Nghị quyết 68 - Sức bật cho nền kinh tế tư nhân Việt Nam

14/05/2025 17:53
14-05-2025 17:53:06+07:00

Nghị quyết 68 - Sức bật cho nền kinh tế tư nhân Việt Nam 

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 - một chỉ thị quan trọng, được kỳ vọng tạo sự thay đổi lớn trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Được đánh giá là bước ngoặt lịch sử, Nghị quyết lần này đã nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, xác định rõ đây là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. 

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đã có bài phân tích về vai trò quan trọng của Nghị quyết 68.

Tầm nhìn cốt lõi của Nghị quyết 68 là xây dựng khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao và có năng lực cạnh tranh toàn cầu - không chỉ giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế mà còn là lực lượng tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu dài hạn là giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết là mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa. Mô hình này lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, nơi các chaebol như Samsung hay Hyundai đã trở thành trụ cột phát triển quốc gia. Việt Nam kỳ vọng việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động.

Liên quan đến định hướng đó, báo cáo này tập trung làm rõ ba điểm cốt lõi của chính sách mới: (1) Các cơ chế ưu đãi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là chiến lược phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn theo mô hình chaebol Hàn Quốc; (2) Bảo đảm đối xử công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thiết lập một sân chơi bình đẳng thực sự; và (3) Lộ trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân.

Đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân

Chính phủ Việt Nam nhận định thập kỷ tới là giai đoạn then chốt để tăng tốc phát triển kinh tế trước khi các thách thức về nhân khẩu học và yếu tố khách quan khác khiến việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trở nên khó khăn hơn. Nghị quyết 68 tập trung vào các biện pháp toàn diện nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân. Trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68, các nhà hoạch định chính sách đã tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn, trong đó có Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ - Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (gọi tắt là Ban IV), được thành lập năm 2017.

Ông Don Lam - Tổng Giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital - hiện là Phó Chủ tịch Ban IV. Cùng với các thành viên khác, ông đã tích cực đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc đối với doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Ban IV hoạt động với nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững.

Ban IV tập trung giải quyết những rào cản lớn đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm khoảng cách về công nghệ, năng lực quản trị và khả năng tiếp cận tài chính. Đồng thời, Ban cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các sáng kiến về cải cách và các chính sách khuyến khích nghiên cứu & phát triển (R&D), nhằm kiến tạo khu vực tư nhân năng động hơn, định hướng công nghệ và phát triển bền vững.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP và sử dụng hơn 80% tổng số lao động tại Việt Nam, hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực và năng lực để hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đưa khu vực tư nhân Việt Nam vươn lên nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu châu Á về đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số. Đây là thách thức không nhỏ, dù Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có trình độ cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Cuối cùng, Nghị quyết 68 tạo động lực cho các quỹ đầu tư tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân, hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ, tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân, cung cấp vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng.

Nghị quyết 68: Hướng đi mới cho phát triển kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn đang đối mặt nhiều thách thức dai dẳng như khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính rườm rà và mức độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế - những yếu tố đang kìm hãm tiềm năng phát triển toàn diện của khu vực này. Nghị quyết 68 ra đời nhằm tháo gỡ các nút thắt đó, với mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí và thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa cấp phép, giảm gánh nặng tuân thủ và chuyển từ mô hình “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đối với nhiều loại hình kinh doanh.

Một điểm nổi bật khác của Nghị quyết là cải cách hệ thống thuế theo hướng công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, đến năm 2026, Chính phủ sẽ xóa bỏ cơ chế thuế khoán đối với hộ kinh doanh, khuyến khích họ chuyển sang mô hình doanh nghiệp chính thức với chính sách thuế linh hoạt và phù hợp hơn. Song song đó, các địa phương sẽ phải dành quỹ đất riêng - bao gồm một phần diện tích trong mỗi khu công nghiệp - cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng như các startup đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân sẽ được hưởng mức giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng thuê đất.

Nghị quyết 68 cũng đặt ra yêu cầu hình thành các kênh tín dụng chuyên biệt và cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho SMEs, startup, doanh nghiệp mới thành lập và các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Các biện pháp bao gồm hỗ trợ lãi suất cho vay và phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân được phép trích tới 20% lợi nhuận sau thuế mỗi năm vào quỹ nghiên cứu & phát triển (R&D) và được khấu trừ tới 200% chi phí R&D khỏi thu nhập chịu thuế - một chính sách mang tính đột phá nhằm thúc đẩy đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng, Nghị quyết 68 cũng giải quyết vấn đề tồn tại lâu dài trong nền kinh tế Việt Nam: sự ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chính phủ đặt mục tiêu tái cơ cấu toàn diện các DNNN trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế số - bao gồm cả việc thoái vốn Nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào các ngành này. Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần “không giới hạn” đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm dần sự chi phối của khu vực Nhà nước và mở rộng không gian cho tư nhân phát triển.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp như một phần của bản sắc quốc gia

Bên cạnh các nội dung được đề cập, Nghị quyết 68 còn nhấn mạnh vai trò của tinh thần khởi nghiệp như một yếu tố cấu thành bản sắc quốc gia Việt Nam trong thời đại mới. Doanh nhân được ví như những “chiến binh thời bình trên mặt trận kinh tế” và Chính phủ cam kết cải thiện hình ảnh, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân thông qua nhiều biện pháp cụ thể.

