Philippines trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á

Philippines trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á

Dù áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài nhất trong Đông Nam Á, nhưng số ca nhiễm Covid-19 tại Philippines đã vọt lên gần 120,000 người, vượt Indonesia để trở thành ổ dịch lớn nhất trong khu vực.

Tuần này, Philippines phải áp đặt phong tỏa đợt hai lên thủ đô và các khu vực lân cận để kìm hãm sự lây lan dịch bệnh, ngay cả khi nền kinh tế ghi nhận đợt giảm mạnh kỷ lục, lao dốc 16.5% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ.

Đây là một ví dụ khác cho thấy việc nới lỏng biện pháp giới hạn sẽ cho virus cơ hội trở lại mạnh mẽ hơn, được thể hiện qua làn sóng bùng phát dịch ở các quốc gia châu Á và châu Âu. Tại Philippines, sự trỗi dậy của dịch Covid-19 đến từ những sai lầm trong xét nghiệm và thất bại trong cách ly hơn 100,000 người lao động từ nước ngoài trở về quê nhà sau khi mất việc ở nước ngoài.

Sau khi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5/2020, Philippines đã tái mở cửa thủ đô, mặc dù số ca nhiễm vẫn tăng 1 ngàn ca mỗi ngày. Khi người dân trở lại văn phòng và gia đình tụ họp một lần nữa, số ca nhiễm tăng 500% trong 2 tháng nới lỏng phong tỏa, trước khi Chính phủ tái áp đặt phong tỏa trong tuần này.

Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte nới lỏng hạn chế quá sớm, mà không chắc chắn các quan chức địa phương có thể theo dõi và đối phó với số ca nhiễm, Anthony Leachon, Bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Manila, cho hay. Các vấn đề về sức chứa của các bệnh viện cũng được nhận diện quá trễ.

“Khi chúng ta nhận ra điều này, số ca nhiễm đã quá lớn để có thể kiểm soát và tại thời điểm chúng ta gặp rắc rối về ngân sách”, ông Leachon cho biết.

Cuộc chiến với dịch Covid-19 càng kéo dài sẽ bồi thêm “cú đấm” vào nền kinh tế Philippines. Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục cùng với sự suy giảm mạnh của lượng tiền gửi về nhà từ người dân Philippines đã đè nặng lên tiêu dùng tư nhân – vốn đóng góp gần 2/3 GDP. Xuất khẩu giảm ở mức 2 con số từ tháng 3-6/2020, khi các biện pháp phong tỏa kìm hãm hoạt động sản xuất và gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Tác động kinh tế của việc cố kìm chế virus đang để lại vết sẹo to lớn trong tâm trí của các hộ gia đình và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp – và từ đó sẽ gây áp lực lên nhu cầu trong vài tháng tới”, Alex Holmes, Chuyên gia phân tích tại Capital Economics, viết trong báo cáo. “Thất bại trong việc kiểm soát Covid-19, các lệnh giới hạn di chuyển và thiếu sự hỗ trợ chính sách có thể khiến Philippines chứng kiến một trong những đà hồi phục chậm nhất trong khu vực”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI