Thị trường vàng Việt Nam: Nhìn lại hai thập niên thăng trầm

11/06/2025 11:02
11-06-2025 11:02:00+07:00

Thị trường vàng Việt Nam: Nhìn lại hai thập niên thăng trầm

Trong hơn hai mươi năm qua, thị trường vàng Việt Nam đã trải qua những bước ngoặt lớn và liên tục thay đổi để thích nghi với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Từ thời kỳ “vàng hóa”, nơi vàng được sử dụng phổ biến trong giao dịch dân sự, đến giai đoạn siết chặt để chống đầu cơ và ổn định thị trường, rồi giờ đây là thời điểm đứng trước yêu cầu cải cách theo mô hình kiểm soát linh hoạt hơn. Bài viết này nhằm hệ thống lại diễn biến chính sách quản lý thị trường vàng Việt Nam từ năm 2000 đến nay, đồng thời phân tích bối cảnh chính trị - kinh tế dẫn tới những thay đổi và định hướng mới trong tương lai.

Có thời kỳ, hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế, khiến vàng chiếm vai trò gần như là đồng tiền phi chính thức trong nền kinh tế. Ảnh: LÊ VŨ

Giai đoạn trước năm 2012

Đây là thời kỳ thị trường vàng được vận hành khá tự do dưới sự điều chỉnh của Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Theo đó, vàng (kể cả vàng miếng) được xem như một loại hàng hóa thông thường, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn doanh nghiệp và cửa hàng trên toàn quốc được phép mua bán vàng miếng. Ước tính có khoảng 12.000 điểm kinh doanh vàng miếng vào thời điểm cao nhất. Vàng không chỉ được coi là một kênh đầu tư truyền thống mà còn đóng vai trò là phương tiện thanh toán trong nhiều giao dịch dân sự, thậm chí được ghi nhận trong hợp đồng mua bán bất động sản thay cho tiền đồng của Việt Nam. Hiện tượng này được gọi là “vàng hóa” nền kinh tế, khiến vàng chiếm vai trò gần như là đồng tiền phi chính thức trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, chính sự tự do này đã tạo ra nhiều hệ lụy. Từ năm 2008-2011, Việt Nam trải qua những đợt lạm phát nghiêm trọng, có thời điểm lên đến 18-20%. Đồng nội tệ mất giá nhanh chóng khiến người dân đổ xô tích trữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản. Giá vàng quốc tế cũng tăng gần 300% trong giai đoạn này dẫn đến giá vàng trong nước tăng phi mã. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có lúc vượt 5 triệu đồng/lượng, mở đường cho hoạt động đầu cơ và thao túng thị trường. Tâm lý đám đông khiến người dân xếp hàng dài để mua vàng và tạo ra những cơn sốt chưa từng có. Các đối tượng đầu cơ tung tin giả, thao túng giá khiến thị trường thêm rối loạn.

Hai thập niên nhìn lại, Việt Nam đã đi từ thái cực tự do hóa cực độ sang kiểm soát tuyệt đối. Bây giờ là lúc cần một mô hình trung hòa, lạt mềm buộc chặt, đủ độ mở để tạo động lực phát triển nhưng cũng phải đủ chặt để kiểm soát những hệ quả tiêu cực.

Một yếu tố gây bất ổn nữa là sự xuất hiện của các sàn giao dịch vàng tự phát, được mở bởi các ngân hàng và doanh nghiệp tài chính. Nhà đầu tư cá nhân có thể ký quỹ để “lướt sóng” vàng, tương tự như đầu tư chứng khoán. Nhưng các sàn vàng hoạt động thiếu kiểm soát, đẩy rủi ro tài chính lên mức cao. Sau vụ “sập” sàn vàng ACB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải chỉ đạo đóng cửa toàn bộ sàn vàng để tránh khủng hoảng lan rộng. Bên cạnh đó, chính sách cho phép ngân hàng thương mại huy động và cho vay vàng cũng gây rủi ro nghiêm trọng. Người dân gửi vàng lấy lãi, còn doanh nghiệp vay vàng bán ra lấy tiền đầu tư. Khi giá vàng tăng mạnh, doanh nghiệp không có khả năng hoàn trả vàng, dẫn đến khủng hoảng thanh khoản vàng trong hệ thống ngân hàng. Việc cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) chuyển đổi một phần (30%) vàng huy động thành tiền đồng để sử dụng càng làm tăng rủi ro mất cân đối trạng thái vàng trong hệ thống.

