Hệ thống ngân hàng Việt Nam: Vừa thừa, vừa thiếu 

Hệ thống ngân hàng Việt Nam: Vừa thừa, vừa thiếu 

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ có khoảng 20 ngân hàng. Thái Lan, nền kinh tế lân cận, lớn hơn Việt Nam cũng có không quá 20 ngân hàng. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 80 ngân hàng. Liệu Việt Nam có nhiều ngân hàng quá?

“Một nền kinh tế bé như Việt Nam mà có tới gần 80 ngân hàng là quá nhiều”, PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) nhận định, so về quy mô với các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng Việt Nam còn rất nhỏ bé. Đặc biệt, điểm ngân hàng cũng như dịch vụ ngân hàng tính trên đầu người của người Việt Nam rất thấp. Ở các nước tiên tiến, cứ khoảng 1.000 người là có một điểm ngân hàng phục vụ, có thể là chi nhánh ngân hàng, một phòng giao dịch ngân hàng hay là một ngân hàng điện tử… Nhưng ở Việt Nam, mật độ trên còn xa mới đạt được và số người sử dụng các loại dịch vụ ngân hàng cũng còn rất hạn chế, chủ yếu ở thành phố, còn ở nông thôn, người dân hầu như không biết đến các dịch vụ ngân hàng.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - CTG) cho biết, số lượng hơn 40 ngân hàng trong nước, 30 ngân hàng 100% nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khoảng 10 công ty cho thuê tài chính cùng thực hiện các hoạt động của một tổ chức tín dụng là nhiều. Nếu tình hình tài chính, kinh doanh của các ngân hàng này tốt thì có cơ sở để phát triển thị trường nhưng trên thực tế, số lượng ngân hàng yếu kém còn cao, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, dịch vụ hạn chế, chủ yếu huy động và cho vay phục vụ mục tiêu "gia đình".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng có nhiều năm làm việc ở nước ngoài nhận định, thị trường ngân hàng Việt Nam hiện nay đã quá bão hòa. Phần dư ra là các ngân hàng nhỏ và có thể là một phần chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ông Hiếu lý giải, ngân hàng nhỏ, vốn nhỏ, thị phần nhỏ, sản phẩm không đa dạng, quản lý rủi ro thấp, quản trị công ty không theo thông lệ quốc tế, dẫn đến việc phát triển rất khó khăn. Bên cạnh đó, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phần lớn được mở tại Việt Nam là để đi theo phục vụ đối tượng khách hàng có quan hệ từ lâu ở hội sở chính.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng đồng quan điểm, Việt Nam thừa về số lượng các ngân hàng nhưng thiếu về dịch vụ ngân hàng.

Lời giải cho vấn đề trên, theo các chuyên gia, phải cấu trúc lại hệ thống ngân hàng. Bước đi cụ thể, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, là tiến hành sáp nhập các ngân hàng trong nước với sự khuyến khích, chủ trì và giám sát của NHNN thông qua một khung pháp lý, chính sách và đường lối phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì tạo điều kiện để họ phục vụ tốt đối tượng của mình, nhưng cần có những điều khoản để không tạo nên sự cạnh tranh quá bất lợi, cản trở sự phát triển của các ngân hàng trong nước.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới NHNN sẽ sắp xếp, củng cố các ngân hàng. Các ngân hàng quy mô nhỏ vẫn có thể tồn tại, nhưng phải hoạt động phù hợp với quy mô nhỏ. Ở nhiều nước khác, có những ngân hàng rất lớn để "bắt chuột lớn", nhưng cũng có một mạng lưới các ngân hàng rất nhỏ hoạt động theo nguyên tắc "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ". "Điều quan trọng nhất của một tổ chức tín dụng là 'cơ thể' phải lành mạnh, mà điều này không phụ thuộc quá nhiều vào kích cỡ", Thống đốc nói.

Hệ thống ngân hàng cần phát triển thêm nhiều dịch vụ hơn, trong đó, mỗi ngân hàng phải có chất lượng hoạt động tốt. "Theo quy luật, nếu các tổ chức tín dụng muốn có cơ sở vốn lớn để phát triển mạnh hơn, nhiều dịch vụ hơn thì thường phải sáp nhập, hợp nhất lại. Nhưng đó là việc tự nguyện của mỗi ngân hàng. Tất nhiên, NHNN bằng các công cụ khuyến khích của mình sẽ hướng các ngân hàng tới việc sáp nhập chứ NHNN không làm thay cũng như không bắt buộc ngân hàng này phải sáp nhập với ngân hàng kia", Thống đốc nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

đầu tư chứng khoán