Cơ hội từ các đợt IPO tại TTCK Campuchia

Cơ hội từ các đợt IPO tại TTCK Campuchia

(Vietstock) – Trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam ảm đạm kéo dài, không ít nhà đầu tư Việt bày tỏ sự quan tâm lớn trong việc tham gia các đợt IPO đầu tiên của doanh nghiệp Campuchia trước khi thị trường tại nước này chính thức hoạt động vào cuối năm nay.

* Chứng khoán Campuchia hấp dẫn và mang tính thị trường hơn

Vietstock tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Đào Duy Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Campuchia - Việt Nam (CVS) để tìm hiểu rõ hơn nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Việt Nam tham gia giao dịch ở thị trường này.

Hình ảnh buổi lễ khai trương Sở GDCK Campuchia ngày 11/07/2011

Nếu nhà đầu tư Việt Nam muốn mua cổ phiếu hay tham ngay tại các đợt IPO đầu tiên thì cần thực hiện những thủ tục gì?

Để có thể thực hiện mua cổ phiếu tại Campuchia, các nhà đầu tư cần mở tài khoản chứng khoán tại công ty chứng khoán và tài khoản ngân hàng kết nối với tài khoản chứng khoán đó.

Hiện Campuchia chưa có quy định chính thức về hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài nhưng nhiều khả năng các quy định sẽ tương tự như thị trường Lào. Cụ thể, ngoài phiếu đăng ký giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, đối với cá nhân cần có hộ chiếu còn đối với tổ chức cần có hộ chiếu của người đại diện, hồ sơ doanh nghiệp và bản sao giấy phép kinh doanh…

Tuy nhiên, việc thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp tại Campuchia không thực hiện theo hình thức đấu giá như Việt Nam mà thực hiện theo phương thức book building (phương thức dựng sổ và phân phối cổ phần hay còn gọi là phương thức định giá sổ sách hoặc phương thức đăng ký ghi sổ), thậm chí có thể kết hợp với hình thức phân phối theo mức giá cố định cho một số đối tượng.

Theo phương thức này, các công ty bảo lãnh phát hành sẽ đề nghị các nhà đầu tư đăng ký số cổ phiếu muốn mua và mức giá cao nhất mình chấp nhận mua. Tuy nhiên, số liệu này chỉ mang tính chất cung cấp thông tin chứ không phải lệnh mua thật sự (tại một số nước được coi như lệnh mua, nhưng có thể hủy bỏ trước 01 ngày quy định mà không bị phạt).

Thông qua việc thẩm định về tổng cầu, chất lượng và độ tin cậy của các nhà đầu tư (những lệnh đặt giá mua quá cao sẽ bị loại bỏ), mức giá mà doanh nghiệp IPO mong muốn, công ty bảo lãnh phát hành sẽ xác định mức giá phát hành và phân bổ cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Như vậy, mặt nào đó, phương thức này tương đối giống đấu giá nhưng điểm khác biệt lớn nhất là công ty bảo lãnh phát hành (đối tượng có nhiều thông tin nhất) có thể can thiệp trực tiếp vào quá trình tạo giá. Và để bảo đảm uy tín của mình, cũng như lợi nhuận cho các nhà đầu tư, công ty tư vấn phát hành buộc phải đưa ra một mức giá thỏa mãn cho cả doanh nghiệp IPO lẫn nhà đầu tư.

So với đấu giá để IPO như tại Việt Nam, phương thức thức book building có những ưu điểm nào thưa ông?

Theo tôi, phương thức này làm giảm tình trạng định giá quá thấp hay quá cao khi phát hành lần đầu theo hình thức đấu giá. Đây là phương thức IPO khá phổ biến ở Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác.

Tuy nhiên, hiện nay các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư đều đang chờ quy định và hướng dẫn cụ thể từ phía SECC và CSX.

Nhà đầu tư Việt Nam có nên kỳ vọng vào đợt IPO này?

Hiện nay, có khá nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều quỹ đầu tư và nhóm nhà đầu tư lớn tại Việt Nam đã “đánh tiếng” sẵn sàng tham gia đấu giá, đầu tư khi thị trường chứng khoán Campuchia mở cửa.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn đầu khi thị trường chứng khoán còn nhỏ, chúng tôi sẽ rất thận trọng khi thu hút các nhà đầu tư tại Việt Nam vì xét một cách khách quan, nguồn cung thị trường hiện nay còn chưa đáp ứng đủ nguồn cầu hiện có tại Campuchia.

Bên cạnh đó, CVS đang đang chờ một số quy định chính thức mang tính cốt lõi của thị trường mới có thể đưa ra chính sách khách hàng cũng như một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Việt Nam.

Nhà đầu tư Việt Nam sẽ có những quyền lợi gì khi mở tài khoản tại CVS?

Với việc có cổ đông là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) – một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Campuchia và cũng là một trong ba ngân hàng chỉ định thanh toán tại Campuchia, CVS có nhiều lợi thế trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư mở tài khoản, giao dịch… cũng như thực hiện các dịch vụ tài chính khác có liên quan.

CVS cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch, chuyển tiền cũng như đầu tư chéo giữa thị trường Campuchia và Việt Nam theo quy định của hai quốc gia để thực hiện các giao dịch sắp sửa diễn ra. Tuy nhiên, do chưa quy định chính thức tại Campuchia về các vấn đề này nên trong trường hợp cần cập nhật thông tin hoặc hướng dẫn cụ thể hơn, nhà đầu tư nước ngoài có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được đáp ứng các yêu cầu.

Ông có thể chia sẻ những hoạt động của CVS trong giai đoạn chờ thị trường chứng khoán đi vào hoạt động?

Định hướng kinh doanh của CVS là hướng đến các nhà đầu tư tại Campuchia và các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam – nơi các nhà đầu tư đều đã có kinh nghiệm đầu tư dày dặn.

Ngày 24/04 vừa qua, CVS đã chính thức khai trương hoạt động dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hunsen cũng toàn thể lãnh đạo cấp cao và các doanh nghiệp đầu ngành của hai quốc gia. Chúng tôi là trong 7 công ty được lựa chọn làm nhà bảo lãnh phát hành trên tại Campuchia. Trong giai đoạn đầu của thị trường, mức độ cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán rất gay gắt và quyết liệt khi miếng bánh còn nhỏ mà rất nhiều kẻ “háu ăn”.

Từ nay cho đến khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động, chúng tôi chủ yếu tập trung cho việc chuẩn bị để đón đầu thị trường trong đó một số hoạt động chính những tháng cuối năm bao gồm việc tuyển dụng và đào tạo được đội ngũ nhân sự bản địa có chất lượng cao tại Campuchia; xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường trong giai đoạn đầu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư; tiếp cận và chăm sóc “nguồn hàng” tiềm năng cho thị trường; xúc tiến và tổ chức các hội thảo đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng, hoàn thiện hệ thống công nghệ hỗ trợ các nhà đầu tư…

Hiện tại chúng tôi cho rằng, việc thị trường chứng khoán có được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước quan tâm hay không thì phụ thuộc khá nhiều vào sự hiểu biết về chứng khoán của lãnh đạo các doanh nghiệp cũng như người dân Campuchia. Ngay sau khi CVS khai trương hoạt động, BIDV đã tài trợ 200,000 USD cho Ủy ban Chứng khoán Campuchia (SECC) để đào tạo, phổ cập kiến thức về thị trường và đầu tư chứng khoán cho các đối tượng liên quan.

Xin cám ơn ông!

Viết Vinh thực hiện