Giai đoạn 2011-2013

Tình trạng vàng hóa và bất ổn buộc Chính phủ và NHNN phải chuyển hướng chính sách một cách quyết liệt trong giai đoạn 2011-2013. Đây được xem là bước ngoặt trong lịch sử quản lý thị trường vàng tại Việt Nam. Một loạt văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, thiết lập nền tảng mới cho việc kiểm soát hoạt động mua bán vàng. Trong đó, nổi bật là Nghị định 95/2011/NĐ-CP tăng nặng chế tài với hành vi mua bán vàng miếng trái phép, Thông tư 11/2011/TT-NHNN chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động và cho vay vàng của các TCTD và đặc biệt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP - văn bản mang tính bước ngoặt nhất, xác lập vai trò độc quyền của Nhà nước trong sản xuất và nhập khẩu vàng miếng.

Nghị định 24 quy định NHNN là cơ quan duy nhất có quyền tổ chức sản xuất vàng miếng. Thương hiệu vàng SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia duy nhất. Chỉ những tổ chức lớn (22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp) được cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng, thay thế hàng chục ngàn cửa hàng trước đây. Việc này giúp thu hẹp quy mô thị trường vàng miếng, làm giảm tính đầu cơ và dễ quản lý hơn. NHNN cũng tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng nhằm bình ổn thị trường. Trong năm 2013, có đến 76 phiên đấu thầu, đưa ra thị trường gần 70 tấn vàng SJC, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm và ổn định giá.

Từ 2014-2020

Giai đoạn này chính sách mới phát huy tác dụng khi thị trường vàng đi vào ổn định. Giá vàng trong nước không còn những cơn sốt như trước. Lạm phát giảm sâu, kinh tế vĩ mô ổn định hơn khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng cũng giảm. Tuy nhiên, tính ổn định này đi kèm với những đánh đổi nhất định. Cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC khiến cung cầu thị trường bị bóp méo mỗi khi nhu cầu tăng đột biến. Khi vàng thế giới tăng giá, thị trường trong nước không có cơ chế linh hoạt để điều tiết cung cầu, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng lớn, có lúc lên tới 15-18 triệu đồng/lượng. Hệ quả là người dân chịu thiệt vì phải mua vàng với giá cao, còn thị trường bị méo mó vì thiếu tính cạnh tranh.

Mặt khác, một lượng vàng lớn trong dân, ước tính lên tới 2.000 tấn, vẫn nằm bất động trong két sắt. Nhà nước không còn kênh chính thức để huy động nguồn lực quý giá này vào nền kinh tế. Các đề xuất như phát hành chứng chỉ vàng hay xây dựng sản phẩm tài chính gắn với vàng vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, ngành chế tác vàng trang sức cũng gặp khó do thiếu vàng nguyên liệu, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. So với các nước/vùng lãnh thổ như Thái Lan hay Hồng Kông (những trung tâm chế tác vàng hàng đầu khu vực), Việt Nam vẫn tụt hậu vì chưa tận dụng tốt tiềm năng.

Đến thập niên 2020

Đến thập niên 2020, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, áp lực cải cách thị trường vàng ngày càng lớn. Quốc hội và Chính phủ yêu cầu NHNN xem xét lại cơ chế điều hành. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 2%. NHNN bắt đầu lên kế hoạch tái khởi động đấu thầu vàng miếng, tăng cung vàng miếng SJC để bình ổn giá. Đồng thời, các biện pháp như kiểm soát buôn lậu vàng, cấp phép linh hoạt nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế tác cũng được đưa vào thảo luận.

Đặc biệt, năm 2025 chứng kiến sự thay đổi tư duy chính sách rõ rệt từ cấp cao nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cần chuyển từ “siết để kiểm soát” sang “mở để quản trị”. Đây là lần đầu tiên, một lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh vai trò của thị trường trong điều tiết vàng, đồng thời khẳng định Nhà nước vẫn giữ vai trò giám sát chặt chẽ. Thị trường cần có cạnh tranh, nhưng cũng cần sự minh bạch và công cụ điều tiết phù hợp từ cơ quan quản lý.

