Phát triển kinh tế biển: Thiếu luật pháp và hành động

Phát triển kinh tế biển: Thiếu luật pháp và hành động

Vì sao kinh tế biển VN chưa phát triển đúng tầm ? Lý giải nguyên nhân này PGS TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN cho rằng“VN thiếu luật pháp cơ bản và thống nhất đối với biển và đảo”.

- Theo đánh giá của các chuyên gia thì kinh tế biển VN phát triển còn quá nhỏ bé so với tiềm năng mênh mông như hiện nay. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu ?

Chúng ta nhận thức được VN có tiềm năng biển nhưng những hành động mang tầm chiến lược còn mờ nhạt. Vì vậy, việc đầu tư cho phát triển kinh tế biển từng ngành cụ thể cũng như đầu tư tổng thể rất hạn chế và manh mún. Đối với biển, sức đầu tư đòi hỏi rất lớn, muốn có hiệu quả phải đầu tư lâu dài. Đối với chúng ta, những công cụ chính sách: vẫn chưa có ! Cho nên, không khuyến khích và không tạo hành lang khuôn khổ pháp lý để cho các DN, các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào VN.

Chúng ta thiếu cả những công cụ quy hoạch tiếp cận theo không gian để phân bổ nguồn lực về tài nguyên biển, bảo đảm phát triển bền vững môi trường biển và hiệu quả về kinh tế biển cho các dự án đầu tư lớn mang tầm chiến lược.

- Nhưng thực tế là chúng ta đã đã có những chính sách thu hút đầu tư từ cấp TƯ tới địa phương, thưa ông ?

Đúng vậy ! Chính phủ có nhiều chính sách phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư như: Nghị quyết số 09 – NQ/TƯ năm 2007 về “Chiến lược biển VN đến năm 2020”; Nghị quyết số 32- NQ/TƯ; Quyết định 2190/QĐ - TTg; Quyết định 35/2009/QĐ - TTg... Theo đó, cần phát triển hướng mạnh ra biển để tiếp cận nhanh chóng với biển xa, giảm thiểu khó khăn trở ngại về luồng tàu vào cảng. Phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông phải thông suốt.

Tuy vậy, theo tôi, bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng cảng nước sâu, bởi vì cảng không đơn thuần là điểm bốc xếp, thông qua hàng hoá mà cảng biển còn là động lực, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là các ngành kinh tế gắn với biển như công nghiệp luyện kim, nhiệt điện, xi măng, các dịch vụ hàng hải. Không những vậy, cảng biển còn là đầu mối của chuỗi logistic, là cửa ngõ thông thương, giao lưu, hợp tác quốc tế; đặc biệt chú trọng phát triển các cảng nước sâu ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, tạo những cửa mở lớn vươn ra biển xa có sức hấp dẫn. Nói tóm lại, để thu hút đầu tư nước ngoài thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, các giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đồng hành với quá trình đẩy nhanh hoạt động kinh tế biển, những chính sách ưu đãi gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền và chủ quyền biển đảo của nước ta.

- Như ông nói, chúng ta đã và đang đi dúng hướng. Vậy theo ông, để kinh tế biển thật sự phát triển, chúng ta còn cần những gì ?

Thật sự, Chính phủ đã lường hết những vấn đề có thể xảy ra khi thu hút FDI vào kinh tế biển VN. Nhưng nguồn thông tin đầu vào để đảm bảo đủ độ tin cậy của chính sách của Chính phủ đặt ra sẽ còn nhiều vấn đề: VN thiếu hẳn luật pháp cơ bản và chính sách theo cách quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và đảo.

Tài nguyên biển là tài nguyên hệ thống nên trên thế giới đã sử dụng cách tiếp cận không gian. Một vịnh biển là nguồn lợi chia sẻ của nhiều ngành,  vì thế khi ta sử dụng phương pháp tiếp cận ngành trong quản lý, quy hoạch thì ngành nào cũng có quy hoạch của mình nhưng không hề có quy hoạch tổng thể để phân bổ nguồn lực dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành, giữa Nhà nước với người dân. Vì thế không thu hút đầu tư mang tính lâu dài.

Hơn nữa, hiệu quả thu được trên một đơn vị biển của VN so với các nước còn thấp kém. Năng lực khai thác biển của VN chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/20 Trung Quốc, 1/94 Nhật Bản, 1/260 của thế giới.

- Với tư cách chuyên gia, ông có thể cho biết chúng ta sẽ phải tiếp tục làm gì ?

Với mục tiêu sử dụng lâu dài và phát triển nguồn tài nguyên biển cần phải giải quyết tốt 8 vấn đề: quy hoạch và khai thác tài nguyên biển; quản lý và khai thác tài nguyên vùng bờ; vấn đề chính sách pháp luật; đảm bảo cuộc sống cho cư dân ven biển; bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học; cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển; nguồn nhân lực chất lượng cao; biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời phải chú trọng khai thác 5 lĩnh vực kinh tế biển trọng tâm.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng đang áp dụng đã “tận khai” năng lực đất liền. Do đó, cần phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng mở cửa - hội nhập, thông ra biển lớn bằng cảng biển với không gian lớn là biển, với tiềm năng còn dồi dào nhất, cao nhất. Chúng ta cần vươn ra biển lớn, hiện diện trên đại dương với tư cách một cường quốc biển (có chủ quyền và có thực lực) bằng cách phải có tàu lớn và DN lớn. Trong đó, công nghiệp đóng tàu và ngành vận tải biển (cảng + hàng hải) phải lớn mạnh; kinh tế “mặt tiền”- đô thị biển + du lịch biển (bờ, biển, đảo) phải phát triển.

- Xin cảm ơn ông !

Xuân Hương thực hiện

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP