Sự “dễ dãi” của người tiêu dùng Việt
Sự “dễ dãi” của người tiêu dùng Việt
GDP của Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng cao, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện; nhưng chất lượng sống thì vẫn đang bị đe dọa bởi vấn nạn hàng giả, đặc biệt ở nông thôn. Đây không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là câu chuyện công bằng và nhân văn: Người Việt đang ăn phải thực phẩm bẩn, mặc phải quần áo kém chất lượng, dùng phải sản phẩm giả mỗi ngày. Để thay đổi, trước tiên chúng ta cần dám đối diện sự thật: Hàng giả tồn tại vì cả hệ thống sản xuất, phân phối và quản lý đều đang có vấn đề. Đã đến lúc Nhà nước cần xác định rõ: Phục vụ người tiêu dùng trong nước là một ưu tiên chiến lược, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Hướng nội, kích thích nhu cầu nội địa là con đường khả thi nhất hiện nay để duy trì tăng trưởng, nhưng tăng trưởng ấy phải dựa trên nền tảng sản phẩm sạch, chất lượng thật, chứ không phải bằng những thứ độc hại.
Một thị trường hàng tiêu dùng chấp nhận “sống chung” với hàng giả
Gần một thập niên qua, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam chứng kiến một thực trạng đáng báo động: Hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp các ngóc ngách, đặc biệt tại các vùng nông thôn - nơi người dân yếu thế và thiếu thông tin. Tại đây, từ bánh kẹo, nước ngọt, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu như xà phòng, dầu gội đến những vật dụng nhỏ nhất đều có thể là hàng giả. Thật xót xa khi lon nước ngọt không tem nhãn, bánh kẹo “chợ” bọc túi nylon, hay gói bột giặt “na ná” hàng thật đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Sự xâm lấn của hàng giả đã tạo nên một thứ “bình thường mới” - người dân cam chịu, không còn mặn mà phản ánh hay khiếu nại. Đáng buồn hơn, đây chính là môi trường lý tưởng để gian thương trục lợi trên sự “dễ dãi” của người tiêu dùng Việt.
Thảm họa hàng giả không chỉ dừng lại ở các mặt hàng thiết yếu, mà còn lan rộng sang những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người: Thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng. Năm 2025, dư luận cả nước dậy sóng trước các vụ quảng cáo sai sự thật với sự tiếp tay của những “người nổi tiếng” như hoa hậu, người mẫu, MC truyền hình. Họ ngang nhiên biến mình thành “đại sứ” cho những sản phẩm kém chất lượng, bất chấp hậu quả. Những vụ việc này không chỉ gây tổn hại niềm tin người tiêu dùng mà còn làm lộ rõ sự tiếp tay bất chấp đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nghệ sĩ - những người lẽ ra phải là “hàng rào” chống lại hàng giả, hàng nhái.
Trớ trêu hơn, ngay chính những sản phẩm mà Việt Nam tự hào sản xuất được với chất lượng cao - giày dép, quần áo từ các thương hiệu danh tiếng như Nike - lại không ưu tiên cho thị trường nội địa. Hàng triệu đôi giày Nike, adidas mang nhãn “Made in Vietnam” xuất ngoại với giá rẻ hơn giá bán trong nước. Ở thị trường nội địa, người tiêu dùng phải trả mức giá cao ngất ngưởng hoặc thậm chí chẳng có hàng để mua. Đây là nghịch lý phản ánh rõ nét sự yếu thế của người tiêu dùng Việt ngay trên sân nhà.
Từ lỗ hổng cung ứng, năng lực sản xuất đến vai trò của cơ quan quản lý
Nhìn sâu vào gốc rễ, nguyên nhân đầu tiên chính là sự yếu kém của chuỗi cung ứng, đặc biệt ở nông thôn - nơi mạng lưới phân phối hàng hóa chính hãng chưa bao giờ được đầu tư bài bản. Doanh nghiệp vừa và nhỏ - trụ cột tiềm năng để mang hàng hóa sạch, hàng thật về đến tay người dân - vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với “chợ đen” và “gian thương”. Hệ thống bán lẻ hiện đại, siêu thị mini, các cửa hàng tiện ích vẫn còn thưa thớt ở nông thôn, trong khi chợ cóc, xe đẩy và thương lái vẫn mặc sức tung hoành. Thực tế, hàng giả dễ dàng len lỏi qua kênh phân phối phi chính thức này, nơi gian thương thao túng giá cả và chất lượng. Họ mua rẻ hàng nhái từ Trung Quốc hoặc hàng xách tay trôi nổi rồi bán rẻ cho đồng bào mình mà không một ai kiểm tra, không một ai dám kêu ca.
