Giá vàng sẽ tiếp tục tăng ”phi mã”?

Giá vàng sẽ tiếp tục tăng ”phi mã”?

(Vietstock) - Giá vàng thế giới quy đổi hiện vào khoảng 39 triệu đồng/lượng. Phân tích của Vietstock cho thấy giá vàng sẽ rất khó có khả năng giảm mạnh trong vòng 3 – 6 tháng tới.

Giá vàng thế giới liên tục duy trì ở mức cao (trên 1,500 USD/oz) trong nhiều tháng gần đây.  Vào ngày 13/07/2011, giá vàng thế giới dao động quanh mốc 1,571 USD/oz. Nếu quy đổi theo tỷ giá 20,610 VND/USD thì giá vàng trong nước sẽ tương đương khoảng 39 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đang giao dịch trong khoảng 38.4 – 38.6 triệu đồng/lượng, dù đã lên mức cao kỷ lục nhưng vẫn còn thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi.

Lý do khiến giá vàng tăng vọt trong thời gian gần đây?

(1) ”Bóng ma” khủng hoảng nợ công: Khủng hoảng nợ công ở Châu Âu đang gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung. Do tính liên kết và ảnh hưởng qua lại khá chặt chẽ trong hệ thống ngân hàng, một sự sụp đổ cục bộ sẽ kéo theo sự tổn thương cho toàn hệ thống.

Điều này khiến cho giới đầu tư trở nên lo lắng và bắt đầu tìm kiếm những loại tài sản để phòng ngừa rủi ro như vàng, bạc, đồng.. hay hàng hóa.

Ngày 12/07/2011, Moody’s đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ của Ireland từ Baa3 xuống Ba1 với triển vọng tiêu cực, kèm lời cảnh báo quốc gia này có thể cần gói giải cứu thứ 2. Trước đó, tổ chức định mức tín nhiệm này cũng hạ bậc tín nhiệm của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, quá trình đàm phán về việc tăng trần nợ của nước Mỹ cũng không đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Điều này khiến nhiều người e ngại về khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật.

(2) Lạm phát tăng cao: Chỉ số lạm phát không ngừng tăng ở các quốc gia trên thế giới, cả những quốc gia mới nổi lẫn phát triển. Vàng vốn được xem như là một trong những nơi trú ẩn an toàn nhất để giúp nhà đầu tư không bị thiệt hại bởi ảnh hưởng của lạm phát. Không chỉ ở các nước mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ... mà ngay cả người dân Châu Âu và Mỹ cũng đang có xu hướng tích trữ vàng để chống chọi với lạm phát. Điều này khiến cho làm sóng đầu cơ vàng ngày càng mạnh hơn trong năm 2011.

(3) Sự suy giảm của đồng USD: Chương trình Quantitative Easing 2 (QE2) trị giá 600 tỷ USD (tiếp nối QE1 trị giá 1,750 tỷ USD) được dùng để mua trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ sau khi FED nhận thấy rằng việc duy trì lãi suất gần bằng 0 là chưa đủ để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Việc bơm vào nền kinh tế một lượng tiền quá lớn như vậy đã thúc đẩy sự mất giá của đồng USD cũng như kéo theo hệ quả là giá cả hàng hóa, kim loại quý tăng cao. Chỉ số USD Dollar Index đã liên tục tạo đáy mới và hiện đang duy trì trong vùng thấp nhất trong vòng 2 năm qua (vùng 72 – 76).

Do vàng là kim loại quý được định giá bởi USD nên sự suy giảm mạnh của đồng USD trong 7 tháng đầu năm cũng góp phần không nhỏ trong việc đẩy giá vàng lên cao.

(4) Yếu tố Trung Quốc: Kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt mức 3.2 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 6 vừa qua. Quốc gia này từ lâu đã cân nhắc việc đa dạng hóa các khoản dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới hiện nay của mình. Mục tiêu của việc đa dạng hóa này nhằm vào năng lượng, kim loại quý... để không bị phụ thuộc quá nhiều vào sự biến động thất thường của đồng USD.

Sự dịch chuyển mang tính chiến lược này được giới phân tích dự báo sẽ là một lực đẩy mới cho giá vàng trong tương lai. Ít nhất thì nó cũng đủ để giúp cho giá kim loại này không giảm sâu trong vòng vài năm tới.

Giá vàng dưới góc nhìn Phân tích Kỹ thuật

Các yếu tố khiến giá vàng tăng giá như ở trên rõ ràng sẽ không dễ thay đổi trong ngắn hạn; và phân tích kỹ thuật cũng cho thấy khó có khả năng giá vàng sẽ giảm mạnh trong vòng 3 – 6 tháng tới.  

Kênh tăng giá dài hạn là rất vững chắc: Kênh này đã tồn tại hơn 2 năm qua và chưa bao giờ bị phá vỡ dù chỉ là một tín hiệu nhiễu (failure breakout). Hiện tại giá đang duy trì trong vùng trung tâm của kênh (vùng 1,555 – 1,565 USD/oz).

Nếu như trong vài phiên tới giá vàng vượt qua được mức đỉnh lịch sử 1,569 USD/oz thì việc dịch chuyển và test lại cận trên của kênh (vùng 1,630 – 1,650 USD/oz) là rất khả thi. Trong trường hợp này, vàng sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới với sự hỗ trợ của cận dưới kênh giá và những đường MA dài hạn (SMA 50, SMA 100, SMA 200...).

Dựa vào hệ thống trend-following mà cụ thể là hệ thống Moving Average Cross-Over, xu hướng của giá vàng trong dài hạn vẫn là tăng trưởng khá mạnh. Chiến lược dài hạn đối với tài sản này vẫn là mua vào, trừ khi có những breakout quan trọng xuất hiện.

Giả thiết về Triple Top Pattern: Giả thiết của giới phân tích kỹ thuật quốc tế về sự hình thành mẫu hình Triple Top cũng rất đáng chú ý.

Nếu như trong vòng vài phiên tới giá không có những bứt phá mạnh để phá vỡ hoàn toàn vùng 1,565 – 1,570 USD/oz thì khả năng hình thành Triple Top là rất cao. Nếu mẫu hình này hình thành thì giá vàng có thể sẽ điều chỉnh xuống vùng 1,415 – 1,430 USD/oz hoặc thấp hơn.

Kết luận: Các phân tích trên cho thấy giá vàng đang ở trong giai đoạn khá nhạy cảm và có thể xuất hiện những đột biến lớn. Tuy nhiên, xét về góc độ cơ bản lẫn kỹ thuật giá vàng sẽ rất khó có khả năng giảm mạnh trong vòng 3 – 6 tháng tới.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock