Lạm dụng “bình ổn”

Lạm dụng “bình ổn”

Chỉ một ngày sau khi thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố các giải pháp can thiệp thị trường vàng đã có một số doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội và TPHCM lần đầu tiên thực hiện bình ổn giá vàng với giá bán ra thấp hơn 100.000 – 200.000 đồng/lượng.

Không chỉ người dân mà giới kinh doanh vàng cũng xếp hàng mua vàng, số lượng vàng bình ổn bán ra gấp cả chục lần so với ngày thường. Các DN này cho biết việc bán vàng giá thấp là một trong những điều kiện để được cấp quota nhập khẩu vàng đợt 2 của NH Nhà nước.

Khái niệm bình ổn giá đã khá quen thuộc với thị trường trong thời buổi kinh tế nhiều biến động. Chương trình bán hàng bình ổn giá thấp hơn giá thị trường 10%, chủ yếu là gạo, thịt, cá… đã được thực hiện từ vài năm nay.

Còn đối với vàng – mặt hàng Việt Nam nhập khẩu hơn 95%, lại là kênh đầu tư quan trọng và công cụ đầu cơ thì bình ổn thế nào?

Thống đốc NH Nhà nước khẳng định cơn sốt vàng chưa ảnh hưởng nhiều tới người dân, vì trong đám đông xếp hàng trước các cửa hàng vàng mấy ngày qua rất ít người mua bằng tiền túi, chủ yếu là “quân đen”, “quân đỏ” của những người đầu cơ, làm giá. Thống đốc cũng nói giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 400.000 đồng/lượng là đã bị đầu cơ và khuyên người dân cần bình tĩnh trong mua bán vàng lúc này, tránh thiệt hại. Nhưng thống đốc lại không nói rõ cá nhân, DN nào đầu cơ, gây thiệt hại thế nào và xử lý ra sao, cơ quan nào xử lý. Giá vàng trong nước gần đây vẫn có những ngày điên loạn, thị trường liên tục có những cơn sốt với kịch bản không mới là giá thế giới vừa nhích lên, giá trong nước đã tăng vọt, DN xin cấp quota, NH Nhà nước chấp thuận rồi vàng giảm giá. “Quân xanh”, “quân đỏ” xếp hàng ngoài các cửa hàng vàng mà thống đốc đề cập là cá nhân hay tập thể mà có thể gây lũng đoạn thị trường vàng như những ngày qua, chỉ với cái cớ giá vàng thế giới đang tăng?

Nay, thị trường lại xuất hiện một thông tin mơ hồ nữa là có “vàng bình ổn”. Bình luận về việc này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: Gạo, thịt, rau Việt Nam sản xuất được, dự đoán được giá thì có thể bán hàng bình ổn. Còn giá vàng không ai dự đoán được, lại phụ thuộc vào nhập khẩu thì nói bán vàng bình ổn giá là lạm dụng “bình ổn”.

Và thực tế, nếu ngày 23-8, người dân mua vàng bình ổn với giá gần 49 triệu đồng/lượng thì chỉ sau một đêm hiện đã “bốc hơi” gần cả triệu đồng/lượng do giá vàng tuột dốc ngay khi mở cửa giao dịch ngày mới. Mua hàng bình ổn mà thiệt như thế thì bình ổn sao nổi?

Tô Hà

NGƯỜI LAO ĐỘNG