Định hướng cải cách mới đang được hình thành. Nhiều chuyên gia đề xuất mở rộng thương hiệu vàng miếng, không chỉ giới hạn ở SJC để tăng cạnh tranh. Việc phát hành sản phẩm đầu tư tài chính gắn với vàng hoặc cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu một cách linh hoạt cũng là những bước đi được đề xuất. Quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy quản lý từ kiểm soát tuyệt đối sang kiểm soát có điều tiết, từ đóng cửa sang mở có điều kiện. Đây sẽ là nền tảng cho một thị trường vàng hiện đại, minh bạch, hiệu quả và gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ mới.

Hai thập niên nhìn lại, Việt Nam đã đi từ thái cực tự do hóa cực độ sang kiểm soát tuyệt đối. Bây giờ là lúc cần một mô hình trung hòa, lạt mềm buộc chặt, đủ độ mở để tạo động lực phát triển nhưng cũng phải đủ chặt để kiểm soát những hệ quả tiêu cực. Thị trường vàng không chỉ là kênh đầu tư mà còn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Đã đến lúc vàng không nên chỉ nằm yên trong két mà cần được vận hành hiệu quả trong một cơ chế quản lý thông minh và thích ứng với sự biến động đa chiều của nền kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Minh Sang

TBKTSG

- 10:00 11/06/2025





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

7 ngân hàng đủ điều kiện sản xuất vàng miếng nếu yêu cầu vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 24, để được sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong khi ngân hàng cần có vốn từ 50.000 tỷ...

Sau thanh tra, Ngân hàng Nhà nước muốn mua bán vàng từ 20 triệu đồng phải chuyển khoản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bắt buộc chuyển khoản ngân hàng với các giao dịch mua, bán vàng từ 20 triệu đồng trở lên.

Tiếp tục tăng mạnh, giá vàng SJC lên ngưỡng 120,5 triệu đồng mỗi lượng

Giá vàng trong nước tăng mạnh phiên mở cửa sáng 13/6, trong đó thương hiệu SJC cộng thêm 1,5 triệu đồng mỗi lượng còn vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp nâng thêm...

Vàng thế giới lên cao nhất trong 1 tuần

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Năm (12/06), được thúc đẩy bởi căng thẳng âm ỉ ở Trung Đông và dữ liệu kinh tế Mỹ hạ nhiệt đã thúc đẩy kỳ...

Bỏ thế độc quyền vàng miếng SJC, thị trường sẽ diễn biến ra sao?

Khi ngân hàng được sản xuất vàng miếng, chuyên gia cho rằng điều quan trọng không phải ai sản xuất, mà là sản phẩm có đáng tin và minh bạch không. Thị trường vàng...

Vượt đồng Euro, vàng trở thành tài sản dự trữ lớn thứ hai thế giới

Vàng đã vượt qua euro để trở thành tài sản dự trữ toàn cầu lớn thứ hai năm 2024, chỉ sau đồng USD, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố trong...

Giá vàng SJC tiến sát mốc 120 triệu đồng, vàng nhẫn tăng thêm 300.000 đồng

Tiếp đà tăng phiên trước, giá vàng trong nước cùng đi lên phiên sáng 12/6, trong đó thương hiệu SJC cộng thêm 900.000 đồng/lượng còn vàng nhẫn tại các doanh nghiệp...

Vàng thế giới tăng nhẹ sau dữ liệu lạm phát của Mỹ

Giá vàng tăng nhẹ vào ngày thứ Tư (11/06), được hỗ trợ bởi dữ liệu lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo, củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ...

Sẽ xóa độc quyền sản xuất vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24 theo hướng thị trường hóa có kiểm soát, từng bước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Cơ...

Giá vàng SJC tăng 300.000 đồng mỗi lượng, chênh lệch với thế giới ở mức cao

Giá vàng trong nước phiên sáng 11/6 tiếp tục đi lên, trong đó thương hiệu SJC niêm yết ở ngưỡng 118,8 triệu đồng mỗi lượng, còn vàng nhẫn cũng cộng thêm từ...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98