Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực

Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực

(Vietstock) – Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn cho vay, giảm chi phí vốn, giảm sức ép từ tỷ lệ chi trả vào cuối ngày. Đây là cơ sở để có thể kỳ vọng lãi suất được hạ thấp trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 19 (TT 19) sửa đổi một số điều của Thông tư 13 (TT 13). Những nội dung được trông chờ nhất như giãn thời gian áp dụng, giảm hệ số rủi ro của dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán và bất động sản, giảm tỷ lệ CAR… đã không xảy ra.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng những thay đổi trong TT 19 là khá căn bản và sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong thời gian tới.

Thứ nhất: Định nghĩa lại “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay vì “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” như TT 13. Như vậy, theo tinh thần TT 19 thì vốn cấp tín dụng không bị hạn chế liên quan đến vốn chủ sở hữu. Có thể hiểu rằng tỷ lệ cấp tín dụng đối với ngân hàng là 80%, của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85% so với nguồn vốn huy động và cộng thêm 100% từ vốn chủ sở hữu.

Thứ hai: Tỷ lệ về khả năng chi trả bớt khắt khe, ngân hàng sẽ giảm được sức ép. Tỷ lệ về khả năng chi trả của ngày hôm sau vẫn được giữ nguyên 15% giữa Tổng tài sản “Có” thanh toán ngay và tổng Nợ phải trả như TT 13.

Tuy nhiên, tài sản “Có” theo TT 19 được tăng lên nhờ việc quy định tài sản “Có” này bao gồm Tiền gửi, Giá trị sổ sách vàng gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn đến hạn thanh toán tại các tổ chức tín dụng khác, trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Trước đây, TT 13 định nghĩa đây là khoản chênh lệch giữa Tiền gửi, Giá trị sổ sách vàng gửi không kỳ hạn và đến hạn thanh toán tại các tổ chức tín dụng khác trừ đi Tiền gửi, Giá trị sổ sách vàng gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn đến hạn thanh toán của các tổ chức tín dụng khác gửi tại tổ chức tín dụng.

Như vậy, với quy định mới này thì tài sản “Có” của các ngân hàng sẽ tăng thêm rất nhiều, và tỷ lệ khả năng chỉ trả sẽ không còn là sức ép lớn đối với các ngân hàng.

Thứ ba: Định nghĩa về “Nguồn vốn huy động” của TT 19 rộng hơn rất nhiều. Theo đó, TT19 bổ sung thêm nguồn vốn huy động bao gồm: (1) Tiền gửi kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, (2) 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng, trước đây TT 13 loại trừ hoàn toàn) và (3) Tiền vay của TCTD khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên, trừ tiền vay để đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả.

Thứ tư: TT 19 quy định hoạt động cấp tín dụng không bao gồm nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó, các nghiệp vụ cấp tín dụng bao gồm: các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, chiết khấu chứng từ có giá và công cụ chuyển nhượng. Nói cách khác, quy mô hoạt động cấp tín dụng sử dụng để tính tỷ lệ an toàn sẽ giảm đi so với TT 13.

Có thể thấy những thay đổi của TT 13 không hoàn toàn như kỳ vọng, nhưng chúng tôi đánh giá đây là những điều chỉnh căn bản và khá tích cực.

Những quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn cho vay, giảm chi phí vốn. Ước tính sơ bộ của chúng tôi cho thấy tỷ lệ cấp tín dụng của các ngân hàng có thể tăng thêm 7-10% sau khi TT 13 được sửa đổi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng được giảm sức ép từ tỷ lệ chi trả được hạch toán vào cuối ngày. Đây là cơ sở để có thể kỳ vọng lãi suất được hạ thấp trong thời gian tới.

* Tải tài liệu: Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực

Hồ Bá Tình