Doanh nghiệp bất động sản thực sự gặp khó

Doanh nghiệp bất động sản thực sự gặp khó

(Vietstock) – Phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trong ngành bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2011. Những phác họa đầu tiên trong “bức tranh” là nét bút xuống trong chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và những đám mây đen bao phủ.

Tính đến nay, ước có khoảng 46/55 doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh quý 1/2011. Ngoài một số ông lớn trong ngành như ITA, KBC, VIC... vẫn chưa công bố thì nhìn chung kết quả được công bố đều giảm hoặc tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn và lãi: Phép tính không cân

Để đáp ứng vốn cho hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của các doanh nghiệp bất động sản thường cũng rất nhanh. Kết thúc quý 1/2011, có nhiều doanh nghiệp vốn điều lệ tăng mạnh hoặc có vốn điều lệ “khủng” nhưng tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận vẫn không thuận.

10 doanh nghiệp BĐS có vốn điều lệ cao nhất tính đến thời điểm 29/04

Đvt: triệu đồng

(*): BCTC quý 1/2011 chưa hợp nhất

IJC là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ so với đầu năm 2010 cao nhất với 400% (tương đương gấp 5 lần) từ 548.39 tỷ đồng lên 2,742 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2011 của công ty thì rất khiêm tốn và chỉ tăng 8.45 tỷ đồng so với quý 1/2010 (35.02 tỷ đồng/32.29 tỷ đồng).

Đáng chú ý nữa là “ông lớn” PDR, kết thúc quý đầu năm 2011 đã bị lỗ 13.87 tỷ đồng chưa hợp nhất. Liệu lãi hợp nhất của PDR có thể “cứu vớt” để chuyển thành con số dương hay không?. Theo báo cáo tài chính đơn lẻ, PDR chỉ có 2.6 tỷ đồng doanh thu trong khi cũng đơn lẻ năm trước là 164.23 tỷ đồng. Dẫn đến lợi nhuận quý 1/2011 lỗ 13.86 tỷ đồng/48.17 tỷ đồng (đơn lẻ quý 1/2010). Có thể thấy các chỉ tiêu đều sụt giảm đáng kể.

Top ten lợi nhuận!

10 doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận cao nhất tính đến thời điểm 29/04

Đvt: triệu đồng

(*): BCTC quý 1/2011 chưa hợp nhất

Mặc dù nằm trong “top ten” lợi nhuận trong quý đầu năm 2011 nhưng các MCK trên vẫn không thoát được xu hướng giảm so với cùng kỳ 2010.

Một số doanh nghiệp như HAG, OGC, PDR, DIG, PTL chưa có số liệu báo cáo hợp nhất nên tạm thời sử dụng so sánh với lợi nhuận hợp nhất quý 1/2010. Nhưng qua đó cũng thấy rõ tỷ lệ lợi nhuận sụt giảm đáng kể.

Hiện tại, HAG có số vốn điều lệ dẫn đầu với 4,673 tỷ đồng, tăng trưởng 72.77% so với đầu năm 2010, đồng thời cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất với 300.3 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT cho biết tại Đại hội thường niên 2011 rằng, HAG vẫn còn lệ thuộc vào bất động sản, tuy nhiên công ty sẽ cố gắng giảm tỷ lệ này xuống còn 20% vào năm 2013 – 2014.  Hiện công ty có 3 dự án lớn nhưng chưa bán, các dự án này đóng góp 60% vào tổng doanh thu và lợi nhuận kế hoạch của mảng bất động sản.

* Cao su thiên nhiên - Săm lốp: Kẻ sốt vó, người ung dung

* Cổ phiếu chứng khoán “tơi tả” do dự phòng: Cơ hội vẫn còn

* Cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận quý 1

* Tháng 5 bắt đáy chứng khoán?

Phải chăng bất động sản đang thực sự gặp khó khăn, ngay cả “lão làng” trong ngành như HAG cũng không còn đủ sức kiên nhẫn. Sắp tới đây doanh nghiệp này sẽ chuyển theo hướng cao su là ngành ưu tiên số 1 của tập đoàn trong năm 2011 bởi tỷ suất sinh lời cao hơn (1 lời 6).

