Thời kỳ “trăng mật” của tỷ giá

Thời kỳ “trăng mật” của tỷ giá

Tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và đô la Mỹ đang ở trong những tháng ngày “trăng mật”, cung nhiều, cầu cũng tương đối nhưng cầu không vội vàng đi tìm cung. Nguồn cung đang tỏ ra thắng thế nhờ nhập siêu khoảng 850 triệu đô la Mỹ hai tháng đầu năm, đồng thời giải ngân vốn FDI tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Lẽ ra lúc này là thời điểm NHNN cần linh hoạt, nâng giá chào mua lên bằng hoặc nhỉnh hơn giá liên ngân hàng để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối. Ảnh TL SG

Các nhà xuất khẩu, sau khi nhìn trước ngó sau, thấy triển vọng biến động của tỷ giá có lẽ còn phải cầm chừng 1-2 tháng nữa, đã mạnh dạn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bán, ngân hàng dĩ nhiên hạ giá mua.

Đầu tuần này, giá mua đô la Mỹ chuyển khoản của các tổ chức tín dụng đã chạy về 22.270-22.280 đồng/đô la Mỹ. Giá chuyển khoản niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 22.330 đồng/đô la Mỹ. Mức giá mua/bán đều xoay quanh giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là 22.320 đồng/đô la Mỹ. Các ngân hàng bán ra phải cao hơn tí chút so với giá liên ngân hàng. Còn giá mua vào nhất loạt thấp hơn 22.300 đồng/đô la Mỹ vì đây là mức giá mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào mua.

Lẽ ra lúc này là thời điểm NHNN cần linh hoạt, nâng giá chào mua lên bằng hoặc nhỉnh hơn giá liên ngân hàng để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối - vốn được sử dụng một lượng khá lớn để can thiệp ổn định tỷ giá quí 4 năm ngoái. Một chuyên viên ngoại hối cho biết NHNN không nâng giá mua để mua cho bằng được vì họ e ngại nếu họ nâng giá mua, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng sẽ chạy theo, đẩy mặt bằng tỷ giá lên. Sự e ngại này xem ra không có cơ sở bởi tỷ giá liên ngân hàng phải dựa trên cung cầu.

Mặt khác, nếu NHNN nâng giá mua, mua xong, lại hạ giá xuống, thì tỷ giá mới thật sự linh hoạt. Giá mua của NHNN không thể đứng nguyên tại chỗ vài ngày hoặc cả tuần, vài tuần. Nó phải lên xuống thì mới dẫn dắt được thị trường, đồng thời giải quyết tốt nghĩa vụ tăng quỹ dự trữ ngoại hối.

Trước Tết NHNN đã có một đợt mua vào ngoại tệ ở mức giá 22.300 đồng/đô la Mỹ. Từ đó đến nay, mức giá này được sử dụng như một thanh chắn đỡ ở phía dưới với dụng ý không để tiền đồng lên giá mạnh so với đô la Mỹ. Tuy nhiên kỳ vọng của thị trường về tỷ giá chưa hề vơi đi và khi các chủ thể đều nhận biết 22.300 đồng/đô la Mỹ có thể là mức đáy của tỷ giá, họ sẽ có một sự tính toán khác.

Trong khi đó lãi suất tiền đồng đang được nhà điều hành chủ động để ở mức thấp nhằm kích thích tín dụng và hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Thanh khoản của các ngân hàng rủng rỉnh và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có ngày đã xuống 1,5-1,6%/năm. Đấy là vốn ngắn hạn, chủ yếu dưới sáu tháng. Còn vốn huy động trung, dài hạn nhiều ngân hàng chật vật. Dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 36 về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng chưa biết có chỉnh sửa nữa không, hay đây là bản cuối cùng, thành ra các ngân hàng chuẩn bị trước, chạy đua nâng vốn huy động trung, dài hạn để đáp ứng quy định mới của dự thảo nếu áp dụng.

... đọc tiếp tại đây

tbktsg