Cơn khát vàng của những 'tay chơi' cỡ bự

Cơn khát vàng của những 'tay chơi' cỡ bự

Sự lo sợ của giới đầu tư về suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu không phải là nguyên nhân duy nhất tạo ra “cơn điên” của giá vàng trên thị trường thế giới những ngày qua.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, đến đầu tháng 8, tổng lượng vàng mà các ngân hàng trung ương trên thế giới mua ròng kể từ đầu năm đạt 203,5 tấn, tăng 168% so với con số 76 tấn của cả năm 2010.

Con số này lớn nhưng không đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những phi vụ đình đám được công bố trước đó: Mexico mua 98,8 tấn, Nga mua 48 tấn, Thái Lan mua 26,3 tấn… Ngay cả một ngân hàng trung ương đã hơn chục năm nay không mua vàng như Hàn Quốc, cũng gây xôn xao thị trường tài chính với quyết định mua 25 tấn vào ngày 2/8. Theo số liệu của Commerzbank (Đức), chỉ trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua khoảng 15% lượng vàng được khai thác trên toàn thế giới trong cùng kỳ.

“Các ngân hàng trung ương mua vàng với khối lượng lớn còn có tác động mạnh hơn cả giới đầu cơ trong việc tạo ra cơn khát vàng trên phạm vi toàn cầu”, Ross Norman, CEO của Sharps Pixley - công ty kinh doanh vàng hàng đầu tại London nhận định. Nhận xét của vị CEO này tỏ ra khá hợp lý nếu nhìn vào diễn biến của giá vàng trong vòng một năm qua, khi việc mua vào của các ngân hàng trung ương được đẩy mạnh.

Trong vòng 48 giờ qua, giá vàng đã có lúc tiến sát 1.780 USD một ounce. Nhưng nếu trở lại thời điểm đầu tháng 7, khi các yếu tố bất ổn mới manh nha hình thành, giá một ounce vàng mới ở mức 1.550 USD. Còn nếu lấy mốc xa hơn vào tháng 8 năm ngoái, giá vàng thậm chí chỉ ở mức 1.200 USD một ounce.

Như vậy, chỉ trong vòng một năm, giá vàng đã tăng hơn 48,3%. Nếu chỉ có nỗi lo sợ về đà phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng nợ công (vốn không phải là vô phương cứu chữa), có lẽ giá vàng đã không có cú vượt đèo “ngoạn mục” đến vậy.

Giá vàng đã tăng gần 50% trong vòng một năm qua. Nguồn: Goldprice.org

Trên thực tế, trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương tại châu Âu vẫn thường bán ra một vài trăm tấn vàng mỗi năm với mục tiêu điều hòa thị trường. Tuy nhiên, lượng bán này gần đây thường xuyên bị “vét hết” bởi nhu cầu tại của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt tại châu Á.

Việc các ngân hàng trung ương trong năm nay chủ yếu do nhu cầu tái cơ cấu danh mục đầu tư và quản lý rủi ro. Theo phân tích của bà Natalie Dempster, Giám đốc phụ trách khu vực Chính phủ của Hội đồng Vàng thế giới, hầu hết các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đều có lượng dự trữ ngoại hối tăng trong năm nay. Do đó, họ cần tăng tương ứng dự trữ một loại tài sản an toàn khác để tạo sự cân bằng trong danh mục đầu tư. “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, vàng rõ ràng là công cụ quản lý rủi ro đầu tiên được nghĩ đến”, bà Dempster nhận định.

So với các tài sản đảm bảo khác như trái phiếu hay các đồng tiền được coi là an toàn (yen Nhật, franc Thụy Sĩ, real Brazil…), vàng cũng đang nhận được nhiều ưu ái hơn bởi cuộc khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu đang khiến giới đầu tư mất dần lòng tin vào khả năng quản lý nợ của các chính phủ. “Sự lo ngại đối với vấn đề nợ công đang lên cao. Do vậy, người ta vẫn tiếp tục mua vàng cho dù nó có ở giá… trên trời”, Jeff Clark - chuyên gia của Casey Research giải thích.

Giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong vòng 48 giờ qua. Nguồn: Kitco

Một khảo sát của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) tiến hành với 80 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cho thấy đa số khẳng định sẽ tiếp tục làm đầy kho dự trữ vàng của mình trong vòng một thập kỷ tới. Và việc họ sẽ mua vào lúc nào, với số lượng bao nhiêu, chủ yếu phụ thuộc vào vấn đề công nợ của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ.

Quyết định nâng giới hạn vay nợ được Tổng thống Mỹ Obama ký duyệt cách đây một tuần có thể tránh cho nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát cảnh vỡ nợ về mặt “kỹ thuật” nhưng không khiến tình trạng tài chính của nước này khá khẩm hơn. Việc Mỹ lần đầu tiên tụt hạng tín nhiệm trong lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm tin đang suy sụp của giới đầu tư vào khả năng quản lý nợ của Chính phủ nước này.

“Tôi sẽ thấy rất ngạc nhiên nếu ngân hàng trung ương các nước muốn trở thành chủ nợ lớn hơn của Mỹ. Ngay cả khi điều này diễn ra thì họ cũng vẫn phải tìm kiếm những tài sản đảm bảo khác để quản trị rủi ro, mà vàng là một trong số ít những công cụ như thế”, Ross Norman, CEO của Sharps Pixley nhận định.

Nhật Minh

Vnexpress