Để việc đăng ký thành lập doanh nghiệp “dễ như mở tài khoản ngân hàng”
Để việc đăng ký thành lập doanh nghiệp “dễ như mở tài khoản ngân hàng”
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đăng ký thành lập doanh nghiệp, trở thành vấn đề cấp thiết. Một câu hỏi gợi mở đặt ra là: Vì sao việc mở tài khoản ngân hàng - vốn chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình kinh doanh - lại được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, trong khi thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản? Câu hỏi ấy không chỉ phản ánh những bất cập hiện tại, mà còn mở ra hướng đi mới cho cải cách thủ tục hành chính, để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp, nơi tinh thần kinh doanh được khuyến khích và phát triển mạnh mẽ.
Mỗi cuộc cải cách, một làn sóng khởi nghiệp
Từ công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến dài trong phát triển kinh tế. Mỗi lần có sự thay đổi về thể chế - từ Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Đầu tư 2005 cho đến các phiên bản sửa đổi sau này - số lượng doanh nghiệp đăng ký mới lại tăng vọt. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, cả nước có 157,240 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.55 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần đây, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động cũng đang tăng nhanh. Năm 2024, cả nước ghi nhận khoảng 197,900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14.7% so với năm 2023 . Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, phản ánh những khó khăn kéo dài trong môi trường kinh doanh. Phần lớn trong số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn duy trì ở mức nhất định thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc rút lui khỏi thị trường ngày càng cao, khiến cho mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 trở thành thách thức lớn.
Vì sao việc đăng ký doanh nghiệp vẫn chưa “dễ như mở tài khoản ngân hàng”?
Một thực tế đáng buồn là, dù Việt Nam đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Trước hết là quy trình thủ tục còn phức tạp, giấy tờ yêu cầu nhiều, chưa thực sự thông suốt giữa các cơ quan liên quan.
Theo báo cáo "Doing Business 2020" của Ngân hàng Thế giới, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam là 16 ngày, với 8 bước thủ tục cần thực hiện (một phần lớn trong số đó là những rào cản vô hình và chi phí ngầm). Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, tại Singapore, thời gian trung bình chỉ khoảng 1.5 ngày với 2 bước thủ tục để hoàn tất đăng ký. So sánh này cho thấy, dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải cách, thủ tục thành lập doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục tinh giản và tối ưu hơn.
Bên cạnh đó, nhóm SMEs thường thiếu thông tin và thiếu dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mới thành lập gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện các bước pháp lý ban đầu. Trong bối cảnh số hóa đang trở thành xu thế tất yếu, nhiều địa phương vẫn triển khai các dịch vụ hành chính công theo kiểu “nửa vời”, tức là vừa giấy vừa điện tử, chưa thực sự đồng bộ, gây khó khăn cho người dân.
Tư duy đổi mới - Chìa khóa để đạt mục tiêu
Từ năm 2024, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách hành chính bằng việc triển khai số hóa toàn diện dịch vụ công, đồng thời phát triển mô hình đại lý dịch vụ công tại các ngân hàng thương mại. Đây chính là nền tảng để mở ra một hướng đi đột phá: Mô hình “khu vực hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp” đặt trực tiếp tại từng chi nhánh của các ngân hàng.
Theo mô hình này, ngân hàng không chỉ đóng vai trò cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng mà còn trở thành điểm tiếp nhận dịch vụ công trực tiếp, tư vấn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập ngay tại địa điểm giao dịch của ngân hàng. Khi người dân đến ngân hàng để mở tài khoản, họ có thể đồng thời được nhận tư vấn về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với sự hướng dẫn tận tình từ các cán bộ chuyên trách. Mô hình này không chỉ tận dụng thế mạnh về đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và mạng lưới chi nhánh rộng khắp của ngân hàng mà còn giúp chủ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một sáng kiến/cách làm hay cần được nhân rộng trên toàn quốc, không chỉ là sự kết hợp sáng tạo giữa chính quyền và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn, mà còn mở ra một cánh cửa mới cho tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Như vậy, để đạt được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, Việt Nam không chỉ cần những lời hiệu triệu khởi nghiệp mà quan trọng hơn là cần một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thân thiện. Việc đặt khu vực hỗ trợ, tư vấn đăng ký thành lập doanh nghiệp tại từng chi nhánh ngân hàng chính là bước đi đột phá, giúp đưa dịch vụ công đến gần hơn với doanh nghiệp, xóa bỏ rào cản về địa lý, giấy tờ và thủ tục. Đó không chỉ là cải cách hành chính, mà còn là lời cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh và hiện đại. Khi việc đăng ký doanh nghiệp trở nên dễ dàng như mở tài khoản ngân hàng, Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến khát vọng trở thành quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ, đổi mới và thịnh vượng.
- 12:00 10/06/2025