Chấm dứt vay - gửi ngoại tệ để chống đô la hóa

Chấm dứt vay - gửi ngoại tệ để chống đô la hóa

Đề án chống đô la hóa đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ. Trao đổi với Thanh Niên, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTC), cho biết trước mắt cần phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng ngoại tệ; về dài hạn tiến tới chấm dứt tình trạng cho vay và huy động USD qua các NH mới có thể thực thi thành công việc chống đô la hóa trong nền kinh tế.

Một vài tờ báo có nêu Ủy ban GSTC qua kiểm tra thấy có tài khoản tiền gửi ngoại tệ 260 triệu USD, thực hư thông tin này như thế nào, thưa ông?

Ủy ban GSTC có thực hiện việc kiểm tra, rà soát tài khoản tiền gửi ngoại tệ của các NH thương mại để phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn hệ thống tài chính thường xuyên, cũng như có số liệu phân tích, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ. Số liệu chính xác là có một tài khoản tiền gửi cá nhân 260.000 USD, chứ không phải là 260 triệu USD như một vài phương tiện thông tin đã nêu.

Cũng có thông tin, sắp tới ủy ban sẽ trình Chính phủ đề án chống đô la hóa?

Đề án chống đô la hóa được Chính phủ giao cho NHNN nghiên cứu xây dựng. Sau khi trình Chính phủ, Ủy ban GSTC tham gia góp ý kiến.

Ông đánh giá như thế nào về tình trạng đô la hóa hiện tại VN?

Theo định nghĩa của IMF, trong một quốc gia chừng nào NH đồng ý nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ thì có nghĩa là nền kinh tế còn bị đô la hóa. Hiện tại, VN là một trong số các quốc gia có tình trạng đô la hóa khá cao. Nguyên nhân có nhiều, nhưng căn bản do nền kinh tế còn bị nhập siêu, cũng như tâm lý của người dân, niềm tin vào đồng nội tệ còn thấp.

Đô la hóa “đẻ” ra một thị trường ngoại tệ tự do luôn tác động rất mạnh tới tỷ giá, thị trường ngoại hối chính thức?

Ngoại tệ trên thị trường tự do lũng đoạn được là vì nó có thể gửi ở NH trong tình hình bình thường. Khi cần đầu cơ thì nó được rút ra khỏi NH, khi không cần đầu cơ thì nó gửi NH một cách chắc chắn. Lực lượng tín dụng này ngày càng lớn, tới hàng chục tỉ USD và thậm chí quay trở lại thao túng thị trường.

Theo ông, để chống đô la hóa cần có những giải pháp gì?

Trước mắt tăng dự trữ bắt buộc của ngoại tệ cỡ 10-12%, đồng thời đặt dự trữ bắt buộc bằng đồng nội tệ thấp hơn khoảng 6-7% để cho các NH thương mại cân nhắc việc huy động tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ. Hiện nay tương quan tiền gửi trong hệ thống NH giữa VNĐ và ngoại tệ khoảng 70% và  30%. Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như trên, đương nhiên lãi suất tiền gửi giảm xuống, người dân sẽ gửi ngoại tệ ít hơn và chuyển qua gửi bằng VNĐ.

Trong dài hạn, chỉ cho vay ngoại tệ ở một số hạng mục nhất định, và tiến tới chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và huy động ngoại tệ. Tất nhiên, để làm được điều này NHNN phải đứng ra có giải pháp để chuyển đổi toàn bộ khoản tiền gửi đó.

Khi nào chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu này?

Mục tiêu này cần phải có lộ trình thực hiện trong dài hạn, theo tôi thời gian có thể trong 3 năm. Còn thời điểm, nên lựa chọn khi chỉ số lạm phát thấp nhất, niềm tin của người dân đối với chính sách tiền tệ tốt nhất.

Vừa qua, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) bán hết ngoại tệ cho các NH. Có ý kiến cho rằng, lẽ ra chúng ta nên tăng tỷ giá đồng thời với việc bán ngoại tệ của các TĐ, TCT vì như vậy sẽ hiệu quả hơn, là tăng trước - bán sau, thưa ông?

Đúng vậy. Lẽ ra khi tăng tỷ giá hối đoái gắn đồng thời với can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tăng tỷ giá nên kết hợp giải pháp khác như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc như tôi đã nói ở trên. Giảm quy định về trạng thái ngoại tệ. Trạng thái ngoại hối ở các NH thương mại đang được quy định ở mức +/- 30% vốn điều lệ của một NH. Tức là, NH có vốn điều lệ 100 triệu USD, có thể mua gom ngoại tệ tới 130 triệu USD, hoặc bán ra tới 70 triệu USD. Nếu giảm trạng thái ngoại tệ xuống 10-15%, sẽ không có tình trạng găm giữ ngoại tệ trong NH.

Trao đổi với Thanh Niên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, cho biết: Hiện tại chính sách tiền tệ đang được NHNN thực hiện một cách bài bản, căn cơ để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối cũng là một trong số mục tiêu cần phải làm trước mắt. Giải pháp làm giảm tổng cầu nền kinh tế nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, tổ chức trên thế giới như ADB, World Bank... Bên cạnh đó, việc giảm tổng cầu cũng có tác động tích cực tới việc hạn chế nhập siêu, giảm áp lực tỷ giá, cũng như căng thẳng trên thị trường ngoại hối. Về tiến độ bán ngoại tệ của các TĐ, TCT hiện NHNN đang yêu cầu tất cả TĐ, TCT báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ tại hệ thống NH. Đến ngày 4.5, các TĐ, TCT phải hoàn thành việc báo cáo có số liệu cụ thể về lượng USD của mình, sau đó NHNN sẽ có hướng dẫn thực hiện việc bán ngoại tệ.

Về đề án chống đô la hóa, hiện Chính phủ đã giao cho NHNN xây dựng, nhưng vì liên quan đến việc sửa pháp lệnh ngoại hối, cũng như cần phải làm toàn diện không chỉ riêng chính sách tiền tệ, nên cần có thời gian dài để thực hiện.

Anh Vũ (thực hiện)

Thanh Niên