“Người Việt dùng tiền Việt”

“Người Việt dùng tiền Việt”

Câu chuyện về người bán giày ở Ấn Độ từ chối khách mua hàng trả tiền bằng USD được vị chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kể trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước với mong muốn ngăn chặn tình trạng đô la hóa trong nước. Và đây không phải là câu chuyện cá biệt về cách giữ giá đồng tiền của người dân Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia khác.

Trong khi đó, hiện nay, việc sử dụng USD như phương tiện thanh toán hằng ngày đang phổ biến ở nước ta như từ tiền đóng học phí cho con ở các trường quốc tế, tiền mua nhà, tiền mua điện thoại, ô tô, đi ăn ở nhà hàng, khách sạn... Một phụ huynh có con học trường tiểu học quốc tế cho biết tháng nào chị cũng phải ra tiệm vàng mua USD về đóng học phí cho con. Trong khi ngân hàng không có nguồn USD bán cho cá nhân thì hàng loạt nhu cầu của người dân (dù muốn hay không) vẫn phải sử dụng đồng USD để giao dịch càng khiến tình trạng đô la hóa trở nên nghiêm trọng.

Đến nỗi ngày Tết, tục lì xì theo truyền thống người Việt với mong muốn chúc con cháu mạnh khỏe, học tốt nhưng gần đây cũng bị “đô la hóa” khi nhiều người đua nhau mừng tuổi bằng tờ 2 USD! Nhiều người nhất định phải đổi bằng được tờ 2 USD hoặc chấp nhận mua với giá cao hơn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/USD (2 USD chỉ hơn 40.000 đồng) để lì xì cho... oai!

Do ngày càng nhiều giao dịch sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán khiến giá của ngoại tệ này trên thị trường tự do liên tục tăng cao. Dù bị cấm nhưng các giao dịch bằng USD vẫn diễn ra hằng ngày.

Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Thái Lan..., người dân giữ giá đồng tiền của họ bằng cách không nhận thanh toán bằng USD khi mua bán. Một người bạn của người viết đang học tại Ấn Độ cho biết người bán hàng ở nước này không bao giờ nhận tiền USD khi khách trả tiền mua hàng. Tại ký túc xá của trường đại học nơi anh ở, mọi người trong lớp muốn đổi từ USD sang ruby (đồng tiền Ấn) là có người mang đến đổi ngang với giá ở ngân hàng chứ không có chuyện giá “chợ đen, chợ đỏ” như nước mình.

Tương tự ở Thái Lan, khi người viết qua công tác, hướng dẫn viên cũng chỉ ra Ngân hàng Bangkok đổi USD ra tiền baht (tiền của người Thái) để thanh toán bởi họ không dùng USD trong mua bán thông thường...

Chính phủ đang áp dụng mọi biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kéo giảm lạm phát thì việc ngăn chặn tình trạng đô la hóa, dẹp “chợ đen” USD càng trở nên cần thiết. Một chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2008, chúng ta dẹp nạn mua bán ngoại tệ ngoài thị trường chợ đen và bước đầu có hiệu quả là nhờ tính quyết liệt. Nay muốn mạnh tay chặn tình trạng đô la hóa ở nước ta đòi hỏi các bộ ngành liên quan phải vào cuộc một cách quyết liệt. Và nên chăng, cuộc vận động “người Việt dùng tiền Việt” cần được phát động để lấy lại niềm tin của người dân vào tiền đồng.

Thái Phương

Người Lao động