Lình xình chuyện kỷ luật ông Đoàn Văn Kiển

Lình xình chuyện kỷ luật ông Đoàn Văn Kiển

Một số nguồn tin cho biết, ngày 30.9 ông Đoàn Văn Kiển, bí thư Đảng uỷ, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), tập đoàn Than–khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chính thức có đơn xin thôi chức và nghỉ hưu, và đề nghị của ông đã được lãnh đạo Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, trả lời báo chí tại cuộc họp báo về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ lại cho biết, đến ngày 1.10, ông vẫn chưa nhận được đơn do ông Kiển gửi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Điều gì đang xảy ra? Những thông tin chưa rõ ràng này càng khiến nhiều người băn khoăn là vì sao gần một tháng, sau khi uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã công bố kỷ luật cảnh cáo về Đảng và đề nghị ban cán sự Đảng của Chính phủ kiến nghị Chính phủ cho ông Kiển thôi chức, đến nay ban cán sự Đảng vẫn chưa đi đến quyết định nào?

Trong khi đó thì, ngày 28.9 lãnh đạo bộ Công thương đã có buổi họp tại tập đoàn TKV với thành phần gồm 15 người, trong đó có lãnh đạo tập đoàn, đại diện công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, các trưởng, phó ban… để lắng nghe ý kiến của “cơ sở” về hình thức kỷ luật thế nào cho hợp lý với ông chủ tịch tập đoàn đương chức. Một thành viên dự họp cho biết, đại đa số ý kiến phát biểu đều nhắc đến những công lao, đóng góp của ông chủ tịch tập đoàn cho ngành than và đề xuất cho ông Kiển tiếp tục lãnh đạo ngành cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm sau.

Các cán bộ lãnh đạo, các trưởng phó ban của TKV… có “lời hay ý đẹp” để tạm biệt người lãnh đạo trong nhiều năm của mình cũng là chuyện thường tình. Chính ông Đoàn Văn Kiển, khi trả lời phỏng vấn báo chí gần đây vẫn lấy làm tự hào về những điều mà ông, một người đi lên từ chức vụ gần như thấp nhất đến cao nhất trong ngành, đã làm được. Nào là kiên quyết chống than lậu, tận dụng cơ hội mua xe giá rẻ bên Hàn Quốc, tiết kiệm hàng chục triệu USD, nào là bán bã sít tận dụng mang lợi nhuận về cho tập đoàn… Mới đây, ông còn nói: “Thật lòng, cả đời tôi lo chuyện phát triển ngành than. Chứ cá nhân tôi, mình ăn bao nhiêu đâu, một cái nhà thì cũng có rồi. Tôi nói thẳng là như thế, đâu cần phải tham lam chuyện này chuyện kia”.

Có thể, trong cả một thời kỳ dài đứng đầu ngành than, từ khi làm tổng giám đốc tổng công ty Than đến chủ tịch hội đồng quản trị TKV, ông Kiển đã làm được một số việc cho ngành than, cho Nhà nước. Nhưng nếu nhìn vào di sản mà ông sẽ để lại cho người kế nhiệm thì ai đó lên thay ông hẳn sẽ phải lấy làm e ngại. Trong những nguồn tài nguyên lớn của quốc gia mà TKV đang nắm giữ thì trước nay than vẫn là nguồn tài nguyên lớn nhất nhưng nó lại đang nhanh chóng đi tới chỗ cạn kiệt do ồ ạt xuất khẩu hàng chục triệu tấn, cả chính ngạch và tiểu ngạch để rồi sắp tới, từ năm 2013, nước ta phải đi nhập khẩu than. Môi trường khai thác nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ thống cơ sở hạ tầng khai thác còn nhiều vấn đề nên hàng năm, tai nạn khai thác mỏ vẫn liên tiếp xảy ra…

Và có cần nhắc lại những sai phạm chính của ông mà uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận? Chẳng hạn: thứ nhất, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra đôn đốc các đơn vị thành viên trong việc quản lý, khai thác, tiêu thụ than, dẫn tới tình trạng khai thác than trái phép trong thời gian dài. Hậu quả là từ năm 2005 – 2008, hơn 18 triệu tấn than khai thác lậu, không rõ nguồn gốc được xuất khẩu chủ yếu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thứ hai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ khi trực tiếp ký quyết định (không báo cáo HĐQT tập đoàn TKV phê duyệt) cho công ty cổ phần đầu tư thương mại & dịch vụ (nơi em ruột ông Kiển là Đoàn Văn Thức làm phó giám đốc sản xuất, kinh doanh) khai thác than không có giấy phép trong khu vực quản lý của các mỏ thuộc TKV. Thứ ba, vi phạm quy định của Chính phủ (nghị định 16/NĐ-CP, ngày 7.2.2005) về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại kinh tế gần 78 tỉ đồng cho TKV do ký kết, thực hiện một hợp đồng, tạo điều kiện cho công ty cổ phần phát triển công nghiệp Quảng Ninh (IDICO) khai thác tận thu than không đúng quy định.

Kỷ luật cảnh cáo về Đảng và đề nghị cho ông thôi chức của uỷ ban Kiểm tra Trung ương đưa ra có vẻ như chưa làm ông Kiển tâm phục, khẩu phục; nhưng với uỷ ban Kiểm tra Trung ương và những người biết chuyện, thì mức kỷ luật đó là đã có xem xét đến “cống hiến” của ông cho ngành than, cho Nhà nước. Hơn nữa, ông Kiển từng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng mà không phải chịu kỷ luật nghiêm khắc nào về chính quyền và nếu lần thứ hai này vẫn như thế thì rõ ràng rất khó thuyết phục. Ông Nguyễn Đình Phách, phó chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra Trung ương ví: như trong bóng đá, hai thẻ vàng lẽ ra phải thành một thẻ đỏ. Cần nhắc lại, một số cán bộ cao cấp của Nhà nước từng là uỷ viên Trung ương Đảng bị kỷ luật ở mức cảnh cáo về Đảng như ông Võ Thanh Bình, nguyên bí thư tỉnh uỷ kiêm chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau hay ông Đào Đình Bình, cựu bộ trưởng Giao thông vận tải đều bị cho thôi chức về chính quyền ngay sau đó. Cho nên, nói như ông Phách, được như ông Kiển đã là phúc cho ông ấy.

Mạnh Quân

Sài Gòn Tiếp thị

Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản xin từ chức