2) Những người không trực tiếp vi phạm quyền của chủ sở hữu bản quyền nhưng lại tạo điều kiện cho người khác vi phạm

Võ Thu Hương

TBKTSG

- 13:00 15/03/2025





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Liên minh hiệp hội ôtô Mỹ đề nghị ông Trump không áp thuế linh kiện nhập khẩu

Theo Liên minh các hiệp hội ngành ôtô Mỹ, thuế đối với linh kiện ôtô sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng ôtô toàn cầu, tạo ra hiệu ứng domino dẫn đến giá xe tăng cao...

Big Tech mất trắng 4.200 tỷ USD sau 3 tháng đầu tiên của “kỷ nguyên Trump 2.0"

Sau 3 tháng đầu tiên của “kỷ nguyên Trump 2.0," tổng giá trị thị trường của Apple, Microsoft, Nvidia, Amazon, Tesla, Alphabet và Meta sụt giảm tới 22%, làm chao đảo...

Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 4)

Việc triển khai cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) yêu cầu nguồn lực đáng kể, với các mô hình tổ chức đa dạng để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng quốc gia...

Tuyến cáp có dung lượng lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động

Tuyến cáp quang biển ADC vừa được Viettel đưa vào vận hành từ đầu tháng 4/2025 có dung lượng tối đa 50Tbps, lớn nhất Việt Nam và bằng 125% lần tổng dung lượng kết...

Bí mật đằng sau DeepSeek: Trung Quốc làm cả thế giới chao đảo với cú sốc AI

Các chính sách hỗ trợ của chính phủ, nguồn tài trợ và lực lượng kỹ sư AI dồi dào đã tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn...

Jack Ma: AI phải phục vụ con người, không phải để thống trị

Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba và là người ủng hộ trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu, cảnh báo rằng AI không nên thay thế con người mà cần hoạt động để đáp ứng mọi nhu...

CLB lớn Ngoại hạng Anh chọn doanh nghiệp Việt chuyển đổi số toàn cầu

Câu lạc bộ Chelsea và Tập đoàn FPT vừa công bố hợp tác toàn cầu nhằm nâng cao trải nghiệm số cho người hâm mộ và thúc đẩy chuyển đổi số trong vận hành và quản trị...

Loạt xe sedan cỡ B đang xả kho, giảm giá 'kịch sàn' trong tháng 4

Phân khúc sedan cỡ B tại Việt Nam hiện có gần 10 mẫu xe tham gia, trong đó phần lớn đang được áp dụng chương trình giảm giá và khuyến mại mạnh trong tháng 4.

Cơ chế Sandbox - Lý thuyết và thực tiễn (Kỳ 3)

Cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) chỉ hiệu quả khi thị trường fintech đã đủ trưởng thành, trong khi thị trường sơ khai có thể cần các cơ chế linh hoạt khác...

Những mẫu xe Mỹ nào được giảm thuế nhập khẩu từ tháng 4?

Dù thuế nhập khẩu giảm nhưng nhiều mẫu xe nhập Mỹ đang trong tình trạng tạm dừng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98