Nền kinh tế “safari”
Nền kinh tế “safari”
Trên khắp các công viên safari, hình ảnh những loài thú lớn như hổ, sư tử, voi hay hươu cao cổ luôn thu hút sự chú ý. Chúng tượng trưng cho sức mạnh, sự nổi bật và quyền lực. Nhưng giữa cảnh quan được thiết kế cầu kỳ ấy, sẽ luôn thiếu vắng sự sống động thực sự của tự nhiên nếu thiếu những loài nhỏ hơn – côn trùng, thảm thực vật, vi sinh vật – những mắt xích thiết yếu duy trì chuỗi thức ăn và cân bằng hệ sinh thái. Hình ảnh đó gợi lên liên tưởng đến một nền kinh tế mà các tập đoàn lớn và doanh nghiệp đầu tàu chiếm lĩnh sân khấu, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn còn bị xem nhẹ, chưa thực sự được nuôi dưỡng để phát triển.
SMEs – “Thảm thực vật” duy trì sức sống của nền kinh tế
Trong bất kỳ nền kinh tế nào, SMEs luôn đóng vai trò như những “loài nhỏ” trong hệ sinh thái tự nhiên, là nền tảng nuôi dưỡng sức sống và duy trì sự cân bằng. Ở Việt Nam, khu vực này chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng khoảng 77% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP. Con số ấy không chỉ phản ánh vai trò “thảm thực vật” mà còn khẳng định SMEs chính là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa nhu cầu tiêu dùng, năng lực cạnh tranh cũng như đổi mới sáng tạo từ cộng đồng vào guồng quay kinh tế.
Không chỉ tạo việc làm và thu nhập, SMEs còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ và hàng hóa trung gian, đồng thời kết nối các tập đoàn lớn với thị trường địa phương. Giống như những loài nhỏ duy trì chuỗi thức ăn và tính đa dạng sinh học trong tự nhiên, SMEs chính là sức sống thực sự của nền kinh tế: nơi tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và năng lượng tăng trưởng được gieo mầm. Ở góc độ này, SMEs chính là nhịp cầu nối giữa nền kinh tế chính thức với đời sống của từng hộ gia đình – nơi nhu cầu thực tế được tiếp nhận, phản ánh và đáp ứng kịp thời.
Nếu GDP chỉ là những con số vô cảm trên báo cáo thống kê, thì SMEs phản ánh hơi thở thực sự của nền kinh tế và hơi ấm của đời sống người dân. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, mặc dù GDP vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, đời sống của SMEs lại chưa bao giờ đìu hiu đến thế, báo hiệu một nghịch lý: tăng trưởng không đồng nghĩa với sự lan tỏa và cân bằng. Khi SMEs không được tiếp sức, nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng tập trung quá mức, mất cân đối giữa các vùng, các ngành và các tầng lớp xã hội.
Hệ quả của một nền kinh tế thiếu “đa dạng sinh học”
Một safari nếu chỉ có những loài thú lớn nhưng vắng bóng côn trùng, thảm thực vật và vi sinh vật khó lòng hình thành được một hệ sinh thái bền vững. Tương tự, một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn lớn mà thiếu sự tham gia hiệu quả của SMEs sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.
Khi SMEs không được tiếp sức, động lực đổi mới sáng tạo bị thu hẹp, sự cạnh tranh trở nên thiếu lành mạnh, và nguồn lực kinh tế không được phân bổ một cách đồng đều. Bên cạnh đó, vai trò kết nối thị trường, tạo việc làm và duy trì nguồn thu ngân sách – vốn được SMEs thực hiện hiệu quả – có thể bị giảm sút nghiêm trọng. Một nền kinh tế dựa vào những “con thú lớn” trở nên dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, đặc biệt khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, trong khi các SMEs lẽ ra là lớp đệm quan trọng giúp nền kinh tế chống chịu trước biến động.
Chính sách phát triển SMEs – Thách thức của Việt Nam
Dù được thừa nhận là thành tố then chốt của nền kinh tế, SMEs tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản để phát triển bền vững. Các chính sách thuế hiện nay chủ yếu tập trung vào ưu đãi thu nhập doanh nghiệp, song chưa đủ động lực khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như ứng dụng công nghệ mới. Trong khi đó, tiếp cận vốn – đặc biệt là vốn vay – vẫn là rào cản lớn, khi phần lớn SMEs gặp khó khăn do lãi suất cao hoặc thiếu tài sản thế chấp.
Quỹ Phát triển DNNVV mới chỉ đạt mức vốn ban đầu 2,000 tỷ đồng, con số khiêm tốn nếu so với nhu cầu của gần 98% doanh nghiệp trong nước. Chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đối với các doanh nghiệp phụ trợ, cũng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tỷ lệ kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu của SMEs Việt Nam chỉ đạt khoảng 21% – thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.
Từ “safari kinh tế” đến hệ sinh thái kinh tế
Một safari chỉ trở thành một hệ sinh thái thực sự khi các loài thú lớn biết chia sẻ không gian và nguồn lực với các loài nhỏ hơn, để từ đó hình thành một “chuỗi thức ăn” bền vững. Nền kinh tế Việt Nam cũng cần một cấu trúc tương tự, nơi các tập đoàn lớn và SMEs cùng tồn tại, bổ trợ và thúc đẩy nhau phát triển.
Muốn vậy, cần những chính sách dài hạn và đồng bộ hơn: từ thuế khuyến khích đầu tư công nghệ và R&D, đến hạ tầng tài chính thuận lợi cho SMEs tiếp cận vốn, cũng như hỗ trợ kết nối thị trường và phát triển nhân lực chất lượng cao. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới không còn là một “safari” được dựng lên để ngắm nhìn các “ông lớn” mà sẽ trở thành một hệ sinh thái kinh tế thực sự, tự thân vận động và bền vững.
- 10:00 09/06/2025