Dịch vụ truyền dẫn, phát sóng: cuộc chiến giành sóng

Dịch vụ truyền dẫn, phát sóng: cuộc chiến giành sóng

Hình thành được mười năm, nhưng dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình được cho là sẽ sôi động trong năm tới khi một số đơn vị được cho phép truyền dẫn phát sóng vệ tinh.

Trên nền công nghệ truyền dẫn cáp và vệ tinh, lần lượt xuất hiện các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn như VCTV, HTVC (cáp); VSTV, VTC (vệ tinh). Cũng từ đó, các đài địa phương muốn có thêm người xem ở tỉnh, thành phố khác, phải trả phí hạ tầng cho các doanh nghiệp truyền dẫn.

Muốn lên sóng, phải trả phí

“Tuỳ theo chất lượng và số lượng quảng cáo của từng kênh, truyền dẫn cáp hay vệ tinh mà mức phí cũng khác nhau. Phí hạ tầng của vệ tinh cao hơn của cáp”, nguồn tin của đài Truyền hình Bình Dương cho biết. Qua tìm hiểu, một đài truyền hình ở khu vực Đông Nam bộ phải trả mỗi năm khoản phí là 600 triệu đồng để ba kênh xuất hiện trên dịch vụ cáp của Saigontourist (SCTV). Khoản phí trên được tính trong doanh thu của những đài tự chủ về tài chính. Còn những đài phụ thuộc vào ngân sách nhà nước sẽ được duyệt chi từ ngân sách.

Việc thu phí hạ tầng cũng tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa đài và nhà cung cấp dịch vụ. Cùng gói ba kênh nhưng một nhà đài phải đóng phí mới được phát trên SCTV, còn trên HTVC lại được miễn phí.

Do mới đi vào hoạt động, nên các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình internet (IPTV) như MyTV, iTV thoả thuận với nhà cung cấp dịch vụ và nhà đài, theo hình thức hàng đổi hàng. Thay vì trả tiền, nhà cung cấp dịch vụ IPTV trả cho nhà đài bằng các dịch vụ internet.

Việc mở rộng phạm vi tiếp cận người xem, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Đó là ý chí của lãnh đạo và khách hàng quảng cáo nên đài buộc phải chi tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ để sóng tỉnh mình bay xa hơn”, lãnh đạo một đài truyền hình tỉnh cho biết. Đây chính là nguyên nhân có lúc trên kênh cáp hoặc vệ tinh, các kênh địa phương xuất hiện, sau đó lại mất, được thay thế bằng kênh khác.

Sẽ có 10 nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn truyền hình số mặt đất?

Theo đề án Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, trong năm 2011, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phải thực hiện đầu tư hạ tầng theo công nghệ truyền hình số mặt đất tại năm thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, phát sóng theo công nghệ mới song song với công nghệ sóng analog để vào năm 2014 chấm dứt sóng analog tại năm thành phố trên.

Theo tinh thần trên, tại cuộc họp triển khai đề án số hoá truyền hình tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 8 năm ngoái, ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc đài Truyền hình TP.HCM đã đề nghị với bộ Thông tin và truyền thông để đài Truyền hình TP.HCM được phép tham gia vào dịch vụ truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất cho các địa phương khu vực Đông Nam bộ. Theo ông Cao Anh Minh, phó tổng giám đốc đài Truyền hình TP.HCM, đơn vị này đã có kế hoạch trình UBND TP.HCM, được thành phố ủng hộ đề xuất trên. Hiện đài Truyền hình TP.HCM tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp trực thuộc, cơ sở để bộ cấp phép hoạt động.

Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng có đề án đề nghị thành lập trung tâm truyền dẫn và phát sóng cho các địa phương khu vực Tây Nam bộ. Cũng như đề xuất của đài Truyền hình TP.HCM, đề án của Vĩnh Long cũng đang được xem xét. Phạm vi hoạt động của từng doanh nghiệp truyền dẫn sẽ theo giấy phép của bộ cấp cho doanh nghiệp đó.

Theo thông báo ban hành ngày 23.7.2010, thay mặt Chính phủ, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho phép công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được “thử nghiệm” cung cấp dịch vụ truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất với đối tác là đài Truyền hình Bình Dương.

Như vậy, nếu đề xuất của TP.HCM, Vĩnh Long và AVG được bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép chính thức, thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng có khoảng 10 nhà cung cấp. Ông Cao Anh Minh cho rằng, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, sẽ không có chuyện chồng lấn sóng vì mỗi nhà khai thác sẽ có sơ đồ hạ tầng mạng riêng. Theo ý kiến của ông Minh, mức độ cạnh tranh sóng số mặt đất sẽ phức tạp hơn cạnh tranh vệ tinh, vì đây là công nghệ sẽ được nhiều đài triển khai theo đề án số hoá truyền hình.

Tân binh giàu tiềm lực

Tính đến thời điểm này, có tám nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn. Giới kinh doanh đang dồn mắt vào gương mặt mới là AVG, với số vốn đầu tư dành cho dịch vụ truyền dẫn và phát sóng truyền hình ước chừng 3.000 tỉ đồng. Dự kiến, AVG có thể cung cấp 80 kênh truyền hình vệ tinh qua vệ tinh NS6 của châu Âu và khoảng 45 kênh phát theo công nghệ truyền hình số mặt đất trên ba kênh tần số 57, 58 và 59 mà đài Truyền hình Bình Dương đã chuyển giao cho AVG trong thời gian thử nghiệm dịch vụ.

Với số lượng các nhà cung cấp dịch vụ, Việt Nam đã hình thành thị trường dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình, nhưng hiện tại chưa có sự cạnh tranh mà chỉ “chung sống hoà bình để tồn tại” như lời của ông Hồ Phước Vinh, một chuyên gia về dịch vụ truyền hình. Cũng theo ông Vinh, sắp tới, có thể là năm 2012, khi AVG chính thức phát sóng, “thị trường dịch vụ truyền dẫn sẽ có những biến động lớn”.

Ông Vinh nhận định: “Trong thời gian đầu, có thể AVG sẽ miễn phí cho các kênh truyền hình địa phương hoặc nếu thu sẽ thu tượng trưng để thu hút nhà đài và khách hàng. Trong hai công nghệ, AVG sẽ quan tâm nhiều hơn đến dịch vụ vệ tinh, còn truyền dẫn mặt đất do hạn chế về khoảng cách cũng như chi phí đầu tư hạ tầng khá cao sẽ ít được quan tâm hơn”.

Gia Vinh

sài gòn tiếp thị