Tái cơ cấu ngân hàng bắt đầu từ nhà băng nhỏ

Tái cơ cấu ngân hàng bắt đầu từ nhà băng nhỏ

ông Cao Sỹ Kiêm

Ông CAO SỸ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ ngân hàng nhỏ, có mức độ rủi ro cao.

Thưa ông, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đặt ra nhiều lần và hiện đã trở thành vấn đề rất bức thiết. Việc này nên được xem xét từ đâu?

Củng cố hệ thống ngân hàng phải làm đồng bộ, bài bản, có hệ thống. Nhưng trước hết, muốn tái cơ cấu, phải có đánh giá cụ thể để làm rõ một số vấn đề, như những điểm yếu, rủi ro của hệ thống ngân hàng đang nằm ở đâu? Việc đảm bảo an toàn cho hệ thống như thế nào? Nền tảng giúp hệ thống ngân hàng ổn định và phát triển bền vững gồm những gì?

Thực trạng hoạt động của các ngân hàng đã cho thấy những vấn đề ông vừa nêu?

Đúng như vậy. Những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng trình độ quản lý, chất lượng nhân lực và công nghệ chưa theo kịp. Một bộ phận ngân hàng có quy mô quá nhỏ, rủi ro cao; hầu hết các ngân hàng chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, trong khi các sản phẩm, dịch vụ khác còn nghèo nàn, kém phát triển. Do vậy, cần phải có đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng, khoa học, với những thông số cụ thể gắn với thực tế đó.

Cụ thể, phải bắt đầu như thế nào với các ngân hàng trong hệ thống, thưa ông?

Theo tôi, trước hết phải bắt đầu từ các ngân hàng nhỏ, mới hình thành và phát triển, trình độ chuyên môn chưa cao, rủi ro nhiều. Trong đó, đặc biệt chú ý các ngân hàng có rủi ro lớn về thanh khoản, rủi ro về đạo đức và rủi ro từ tín dụng bất động sản cũng như cho vay trên thị trường chứng khoán. Hướng tái cơ cấu là phải nâng cao thực lực nguồn vốn của ngân hàng, củng cố công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nhân lực của ngân hàng.

Vậy vai trò của hoạt động giám sát nằm ở đâu trong quá trình tái cơ cấu?

Tái cơ cấu tất yếu phải có cơ chế giám sát hiệu quả. Cơ chế giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống, hạn chế đối đa các rủi ro như vừa đề cập. Cơ chế giám sát phải phát huy tác dụng như là cái neo an toàn cho các ngân hàng trong hệ thống.

Giả sử, sau những bước đó mà vẫn còn những ngân hàng hoạt động không hiệu quả thì sao, thưa ông?

Nếu làm tất cả các biện pháp đó mà ngân hàng vẫn yếu, vẫn hoạt động kém, thì phải mạnh dạn sáp nhập, xử lý để thanh lọc hệ thống. Phải chủ động, vì nếu để ngân hàng đổ vỡ sẽ gây những tác động rất xấu tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế

Huy Hào

Đầu tư