Từ góc độ kinh tế học, đây là biểu hiện rõ nét của một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Khi quyền lực người tiêu dùng quá yếu - ít lựa chọn, thiếu thông tin, khó phản ánh - trong khi quyền lực người bán lại mạnh nhờ kiểm soát chuỗi cung ứng, thị trường sẽ bị méo mó và hàng giả mặc nhiên tồn tại. Trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nơi có nhiều người mua và nhiều người bán minh bạch, hàng giả sẽ tự bị đào thải. Thế nhưng, ở Việt Nam, quyền lực thương nhân đang thắng thế. Người tiêu dùng - nhất là người nghèo, người ở nông thôn - chỉ biết “chọn cái rẻ hơn” và chấp nhận rủi ro.
Bên cạnh đó, điểm yếu cố hữu của ngành sản xuất hàng tiêu dùng nội địa cũng góp phần nuôi dưỡng vấn nạn này. Việt Nam từng thành công trong đổi mới khoán 10 - trao quyền sử dụng đất cho những nông dân nhỏ, từ đó góp phần nâng cao năng suất sản xuất. Nhưng với ngành hàng tiêu dùng, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chưa bao giờ thành công. Thay vào đó, Việt Nam vẫn thiếu những doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và nhỏ đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thị trường hiện đang bị thống trị bởi một số tập đoàn hàng tiêu dùng lớn, tạo ra môi trường cạnh tranh độc quyền cao, thao túng giá cả và đôi khi thao túng luôn chất lượng sản phẩm (tiêu biểu là vụ việc CP gần đây). Khi đó, người tiêu dùng không còn cách nào khác ngoài việc phó mặc cho “đạo đức doanh nghiệp”.
Cuối cùng, sự thờ ơ, thiếu kiểm soát, thậm chí tiếp tay, của một bộ phận cơ quan quản lý khiến cho tình trạng hàng giả kéo dài. Trong nhiều năm, không ít cơ quan quản lý địa phương chỉ làm theo phong trào, thiếu chiến lược dài hạn. Các cuộc thanh tra, kiểm tra chủ yếu diễn ra sau khi có vụ việc, thay vì giám sát phòng ngừa từ trước. Đáng nói hơn, có những nơi, lực lượng quản lý thị trường đã biến mình thành “lá chắn” cho gian thương, nhận hoa hồng để “làm ngơ” - biến nỗi khổ của người tiêu dùng thành cơ hội cho kẻ xấu. Đây là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên tồn tại suốt nhiều năm qua.
Nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng người tiêu dùng Việt
Giải pháp cần bắt đầu từ việc siết chặt công tác quản lý thị trường. Không chỉ xử phạt sau vi phạm mà phải chủ động giám sát, kiểm tra từ gốc rễ chuỗi cung ứng. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân và mạng xã hội trong tố giác hàng giả - như những vụ việc gần đây (kẹo rau củ Kera, vụ CP...) đã chứng minh mạng xã hội có sức mạnh cộng đồng rất lớn. Cần thiết lập đường dây nóng và các nền tảng số để người dân phản ánh ngay khi phát hiện sai phạm. Đây chính là vũ khí sắc bén nhất để bảo vệ người tiêu dùng.
Song song, phải giải bài toán cung ứng hàng hóa về nông thôn. Nhà nước cần khuyến khích phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích phủ sóng khắp các xã. Có thể áp dụng mô hình “chợ phiên hàng Việt” lưu động để mang sản phẩm chính hãng đến tận tay người dân. Đồng thời, các hợp tác xã thương mại hoặc đại lý uy tín cần được hỗ trợ về vốn, công nghệ và logistics để nhập hàng chính ngạch trực tiếp từ nhà máy, hạn chế khâu trung gian.
Cuối cùng, để người tiêu dùng Việt thực sự được phục vụ, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Những mô hình cửa hàng organic đã chứng minh rằng sản phẩm sạch, chất lượng tốt luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chỉ khi thị trường có nhiều người bán tử tế và cạnh tranh sòng phẳng thì quyền lực của người tiêu dùng mới được bảo vệ. Khi đó, không chỉ hàng giả sẽ tự bị đào thải, mà niềm tin của người Việt vào hàng Việt cũng sẽ được phục hồi.
- 08:00 06/06/2025