Chiến dịch quốc gia về doanh nhân: Một chiến dịch truyền thông toàn diện nhằm tôn vinh thành tựu của các doanh nhân Việt Nam, nâng cao vị thế xã hội của họ, và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi con đường khởi nghiệp, sáng tạo.

Bảo vệ pháp lý cho doanh nhân: Để tạo môi trường hoạt động ổn định, Chính phủ đã triển khai các biện pháp mạnh nhằm bảo vệ doanh nhân khỏi các hành vi quấy rối, bôi nhọ thông tin, đồng thời cải thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng minh bạch, công bằng. Thủ tục phá sản sẽ được đơn giản hóa nhằm khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thất bại. Cơ chế giải quyết tranh chấp cũng sẽ được cải tiến để đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận giải pháp một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Chính sách hỗ trợ có mục tiêu: Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ được hưởng các gói hỗ trợ riêng biệt, bao gồm tư vấn pháp lý miễn phí, cung cấp phần mềm quản trị, và các chương trình đào tạo chuyên môn. Mục tiêu là giúp nhóm doanh nghiệp này nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả hoạt động, từ đó mở rộng quy mô và tạo thêm việc làm.

Theo quan điểm của VinaCapital, Nghị quyết 68 là văn kiện mang tính bước ngoặt, nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân,” đồng thời đưa ra tầm nhìn cụ thể cho việc phát triển khu vực tư nhân theo hướng nhanh, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Một trong những mục tiêu then chốt là hình thành 20 tập đoàn tư nhân lớn vào năm 2030, theo mô hình chaebol của Hàn Quốc, đóng vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, Nghị quyết 68 được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Hàn Đông

FILI

- 16:51 14/05/2025





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Khởi tố hai đối tượng sản xuất hơn 3 tấn bò khô, khô gà giả không nguồn gốc

Từ lời khai ban đầu và quá trình điều tra, Công an Thái Bình đã phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả quy mô lớn với hàng chục ngàn gói hàng khô...

H&M và SYRE muốn đưa Việt Nam thành trung tâm dệt may tuần hoàn toàn cầu

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Stockholm, lãnh đạo H&M và SYRE cam kết mở rộng đầu tư xanh tại Việt Nam, với dự án nhà máy tái chế trị giá...

Phá đường dây đánh cắp thông tin 21,000 thẻ tín dụng quốc tế để chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Công an Đà Nẵng vừa triệt phá một đường dây tội phạm mạng quy mô lớn do 2 đối tượng cầm đầu, sử dụng trái phép dữ liệu thẻ Visa, Mastercard, Discover của người nước...

Việt Nam - Thụy Điển nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược ngành về đổi mới sáng tạo

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ulf Kristerson nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước trong lĩnh vực đổi mới...

Tập đoàn Ericsson 'sẵn sàng giúp Việt Nam đi tắt đón đầu' trong số hóa

Sáng 13/6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày giờ Hà Nội), trong chương trình thăm chính thức Thụy Điển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Borje Ekholm, Tổng...

Thủ tướng kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Thụy Điển vào Việt Nam

Trong chương trình thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, chiều 12/6 (giờ địa phương), tại Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Hợp tác phát...

Hộ gia đình sử dụng bao nhiêu điện nên cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà?

Tiền điện bình quân sử dụng hàng tháng là một trong những yếu tố để các hộ dân cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà.

Diện mạo Việt Nam sau sáp nhập tỉnh, thành như thế nào?

Với 461/465 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội vào sáng 12/06/2025 đã chính thức thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vậy...

Công ty đề xuất 100 tỷ USD làm đường sắt tốc độ cao: Làm ăn cả năm lãi... 1 triệu đồng

Giai đoạn năm 2019 - 2021, Công ty Mekolor có 2 năm làm ăn thua lỗ, 1 năm làm ăn có lãi với mức 1 triệu đồng, công ty này hiện có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Căn...

Việt Nam sẵn sàng thêm ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ và đề nghị Hoa Kỳ có bước đi tương xứng

Việt Nam nhất quán đàm phán với Hoa Kỳ nhằm hướng tới một Hiệp định song phương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ, thể chế chính trị, hài hòa, cân bằng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98