Quý I: Vì khó khăn, doanh nghiệp ngại minh bạch?

Quý I: Vì khó khăn, doanh nghiệp ngại minh bạch?

Doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) quý là điệp khúc khá đỗi quen thuộc trên thị trường. Tuy nhiên, số DN công bố BCTC quý I năm nay quá ít ỏi cho thấy, vấn đề có lẽ không đơn giản như những lý do mà DN xin hoãn nộp.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, tính đến ngày 22/4, mới có khoảng 50/289 DN gửi BCTC quý I/2011 lên Sở. Đến ngày 25/4 mới là hạn cuối cùng để các DN gửi BCTC, nhưng theo dự báo của HOSE thì nhiều DN chậm công bố BCTC quý I/2011 là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, Sở cũng nhận được khá nhiều báo cáo của DN xin được gia hạn chậm nộp báo cáo quý I. Thậm chí, vẫn còn một số DN chưa công bố BCTC hợp nhất năm 2010.

Đại diện HOSE cho hay, đối với những trường hợp DN xin gia hạn thì Sở vẫn công bố trên website để nhà đầu tư nắm bắt thông tin, chứ bản thân Sở chưa bao giờ chấp thuận báo cáo xin gia hạn của DN. Bởi lẽ, theo quy định, chỉ những trường hợp DN gặp phải lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn thì mới được xin gia hạn. Trong khi đó, lý do phổ biến mà các DN giải trình ở đây là do DN phải tập hợp các chứng từ để thanh quyết toán. Mặc dù quý I có kỳ nghỉ Tết cổ truyền, mang tính chu kỳ, nhưng nhiều DN vẫn lấy đó làm lý do "vướng" để xin được gia hạn.

Theo Khoản 3, Điều 33, Nghị định số 85/2010/NĐ-CP, DN niêm yết sẽ bị phạt tiền 50 - 70 triệu đồng nếu không thực hiện công bố thông tin theo quy định hoặc theo yêu cầu; công bố thông tin không kịp thời, đầy đủ nội dung theo quy định.

Trên thực tế, việc công bố các thông tin đúng hạn mới chỉ đáp ứng về mặt hình thức của các quy định hiện hành. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm chính là chất lượng thông tin. Theo đại diện HOSE, khi nhận được BCTC quý của DN, chỉ sau 1 giờ, Sở sẽ "up" lên website của Sở để đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh. Sau đó, tại Sở có một nhóm cán bộ gọi là bộ phận giám sát sẽ đọc kỹ, xem xét trong BTTC có điều gì bất thường không, mức độ tăng, giảm của các chỉ tiêu so với cùng kỳ năm trước…, từ đó có yêu cầu DN giải trình để cổ đông hiểu rõ hơn. Tuy vậy, theo HOSE, việc minh bạch thông tin chủ yếu xuất phát từ ý thức của DN. Hiện tại, Sở vẫn đang triển khai dự án công bố thông tin trực tuyến và dự án này sẽ sớm đưa vào hoạt động khi phần mềm công bố thông tin chính thức được "link" đến website của Sở.

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), hoạt động công bố thông tin BCTC năm 2010 có sự cải thiện, nhưng số lượng công bố BCTC quý I/2011 hiện mới chỉ đạt hơn 30 DN (chưa đến 10%). Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, để khắc phục tình trạng chậm công bố thông tin của DN, trước hạn công bố các BCTC quý và năm, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN phải công bố đúng hạn. Tính đến nay, khoảng 95% DN trên HNX đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010. Theo ông Trung, phần mềm quản lý thông tin DN đang được HNX triển khai, dự kiến sẽ chính thức đưa vào áp dụng trong quý II/2011. Tại HNX đã có 50 DN đang thử nghiệm phầm mềm này, đại diện số DN này sẽ được đào tạo, khi được cấp chứng thực điện tử thì sẽ bắt đầu áp dụng. Do cùng một lúc khó đào tạo cho hơn 400 DN nên HNX sẽ thực hiện áp dụng công bố thông tin trực tuyến theo hình thức "cuốn chiếu".

Nói về thực trạng chậm công bố BCTC quý, đại diện HNX cho rằng, ý thức công bố thông tin của DN phần nào phản ánh khả năng quản trị của DN. Các DN không công bố theo đúng quy định thì chính DN đã tự mất uy tín trong mắt cổ đông và nhà đầu tư.

Nhìn vào danh sách các DN đã công bố BCTC quý I/2011 trên các Sở có thể thấy, đây chủ yếu là những DN có kết quả kinh doanh khả quan như HPG, VNM, PNJ, VNS, IMP… Hầu hết những DN này trong thời gian qua đều tuân thủ yêu cầu về công bố BCTC quý và năm, thậm chí là công bố báo cáo kết quả kinh doanh hàng tháng, dù không bắt buộc.

Trong khi đó, nhiều DN khác vẫn đi vào "lối mòn" khi chậm nộp hoặc tiếp tục xin gia hạn nộp BCTC quý, năm… Nguyên nhân có thể xuất phát từ ý thức chưa tốt của DN, những cũng có thể do kết quả kinh doanh của DN không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ, nên DN lần lữa chưa muốn công bố.

Không chỉ chậm trễ trong việc công bố BCTC quý, không ít DN cũng chậm công bố BCTC năm đã kiểm toán, trong khi hạn cuối cùng theo quy định là ngày 10/4 hàng năm. Điều đáng nói, tình trạng chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào DN, vào TTCK.

Để giải quyết tình trạng chậm công bố thông tin, ngoài kỳ vọng vào ý thức minh bạch thông tin từ phía DN thì việc hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin theo hướng chặt chẽ hơn là điều mà cơ quan quản lý cần tính đến. Nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào chưa có những biện pháp cứng rắn, các chế tài xử phạt hành chính mạnh tay thì thực trạng nêu trên còn lặp lại.

Hải Vân

đầu tư chứng khoán