Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Đào thải bớt ngân hàng yếu

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Đào thải bớt ngân hàng yếu

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi chưa có đánh giá toàn diện.

Tái cơ cấu vướng… “đại gia”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, với quy mô nền kinh tế Việt Nam, 80 tổ chức tín dụng như hiện nay là thừa. Đồng tình với ý kiến này, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần đào thải bớt ngân hàng yếu.

Tuy nhiên, việc loại bớt ngân hàng yếu kém không hề đơn giản, nhất là khi sau lưng nhiều ngân hàng là những “đại gia”, những tập đoàn kinh tế lớn. Điều đáng lo nhất là hiện tượng một số đại gia là doanh nghiệp sở hữu cổ phần lớn ở các ngân hàng thương mại, dùng ảnh hưởng của mình để buộc ngân hàng cấp vốn cho các dự án bất động sản của doanh nghiệp. Sự thao túng này đang khiến tỷ lệ nợ xấu và mức độ rủi ro của các ngân hàng tăng lên.

Được biết, một số vụ việc liên quan đến thao túng ngân hàng của các đại gia đang được cơ quan an ninh điều tra. Nếu không xử lý nghiêm hành vi thao túng đó, quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ bị cản trở bởi những lợi ích riêng, lợi ích nhóm.

Không thể ép mọi ngân hàng lớn nhanh như Phù Đổng

Trên thực tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng không phải là vấn đề mới, mà đã được NHNN đặt ra từ rất lâu, song khâu triển khai lại rất chậm. Vì vậy, để tái cơ cấu thành công, cần tìm hiểu chính xác thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân yếu kém và có biện pháp khắc phục triệt để. Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, để tái cấu trúc, việc đầu tiên là phải rà soát tổng thể hệ thống ngân hàng.

“Trước khi thực hiện tái cấu trúc, NHNN phải đánh giá được thực trạng của hệ thống ngân hàng hiện nay, phân tích những yếu kém cụ thể là gì, xuất phát từ đâu, giải pháp khắc phục cụ thể với từng ngân hàng ra sao”, ông Kiêm nói.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Vũ Viết Ngoạn, cũng cho rằng, cần nhanh chóng tái cấu trúc. Có rất nhiều giải pháp để tái cấu trúc, như nâng vốn pháp định, ban hành bộ tiêu chí đảm bảm an toàn buộc các ngân hàng áp dụng… Song trước hết, cần rà soát, phân loại ngân hàng thành từng nhóm để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể với từng ngân hàng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, nhưng phải có lộ trình thực hiện. Hầu hết các ngân hàng ở nước ta đều non trẻ, nên không thể bắt buộc các ngân hàng này lớn nhanh như Phù Đổng.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, muốn để các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là mua bán, sáp nhập, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để các ngân hàng vận động.

Ông Kiên cũng không tán thành quan điểm giảm bớt số lượng ngân hàng. “Nếu các ngân hàng có phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì cứ để phát triển, việc gì phải ép họ thành ngân hàng lớn”, ông Kiên nói và nêu dẫn chứng các quỹ tín dụng nhân dân ở các xã, khóm ấp ở Bình Dương, Đồng Nai đang hoạt động rất tốt, dù cho nông dân vay chỉ 5 - 7 triệu đồng.

“Vấn đề quan trọng trước hết là phải đánh giá được hệ thống ngân hàng hiện nay hoạt động thế nào, đóng góp cho nền kinh tế ra sao, chứ đừng vội nhìn thấy số lượng lớn ngân hàng nhỏ mà thu hẹp. Vấn đề ở đây là tính hiệu quả”, ông Kiên nhấn mạnh.

Hà Tâm

đầu tư