TPHCM: Doanh nghiệp kêu khó vì nghị định 71

TPHCM: Doanh nghiệp kêu khó vì nghị định 71

Chiều 4.8, Hiệp hội Bất động sản thành phố và Sở Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu Nghị định 71 của Chính phủ. Mặc dù được đánh giá là có tiến bộ so với Nghị định 90 trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp "kêu" vì quá rối, nhất là phần quy định về việc huy động vốn.

Thoáng

Mở đầu cho hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản  TPHCM  (Horea), cho rằng: “Nghị định lần này đã quy định kỹ hơn, cụ thể hơn, chẳng hạn khái niệm làm xong móng là như thế nào, như vậy sẽ không dễ để các doanh nghiệp lách luật. Sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn khi bắt buộc các doanh nghiệp khi huy động vốn phải “giải trình” với Sở Xây dựng số tiền huy động vốn được dùng vào mục đích gì và phải huy động qua sàn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng việc phải báo cáo với Sở Xây dựng việc huy động vốn 20% có khi chỉ là hình thức vì sở làm sao có thời gian cũng như người để đi hậu kiểm. Không những thế, điều này có khi còn trở thành một giấy phép con, gây khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, dưới góc độ của một người làm công tác quản lý - thì cho rằng: “Nghị định 71 quy định huy động vốn thoáng hơn, những dự án đầu tư từ 50ha trở lên được phát hành trái phiếu mà không phải “lách luật” như trước đây. Tuy nhiên, những người mua trái phiếu không được quyền ưu tiên mua nhà tại các dự án này. Khi ký hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư với các cá nhân khác sau khi khởi công xây dựng và người hợp tác đầu tư được mua sản phẩm.

Tuy nhiên, số lượng căn hộ này chỉ được 20% và không phải qua sàn, nhưng phải thông báo với Sở Xây dựng trước 15 ngày. 80% còn lại phải bán qua sàn và phải xong móng. Sau 20 ngày, Sở Xây dựng sẽ có công văn phúc đáp cho doanh nghiệp biết có được dùng 20% số căn hộ này để huy động vốn hay không”.

Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland Invest cho rằng, một điểm nổi bật của nghị định này là khi chủ đầu tư lựa chọn các hình thức huy động vốn đều phải thông báo với Sở Xây dựng trước 15 ngày thực hiện. Điều này giúp kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các điều kiện về huy động vốn, khác với việc buông lỏng kiểm soát trước đây từ cơ quan chức năng.

Nhưng vẫn còn rối

Nghị định 71 được các doanh nghiệp, nhà quản lý... đánh giá là có quy định khá chi tiết, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm đáng phải bàn và nhiều vấn đề chưa được quy định, còn bỏ ngỏ... Ngay cả ông Nguyễn Văn Hiệp - một người làm công tác quản lý dày dạn, nhưng cũng tỏ ra bối rối với các vấn đề này.

Chẳng hạn: “Chúng tôi đang gửi thắc mắc ra bộ về sở hữu chung, sở hữu riêng. Nếu áp dụng theo nghị định mới thì hiện nay những tranh chấp đều bỏ hết. Theo nghị định mới, các chủ đầu tư nếu huy động vốn của khách hàng mua căn hộ phải làm xong móng. Như vậy, dự án như Phú Mỹ Hưng chưa làm xong móng đã bán liệu có bị “hồi tố” bởi quy định này hay không thì đang phải chờ hướng dẫn của bộ. Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư, Sở Xây dựng chưa rõ ràng. Hiện sở còn không nắm được hiện thành phố  có bao nhiêu dự án đang khởi công xây dựng, nhưng chỉ biết dự án nào được duyệt trên sổ sách. Nhà nước quy định DN phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích. Tuy nhiên điều này rất khó quản lý. Ngay cả Sở Xây dựng cũng khó quản. Đây chỉ là quy định để ràng buộc, còn triển khai chặt chẽ thì chưa có tính khả thi...” – ông Hiệp bộc bạch như vậy về một số điểm còn boăn khoăn.

Một số doanh nghiệp cũng nêu lên một vài vấn đề còn lấn cấn. Chẳng hạn, Nghị định 71 cho phép doanh nghiệp bán 20% quỹ nhà dưới hình thức huy động vốn của khách hàng mà không phải qua sàn giao dịch BĐS. Đối với những người góp vốn, khi muốn bán lại sản phẩm không được đứng bán mà phải thông qua chủ đầu tư khi họ đã làm xong móng của toàn bộ công trình.  Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland Invest - đánh giá cao về những tác động của Nghị định 71 lên tính  minh bạch của thị trường BĐS.

Theo ông Hoàng, với quy định về điều kiện huy động vốn  sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể huy động vốn “chui” như trước đây, phần nào đó sẽ tránh được nhiều rủi ro cho khách hàng tại các dự án “ma”. Thị trường chắc chắn sẽ trở nên minh bạch hơn. Ông Hoàng cho rằng, với quy định chặt chẽ về việc huy động vốn không quá 20% sản phẩm và bên thực hiện góp vốn không được chuyển nhượng sản phẩm khi chưa đáp ứng được các quy định về móng, hạ tầng thì doanh nghiệp không thể lách mà phải xây nhà để bán.

Như vậy, chỉ những dự án chủ đầu tư đủ lực xây nhà bán hoặc những dự án đất nền mà người dân mua có thể xây nhà vào ở được ngay thì mới thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Dự án “bán lúa non”, bán đất nền, bán nhà nơi hoang vắng sẽ rất khó tồn tại.

Ngọc Huân

lao động