Lãi suất tiền gửi ổn định đầu tháng 6
Lãi suất tiền gửi ổn định đầu tháng 6
Đầu tháng 6, lãi suất tại các ngân hàng chững lại, chỉ có một số ít ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Tại kỳ điều chỉnh 24/05/2025, VPBank giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn. Với khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng, VPBank áp dụng lãi suất 1-3 tháng là 3.6%/năm, lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng là 4.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5%/năm, trên 12 tháng giảm còn 5.1%/năm.
Eximbank cũng giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng từ ngày 21/05/2025. Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng xuống còn 4.7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 4.9%/năm.
Ở chiều ngược lại, từ ngày 05/06/2025, Bac A Bank tăng từ 0.1-0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, Bac A Bank áp dụng lãi suất 3.9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 4.2%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 5.35%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 5.6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Như vậy, tính đến ngày 09/06/2025, lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 1.6 - 4.2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 2.9 - 5.45%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3.7 - 5.6%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, Bac A Bank và Saigonbank có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 5.6%/năm. Kế đó là BVBank ở mức 5.55%/năm. NCB, Nam A Bank và Vietbank cùng giữ ở mức 5.5%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, Bac A Bank giữ mức lãi suất cao nhất ở 5.35%/năm. Kế đó là NCB ở mức 5.25%/năm, BVBank ở mức 5.1%/năm.
Trong khi kỳ hạn 3 tháng đang có mức lãi suất cao nhất tại Bac A Bank là 4.2%/năm. Lãi suất 4.1%/năm được NCB áp dụng. Mức 4%/năm được các ngân hàng BVBank, BaoVietBank, Nam A Bank và OCB áp dụng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng áp dụng lãi suất đặc biệt cho các điều kiện đặc biệt. ABBank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên tới 9.65%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tối thiểu 1,500 tỷ đồng tại quầy với kỳ hạn 13 tháng.
PVcomBank cũng công bố mức lãi suất cao nhất là 9%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 2,000 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Hay như HDBank áp dụng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng có tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 500 tỷ đồng trở lên là kỳ hạn 12 tháng là 7.7%/năm, kỳ hạn 13 tháng là 8.1%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 09/06/2025
![]() Nguồn: Tổng hợp
|
Nhóm ngân hàng ngoại không thay đổi lãi suất huy động nhiều, chỉ có Standard Chartered Bank giảm nhẹ lãi suất tiền gửi từ ngày 03/06. Trong các ngân hàng ngoại, tính đến 09/06, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất là Public Bank ở mức 5.5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5%/năm áp dụng tại Public Bank và CIMB.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng ngoại tính đến ngày 09/06/2025
![]() Nguồn: Tổng hợp
|
Lãi suất sẽ duy trì đi ngang đến cuối năm
Trong báo cáo phân tích công bố ngày 03/06/2025 của CTCK An Bình (ABS), lãi suất thấp là động lực giúp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư mới, tạo hiệu ứng lan tỏa ra nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp là yếu tố then chốt hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn giảm chi phí vốn vay, từ đó mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo công bố ngày 09/06/205, với bối cảnh hiện nay, UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách, với lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 4.5%. Nếu điều kiện kinh doanh trong nước và thị trường lao động suy yếu nghiêm trọng, kỳ vọng NHNN có thể hạ lãi suất tái cấp vốn một lần xuống mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4%, sau đó có thể tiếp tục giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 3.5%, với điều kiện thị trường ngoại hối vẫn ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất. Ở thời điểm hiện tại, kịch bản cơ sở vẫn là NHNN sẽ giữ nguyên các mức lãi suất chính sách.
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh, Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong kỳ họp sắp tới sẽ là cơ hội để các thị trường mới nổi như Việt Nam có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc Fed giảm lãi suất có thể giúp ổn định tỷ giá đồng USD/VND, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể vẫn cần duy trì mức lãi suất cao hơn Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Lãi suất cao hơn là yếu tố then chốt để thu hút dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi. Trong quá khứ, khi lãi suất tại Việt Nam thấp hơn Mỹ, đất nước đã phải đối mặt với nhiều bất lợi – bao gồm việc thu hút FDI chậm lại và khó khăn trong việc duy trì ổn định kinh tế trong nước.
Giả định khi Fed thực hiện 1-3 đợt cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, khả năng cao Việt Nam vẫn sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, có thể sẽ vẫn có áp lực từ phía Chính phủ cho mức lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, việc một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi đặc biệt cho một nhóm khách hàng, chủ yếu nằm ở một vài ngân hàng quy mô nhỏ. Động thái này có thể nhằm giữ chân những khách hàng đang nắm giữ lượng tiền gửi rất lớn, đồng thời cũng không loại trừ khả năng nhằm thu hút thêm các khách hàng mới có tiềm lực tài chính mạnh. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ chính sách lãi suất, việc điều chỉnh tăng dù chỉ đôi chút cũng đã tạo ra sức hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với các ngân hàng nhỏ, chỉ cần một khách hàng lớn rút vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng ra khỏi hệ thống là có thể dẫn đến tình trạng mất thanh khoản.
Trong khi đó, dù lãi suất tiền gửi thông thường vẫn đang duy trì ở mức thấp, nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn không sụt giảm. Lý do là bởi các kênh đầu tư thay thế hiện chưa đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh với sự an toàn tương đối của gửi tiết kiệm. Thị trường chứng khoán tuy có dấu hiệu phục hồi trong thời gian gần đây nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến nhà đầu tư cá nhân e ngại. Thị trường bất động sản chỉ ghi nhận mức tăng ở một vài phân khúc nhất định, tâm lý chung của nhà đầu tư lướt sóng vẫn thận trọng. Các kênh đầu tư khác cũng chưa thực sự thu hút được dòng vốn lớn, do tâm lý lo ngại về bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước còn nhiều biến động khó lường. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người vẫn lựa chọn giữ tiền mặt hoặc gửi tiết kiệm như một cách bảo toàn vốn an toàn nhất.
Ông Huân dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang. Chính phủ hiện vẫn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, nên việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp được xem là cần thiết để hỗ trợ các mục tiêu này.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế nhận định, số lượng khách hàng cá nhân sở hữu tài sản lên đến vài trăm tỷ đồng trở lên là không nhiều. Tuy nhiên, nếu ngân hàng có thể thu hút được nhóm khách hàng này, họ sẽ có cơ hội tiếp cận một nguồn tiền gửi rất lớn. Đặc biệt, nếu các khoản tiền đó được gửi với kỳ hạn dài, ngân hàng sẽ có thêm sự ổn định về nguồn vốn, từ đó thuận lợi trong việc cho vay vào các lĩnh vực sinh lời cao như bất động sản.
Từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng cần một nguồn vốn huy động dồi dào. Tuy nhiên, hiện tại tiền gửi đang phải cạnh tranh quyết liệt với các kênh đầu tư khác như chứng khoán và vàng. Trong bối cảnh đó, khả năng lãi suất tiền gửi tăng trong thời gian tới là cao hơn so với kịch bản giảm. Nếu lãi suất tiền gửi tăng, lãi suất cho vay chắc chắn cũng sẽ điều chỉnh theo. Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh tín dụng, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay.
- 09:58 10/06/2025