Cửa khẩu thông minh: Bước tiến số hóa trong thương mại Việt Nam

01/05/2025 13:02
01-05-2025 13:02:00+07:00

Cửa khẩu thông minh: Bước tiến số hóa trong thương mại Việt Nam

Khi nền kinh tế số đang chuyển mình mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong đó, "cửa khẩu thông minh" mở ra cơ hội mới cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế biên mậu của đất nước.

Cửa khẩu thông minh (Smart Border) là mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, mô hình này còn là một hệ thống quản lý biên giới hiện đại sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), nhận diện sinh trắc học, phân tích dữ liệu, blockchain,… để tối ưu hóa việc kiểm soát dòng người, hàng hóa qua biên giới, đảm bảo an ninh[1].

Cửa khẩu thông minh góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, vấn đề "đau đầu" kéo dài nhiều năm qua. Bên cạnh đó, cửa khẩu thông minh giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mặc khác, mô hình này góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hỗ trợ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân hai bên biên giới, đồng thời giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Thực trạng và nhu cầu triển khai tại Việt Nam

Hiện nay, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), mô hình thông quan truyền thống đã tiệm cận hiệu suất thông quan tối đa khoảng 1,350 xe/ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế[2]. Thời gian thông quan kéo dài, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Tháng 2/2022, Lạng Sơn đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình cửa khẩu số. Nếu giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chỉ đạt 17.5 tỷ USD, thì đến năm 2024, địa phương này đã xác lập kỷ lục về tổng kim ngạch XNK khi đạt 66.4 tỷ USD[3], tăng 27.6% so với năm trước đó và chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc[4].

Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2024 phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng “cửa khẩu thông minh” tại khu vực mốc 1119-1120 và 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc)[5], Lạng Sơn bước vào giai đoạn mới trong việc hiện đại hóa hoạt động thông quan.

Theo dự báo, khi hoàn thiện vào năm 2030, năng lực thông quan tại các tuyến đường chuyên dụng sẽ tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay, đạt từ 3,000-3,500 xe/ngày tại khu vực mốc 1119-1120 và từ 2,000-2,500 xe/ngày tại khu vực mốc 1088/2-1089[6]. Điều này giúp giảm chi phí logistics, ước tính tiết kiệm hơn 4,900 tỷ đồng vào năm 2027 và trên 9,800 tỷ đồng vào năm 2030[7].

Chính sách và lộ trình triển khai

Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc)[8] được kỳ vọng sẽ đưa tỉnh Lạng Sơn thành đầu mối giao thương hàng hóa hiện đại, sôi động giữa Việt Nam - Trung Quốc và khu vực ASEAN.

Thời gian thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn gồm:

Giai đoạn 1: Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, từ quý 3/2024 đến hết quý 2/2026. Trong giai đoạn này, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ xây dựng và ký kết với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về cơ chế gặp gỡ trao đổi thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Đồng thời, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước và huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp. Việc xây dựng các hướng dẫn, quy trình vận hành, kiểm tra, giám sát chi tiết cũng được thực hiện trong giai đoạn này, cùng với việc triển khai đấu nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin với phía Trung Quốc để vận hành thử nghiệm cửa khẩu thông minh[9].

Giai đoạn 2 bắt đầu thực hiện thí điểm từ quý 3/2026 đến hết quý 3/2029. Theo đó, sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng thời, tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi[10].

Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thí điểm thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh ban đầu bao gồm: mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án[11].

Cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn.

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang tích cực triển khai các mô hình biên giới thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tăng cường an ninh biên giới và thúc đẩy thương mại quốc tế.

Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói "Smart Borders Package", dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2026. Gói này nhằm tạo thuận lợi cho kiểm soát biên giới, cải thiện an ninh nội địa thông qua việc nhận dạng chăt chẽ hơn tại biên giới bên ngoài, và tạo điều kiện phát hiện những người ở quá hạn trong lãnh thổ EU. Hệ thống Nhập cảnh/Xuất cảnh (EES) được phát triển để cải thiện chất lượng kiểm soát biên giới đối với công dân nước thứ ba và đặc biệt là giúp xác định những người đang ở bất hợp pháp trong khu vực Schengen[12].

Trung Quốc đề xuất sáng kiến "Smart Customs, Smart Borders and Smart Connectivity" ("3S"), tập trung vào việc khuyến khích đổi mới công nghệ, tối ưu hóa các phương tiện kiểm soát để hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực hải quan. Sáng kiến này còn khuyến khích tất cả cơ quan hải quan và biên giới chia sẻ thông tin, tăng cường hoạt động chung, kiểm soát rủi ro để đạt được quản lý biên giới phối hợp. Ngoài ra, kết nối thông minh khuyến khích sự kết nối liên thông, khả năng tương thích của các hệ thống và tiêu chuẩn, sự hợp tác của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu để đảm bảo an ninh, tạo thuận lợi cho thương mại[13].

Từ các mô hình sáng kiến trên thế giới, Việt Nam học được gì?

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ như AI, IoT, blockchain, nhận dạng sinh trắc học, phân tích dữ liệu lớn là xu hướng tất yếu trong quản lý biên giới hiện đại. Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng vận hành, phát triển các hệ thống này.

Thứ hai, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cửa khẩu thông minh. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng, để đảm bảo tính tương thích, liên kết của các hệ thống.

Thứ ba, cần có cơ chế bảo vệ quyền riêng tư, an ninh thông tin mạnh mẽ khi triển khai các hệ thống biên giới thông minh. Việc thu thập, xử lý dữ liệu sinh trắc học, thông tin cá nhân đòi hỏi phải có các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt.

Thứ tư, việc phát triển cửa khẩu thông minh cần được xem là một phần của chiến lược số hóa, phát triển thương mại số tổng thể. Theo WTO, các dịch vụ được cung cấp kỹ thuật số đã ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về giá trị kể từ năm 2005, tăng trung bình 8.1% mỗi năm ở giai đoạn 2005-2022, vượt qua tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy thương mại số[14].


[1] https://www.wcoesarpsg.org/projects/smart-borders/

[2] https://tuoitre.vn/tiet-kiem-ngan-ti-dong-voi-cua-khau-thong-minh-20241224093144233.htm

[3] https://ttdn.vn/hoi-nhap-va-phat-trien/kinh-te-dau-tu/cua-khau-thong-minh-nen-tang-vung-chac-phat-trien-kinh-te-bien-mau-114614

[4] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-quan-lang-son-no-luc-vi-muc-tieu-nang-cao-nang-luc-thong-quan-hang-hoa-167853.html

[5] https://tuoitre.vn/tiet-kiem-ngan-ti-dong-voi-cua-khau-thong-minh-20241224093144233.htm

[6] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-cua-khau-thong-minh-hien-dai-tien-ich-giam-thieu-phien-ha-162911-162911.html

[7] https://tuoitre.vn/tiet-kiem-ngan-ti-dong-voi-cua-khau-thong-minh-20241224093144233.htm

[8] https://songv.langson.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong/thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-de-an-thi-diem-xay-dung-cua-khau-thong-minh-tai-lang-son.html

[9] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/70055/lo-trinh-thuc-hien-de-an-thi-diem-xay-dung-cua-khau-thong-minh-tai-lang-son

[10] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/70055/lo-trinh-thuc-hien-de-an-thi-diem-xay-dung-cua-khau-thong-minh-tai-lang-son

[11] https://songv.langson.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-hoat-dong/thu-tuong-chinh-phu-phe-duyet-de-an-thi-diem-xay-dung-cua-khau-thong-minh-tai-lang-son.html

[12] https://intermin.fi/en/border-management/smart-borders

[13] https://www.mfa.gov.cn/eng/zy/jj/2030kcxfzyc/202209/P020220928605383850563.pdf

[14] https://www.wto.org/english/res_e/booksp_e/dtd2023_e.pdf

Phạm Hoàng Phúc

FILI

- 12:00 01/05/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vì sao tiêu thụ xi măng giảm mạnh?

Khan hiếm cát, đá xây dựng cũng như giá một số loại vật liệu (cát, gạch) tại nhiều địa phương phi mã không chỉ làm chậm tiến độ các dự án mà còn ảnh hưởng nghiêm...

Malaysia dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sắt, thép Việt Nam

Malaysia dỡ bỏ việc áp dụng thuế chống bán phá giá và các cuộc điều tra đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam, có hiệu lực từ...

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Hậu ‘Pháo’ và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.168 tỷ đồng

Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm, đối tượng liên quan gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.168 tỷ đồng. Các...

Vụ sữa giả HIUP: Mỗi lon giá gốc 87.000 đồng, bán ra 546.000 đồng

Một lon sữa giả mang tên HIUP 27, giá xuất xưởng chỉ 87.800 đồng, nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại được đội giá lên hơn 546.000 đồng/lon, mức chênh lệch hơn 6...

Chính phủ xác định người dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực

Phát biểu tại hội nghị chiều 22/06, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 4 định hướng lớn và 3 vai trò tiên phong cho người nông dân, khẳng định đây là nền tảng cho giai...

Ba mỏ cát tại Quảng Nam được đấu giá hơn 940 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần giá khởi điểm

Ba mỏ cát tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vừa được đấu giá với tổng số tiền trúng vượt 940 tỷ đồng, cao gấp hàng trăm lần so với mức giá khởi điểm ban đầu.

TPHCM, Hà Nội báo cáo tiến độ loạt dự án trọng điểm

TPHCM và Hà Nội đang đẩy mạnh thi công nhiều công trình hạ tầng lớn, trong đó Vành đai 4 vùng Thủ đô đạt gần 99% giải phóng mặt bằng, còn Vành đai 3 TPHCM đã hoàn...

Liên danh của Tập đoàn Phương Trang trúng thầu cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương gần 12,000 tỷ

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư (PPP)...

Liên danh có Tập đoàn Phương Trang trúng thầu dự án đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương

Liên danh gồm Tập đoàn Phương Trang với 2 doanh nghiệp trúng thầu đầu tư xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương với giá trị gần 11.924 tỉ đồng.

Giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 264,800 tỷ đồng, bằng 32.06% kế hoạch và cao hơn cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2024.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98