Thuế quan của Mỹ: Nhật Bản công bố gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp

25/04/2025 14:08
25-04-2025 14:08:00+07:00

Thuế quan của Mỹ: Nhật Bản công bố gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp

Theo hãng tin Kyodo, ngày 25/4, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo hãng tin Kyodo, ngày 25/4, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói biện pháp kinh tế khẩn cấp nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, trong bối cảnh vòng đàm phán song phương thứ 2 với Washington dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Gói hỗ trợ gồm 5 trụ cột chính, trong đó có các biện pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, với mục tiêu xoa dịu lo ngại rằng các mức thuế mới từ Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Phát biểu tại cuộc họp nội các, Thủ tướng Shigeru Ishiba cam kết giảm giá xăng và dầu diesel 10 yen (0,07USD)/lít, đảm bảo trợ cấp chi phí năng lượng và mở rộng phạm vi cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp nhỏ từ tháng tới.

Ông kêu gọi các cơ quan chức năng nỗ lực tối đa để giảm nhẹ tác động từ thuế quan của Mỹ, đặc biệt với các mặt hàng ô tô và thép, đồng thời cho rằng cần làm rõ với Mỹ rằng doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Mỹ thông qua đầu tư và tạo việc làm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với Washington.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Ryosei Akazawa dự kiến có chuyến thăm 3 ngày đến Mỹ, bắt đầu từ ngày 30/4 tới, để tiếp tục đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent – người phụ trách đàm phán về vấn đề thuế quan với Nhật Bản.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ryosei Akazawa đến Mỹ này được xem là cơ hội để Nhật Bản thúc đẩy việc miễn trừ hoặc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu do Tổng thống Donald Trump áp đặt, đặc biệt với ô tô - ngành công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản.

Theo các nguồn tin thân cận, tùy vào kết quả của vòng đàm phán thứ 2, chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba có thể triển khai thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm của ngành sản xuất trong nước và tránh tình trạng niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh.

Trước đó, ngày 24/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Scott Bessent tại Washington bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Cuộc họp được cho là để thảo luận về chính sách tiền tệ, vốn là một nội dung được tách riêng khỏi vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tuần trước.

Trong số các đối tác thương mại lớn, chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên cao cho đàm phán thuế quan với Nhật Bản, vốn là một đồng minh an ninh chiến lược và nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Bên cạnh vấn đề thương mại, Washington đã gây sức ép yêu cầu Tokyo tăng chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, trong khi Tokyo kiên quyết không gộp vấn đề an ninh và thương mại trong cùng bàn đàm phán. Nhật Bản cũng bác bỏ cáo buộc phá giá đồng yen để tạo lợi thế cho ngành sản xuất trong nước

Trong cuộc họp báo với một nhóm phóng viên ngày 23/4, ông Bessent khẳng định Mỹ “hoàn toàn không đặt mục tiêu tiền tệ” trong đàm phán thương mại với Nhật Bản.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông có thể đã gây sức ép buộc Tokyo nâng giá đồng yen, nhằm góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ.

Về phía Nhật Bản, các quan chức cho biết ông Kato dự kiến đề nghị Mỹ xem xét lại việc tăng mạnh thuế quan – điều mà IMF cảnh báo có thể dẫn đến “suy giảm đáng kể” tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước đó, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh tốc độ không quan trọng bằng chất lượng trong các cuộc đàm phán với Mỹ, cho rằng điều thiết yếu là đạt được thỏa thuận mang tính thực chất.

Mỹ hiện vẫn duy trì mức thuế bổ sung 25% đối với ô tô và một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, ngoài mức thuế quan cơ sở 10%. Các mức thuế này được tạm hoãn 90 ngày kể từ ngày 9/4 nhằm tạo điều kiện cho quá trình đàm phán./.

Hoàng Châu

Vietnamplus

- 11:54 25/04/2025







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nomura: Mỹ có thể áp thuế quan cao lên châu Á để ngăn hàng Trung Quốc "đi vòng”

Mỹ có thể áp mức thuế quan cao đối với các nước Đông Nam Á do dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng hàng hóa qua khu vực này để tránh mức thuế cao hơn, theo...

Chờ đợi gì từ cuộc họp Fed khuya nay?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bày tỏ quan điểm về lộ trình lãi suất tương lai trong tuần này, cùng với đánh giá tác động của thuế quan và bất ổn Trung...

Châu Á ‘đi dây’ trong căng thẳng thương mại Mỹ – Trung

Khi căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc leo thang, châu Á đứng trước bài toán hóc búa: làm sao bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia mà...

EU từ chối đối thoại kinh tế với Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh

Lý do từ chối tổ chức cuộc họp với Trung Quốc mà EU đưa ra là cuộc gặp sẽ không tạo tiến triển trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Goldman Sachs: Nhu cầu nhà ở Trung Quốc vẫn thấp hơn 75% so với mức đỉnh

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo nhu cầu nhà ở mới tại các thành phố sẽ duy trì ở mức thấp hơn 75% so với đỉnh năm 2017 trong những năm tới. Nguyên nhân chính...

Mỹ ký thỏa thuận chính thức giảm thuế quan cho hàng hóa của Anh

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ thuế quan đối với ngành hàng không vũ trụ của Anh xuống mức 0%, hạ thuế đối với ô tô nhập khẩu của Anh xuống mức 10% đối với...

Bài toán khó cho công suất pin mặt trời dư thừa ở Trung Quốc

Sau khi ghi nhận khoản thua lỗ đến 40 tỉ đô la hồi năm ngoái, các công ty pin mặt trời Trung Quốc kêu gọi chấm dứt cuộc chiến giá và tìm giải pháp cho tình trạng dư...

Khi tư pháp Mỹ can thiệp vào hành pháp

Những diễn biến bất ngờ liên quan đến chính sách thuế quan của Chính phủ Mỹ buộc nhiều người phải tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống tư pháp của nước này.

Ngành rượu Trung Quốc đang "tan nát" vì 3 cú sốc

Có điều gì đó thiếu vắng khi Kweichow Moutai, công ty rượu có giá trị lớn nhất thế giới, tổ chức cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 5. Những người tham dự không...

Các ngân hàng toàn cầu ráo riết săn lùng nhân tài tại Nhật Bản

Trong bối cảnh thị trường lao động tại Nhật Bản thuộc hàng khan hiếm nhất thế giới, các nhà tuyển dụng sẵn sàng giữ ứng viên trong phòng phỏng vấn nhiều giờ liền và...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98