Đơn cử khác như LCG, vốn điều lệ của công ty tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu đạt 454.6 tỷ đồng, tăng 145.53%, lợi nhuận cao đứng thứ hai là 53.44 tỷ đồng, nhưng vẫn giảm 13.28% so với cùng kỳ trước. Ngoài những nguyên nhân khác, có thể thấy trong báo cáo tài chính quý năm 2010 thể hiện việc hoàn thuế 5 tỷ đồng, do đó quý 1 năm nay phải đóng 17.8 tỷ đồng cũng là nguyên nhân làm cho lợi nhuận giảm.

Co cụm theo chính sách

Trong tình hình hiện nay, chi phí lãi vay luôn là vấn đề gây đau đầu cho lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản trong chủ trương siết chặt tín dụng. Chi phí lãi vay càng cao điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận đạt được của công ty.

10 doanh nghiệp BĐS có chi phí lãi vay cao nhất tính đến thời điểm 29/04

Đvt: triệu đồng

(*): BCTC quý 1/2011 chưa hợp nhất

Theo thống kê của Vietstock, SCR là doanh nghiệp có mức chi phí lãi vay cao nhất trong quý 1/2011. Trong 266,98 tỷ đồng doanh thu thì trích chi phí lãi vay là 51.15 tỷ đồng, gần bằng 20% - con số này khá lớn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2011, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT SCR thừa nhận, công ty muốn giữ lại nguồn vốn của năm 2010 để thực hiện các dự án trong tình hình ngân hàng siết chặt cho vay. Đó là lý do mà HĐQT đề xuất nâng tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu từ 15% lên 20% và giảm tỷ lệ bằng tiền xuống còn 10%. Năm nay, SCR cũng đã cân nhắc lại kế hoạch lợi nhuận năm và điều chỉnh giảm xuống 300 tỷ đồng so với kế hoạch 900 tỷ đồng trong bảng cáo bạch niêm yết. Trong đó, lợi nhuận thu về khá “an toàn” với hai dự án Pelleza Apartment là 300 tỷ đồng và dự án Hùng Vương khoảng 20 tỷ đồng nữa.

Trường hợp của KDH cũng đáng chú ý, doanh thu trong quý đầu năm 2011 của công ty chỉ đạt 636 triệu đồng, mà chi phí lãi vay lên đến 6.6 tỷ đồng. Trong quý này, công ty tránh được thua lỗ nhờ hoạt động tài chính 17.53 tỷ đồng. Có thể thấy rõ, hoạt động chính của công ty như bán nhà, kinh doanh bất động sản không mang lại hiệu quả bao nhiêu.

Được biết, trong cơ cấu 206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2011 của KDH sẽ bao gồm các nguồn thu rất thận trọng như kinh doanh tiếp 63 căn hộ tại dự án Villa Park, dự kiến mang về 45 tỷ đồng; 119 căn hộ của dự án Goldora Villa dự kiến mang về 134 tỷ đồng và dự án Đoàn Nguyên với 66 căn hộ đưa vào kinh doanh năm nay sẽ mang về 77 tỷ đồng.

Bất động sản là ngành đòi hỏi một nguồn vốn khá lớn đối với doanh nghiệp, hơn nữa lại mất nhiều thời gian để thu hồi vốn. Với sự bất động của thị trường, cùng chủ trương siết chặt tín dụng đang ảnh hưởng rất lớn đến những doanh nghiệp này, đặc biệt với doanh nghiệp sử dụng chủ yếu là vốn vay ngân hàng.

Không riêng gì KDH, SCR, trong mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 vừa qua,  dễ dàng nhận thấy một kế hoạch thận trọng  chung chung cho các doanh nghiệp bất động sản. Lãnh đạo CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) thừa nhận, năm 2011, TDH sẽ không có đột biến về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu công ty mẹ chỉ đạt 674.76 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2010 và lợi nhuận sau thuế 167 tỷ đồng, giảm đến 30%.

Tương tự TDH, CTCP Nhà Việt Nam (NVN) đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2010. Ông Trần Văn Thành - Chủ tịch HĐQT phân tích, với tình hình lạm phát cao như hiện nay, đa số các doanh nghiệp bất động sản đều phải “nín thở” chờ đợi và chọn thời cơ để tung hàng. Tuy nhiên, điều bất lợi là nguốn vốn bị “chết”, không xoay vòng được. Ông hy vọng, trong thời gian tới, khi cầu vượt cung sẽ tạo một thế xoay chuyển và bất động sản sẽ có cơ hội để khởi sắc.

Xuân Anh