Cần cơ chế thông tin minh bạch về CTCK

Cần cơ chế thông tin minh bạch về CTCK

Dư luận lúc này cần hơn hết một cơ chế thông tin minh bạch về DN, nhất là về khối CTCK - nơi đang ghi nhận và giữ tài sản của 1 triệu NĐT.

Khi HĐQT Kim Long công bố về ý tưởng chuyển đổi ngành nghề hoạt động, “sự kiện” này đã trở thành điểm nóng và được dư luận mổ xẻ với nhiều góc độ khác nhau.

Ngày 19/3 tới, “vấn đề” của Kim Long sẽ được đại hội đồng cổ đông “chốt” lại và từ nay cho đến ngày đó, diễn biến giá cổ phiếu KLS trên sàn Hà Nội sẽ là một ẩn số hấp dẫn. Nhưng tạm không bàn đến vấn đề này vì chỉ có cổ đông Kim Long mới là người có quyền quyết định vận mệnh Công ty, xin cùng nhìn về vấn đề an toàn tài sản NĐT (gồm tiền và cổ phiếu) từ thực tế của TTCK.

Tiền của NĐT, theo quy định từ năm 2008, là phải được giữ tại ngân hàng, còn chứng khoán của NĐT đương nhiên phải được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Từ cuối năm 2010, TTCK Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng khi VSD chính thức giám sát được trạng thái chứng khoán từng tài khoản của NĐT. Từ điểm này, tài sản của NĐT ở dạng chứng khoán sẽ được ghi nhận không chỉ ở CTCK nơi họ mở tài khoản, mà còn được xác nhận chính xác đến hàng đơn vị ở VSD.

Nhưng thực tế vẫn có những phát sinh ngoài quy định. Sau 3 năm thực hiện quy định tách bạch tài khoản tiền gửi của NĐT khỏi tài khoản tiền mặt của CTCK, vẫn chưa ai có thể khẳng định rằng, các CTCK đều tuân thủ nguyên tắc này. Bản chất của quy định trên là để giữ gìn sự an toàn đồng vốn của NĐT, loại bỏ khả năng CTCK trục lợi, dùng tiền gửi của NĐT để sử dụng sai mục đích, nhưng thực tế, quy định này vẫn chưa được thực thi trọn vẹn. Tiền gửi của NĐT, nếu để tại ngân hàng thì tài khoản tổng vẫn mang tên CTCK và thực tế, nhiều CTCK đang được hưởng lợi ích không nhỏ do ngân hàng chi trả, tính trên nguồn tiền gửi ổn định của NĐT.

Khi CTCK Gia Anh quyết định đóng cửa hoạt động môi giới và chuyển toàn bộ tài khoản sang một CTCK khác, UBCK đã phải cử cán bộ sang giám sát liên tục quá trình chuyển tài khoản này và nỗi lo lắng nhất lúc đó là khả năng thiếu hụt chứng khoán hoặc thiếu hụt tiền của NĐT so với các con số ghi nhận trên sổ sách. Nhưng Gia Anh là một CTCK rất nhỏ, mới hoạt động với lượng tài khoản ít, nên những vấn đề phức tạp đã không xảy ra. Sự việc của Gia Anh khép lại, nhưng nỗi lo về an toàn tài sản của NĐT với nhà quản lý và hơn thế là với chính NĐT đến nay vẫn chưa khép lại.

Sau Kim Long, có thể nhiều CTCK khác cũng sẽ tính đến việc đóng cửa hoạt động môi giới, vì sự khốc liệt trong cạnh tranh. Nhiều ngân hàng đang đẩy lãi suất huy động lên quá cao, trong khi việc cho vay đầu tư chứng khoán buộc phải thắt chặt theo yêu cầu của NHNN, khiến chi phí vốn đầu tư chứng khoán trở nên cao bất thường. Con số để có 1 tỷ đồng doanh thu môi giới, Công ty phải dùng nguồn 1.000 tỷ đồng, như lãnh đạo Kim Long chia sẻ, nếu cũng là thực trạng chung của nhiều CTCK, thì thực sự, môi giới là nơi quá khó kiếm lời, mà nếu có kiếm được thì bản thân CTCK phải gánh chịu rủi ro rất lớn về tài chính.

Thị trường càng khó khăn thì bức tranh thực về các chủ thể càng lộ diện. Theo BCTC quý IV/2010, có tới 20 CTCK có vốn khả dụng là âm và không ai biết khi nào, những công ty này sẽ buộc phải thay đổi. Dư luận lúc này cần hơn hết một cơ chế thông tin minh bạch về DN, nhất là về khối CTCK - nơi đang ghi nhận và giữ tài sản của 1 triệu NĐT.

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán