Thấy gì từ mức giá phát hành 3.520 đồng/CP của BBT?

Thấy gì từ mức giá phát hành 3.520 đồng/CP của BBT?

BBT vốn là một đơn vị sản xuất bông băng, vật tư y tế có thương hiệu mạnh

Ngày 23/4, CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2011 lần thứ 2 (lần 1 bất thành). Đại hội lần này sẽ xem xét thông qua một nội dung quan trọng là phát hành riêng lẻ 16,160 triệu cổ phiếu, trị giá 161,60 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Tuy nhiên, số vốn thực tế huy động được dự kiến chỉ là 56,88 tỷ đồng, tương ứng với giá phát hành dự kiến là 3.520 đồng/CP.

Cơ sở để xây dựng mức giá 3.520 đồng/CP dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược được xác định căn cứ giá trị sổ sách và giá trị tài sản ròng. Theo báo cáo kiểm toán, đến thời điểm 31/12/2010, giá trị sổ sách tính trên mỗi cổ phiếu của BBT là âm 1.107 đồng. Tính giá trị tài sản ròng mỗi cổ phiếu có giá 6.759 đồng.

Bình quân gia quyền hai phương pháp tính giá cổ phiếu trên là 2.826 đồng/CP. Tính thêm giá trị thương hiệu Bông Bạch Tuyết, các đối tác chiến lược đã đồng ý trả giá 3.520 đồng cho một cổ phần phát hành thêm. Công ty May Sài Gòn 3, CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC), Legamex… và cả đại lý vùng của BBT là những đối tác chiến lược chào mua cổ phiếu trong đợt phát hành này.

Số vốn 56,88 tỷ đồng huy động dự kiến được BBT sử dụng để trả các khoản vay ngắn hạn 36,4 tỷ đồng và làm vốn lưu động cho Công ty.

Theo báo cáo của Ban giám đốc BBT, hiện nay, BBT không còn vốn để hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tài sản máy móc thiết bị, nợ phải thu đã cầm cố ngân hàng nên không có khả năng vay thêm vốn tín dụng.

Tổn thất về nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm so với sổ sách của BBT là hơn 12 tỷ đồng. Được sự hỗ trợ vốn của cổ đông lớn là Dệt may Gia Định (chiếm 30% cổ phần), BBT duy trì sản xuất, nhưng với sản lượng thấp, làm chi phí sản xuất cao. Sản phẩm bông y tế chỉ đạt 35% năng lực, sản phẩm băng vệ sinh cao cấp không đáng kể.

Do thiếu vốn kinh doanh nên BBT không thể chủ động dự trữ nguyên vật liệu đúng thời điểm với giá cả hợp lý. Trong khi đó, Công ty vẫn phải chịu các khoản chi phí lãi vay, chi phí trả chậm, chi phí khấu hao thiết bị không sử dụng…

Năm 2010, BBT tiêu thụ 287 tấn sản phẩm với tổng doanh thu 27 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 18,938 tỷ đồng. Nếu không có vốn mới để cơ cấu lại các khoản vay và bổ sung vốn lưu động, BBT nhiều khả năng tiếp tục thua lỗ dẫn đến phá sản trong các năm tiếp theo.

Vậy mục tiêu của cổ đông chiến lược khi mua cổ phần BBT trong đợt phát hành nêu trên là gì? Theo các cổ đông, BBT có lợi thế về thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến, sản phẩm bông y tế đạt chất lượng nhưng do thiếu vốn sản xuất và quản trị không tốt nên dẫn đến thua lỗ. Ngoài tiêu chí về giá chào mua, các cổ đông chiến lược cũng đặt ra điều kiện là tham gia vào quản trị và điều hành sản xuất của BBT, nhằm xốc lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nếu được ĐHCĐ chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu, Ban điều hành mới đặt mục tiêu đưa BBT trở lại thương hiệu mạnh trên thị trường và phấn đấu để BBT trở thành nhà cung cấp bông băng y tế hàng đầu Việt Nam. Đồng thời, đưa BBT trở lại sàn giao dịch chứng khoán. Kế hoạch kinh doanh năm 2011 được BBT đề ra là sản lượng tiêu thụ 450 tấn sản phẩm, doanh thu 71,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 310 triệu đồng.   

Thu Hương

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN