Tái cơ cấu ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế

Tái cơ cấu ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế

Tái cơ cấu kinh tế bao gồm nhiều nội dung, trong đó có tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, bởi ngân hàng thương mại là một trong những kênh quan trọng huy động vốn để cung cấp cho nền kinh tế.

Tái cơ cấu là điều cần thiết từ chính các bất cập của các Ngân hàng thương mại

Sự cần thiết của tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) trước hết bắt nguồn từ sự cần thiết của tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Trong buổi tham vấn các chuyên gia nước ngoài ngày 6/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề chỉ đạo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu các NHTM đã được Thủ tướng đề cập, bởi NHTM là trung gian tiền tệ của nền kinh tế, là một trong những kênh huy động vốn quan trọng để cung cấp cho nền kinh tế.

Cũng cần phải nói ngay rằng, trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới (2008- 2009), hệ thống NHTM Việt Nam đã không có ngân hàng nào bị đổ vỡ, trái lại còn góp phần vào việc ổn định ở trong nước, ứng phó với bất ổn ở bên ngoài.

Tuy nhiên, sự cần thiết của tái cơ cấu các NHTM bắt nguồn từ hiện trạng của các ngân hàng này.

Tại buổi tham vấn nói trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, “sức khỏe” của các ngân hàng là một trong những những vấn đề mà Việt Nam cần phải xem xét để có các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Các chuyên gia trong nước cũng cho rằng hệ thống NHTM Việt Nam hiện có 4 rủi ro.

Rủi ro thứ nhất là thanh khoản, mà biểu hiện rõ nhất là cuộc đua lãi suất huy động vượt trần quy định 14%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước dưới nhiều hình thức mà mãi gần đây, trước động thái kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước mới dừng lại được. Rủi ro thanh khoản là rủi ro lớn nhất của một NHTM, nó lớn hơn cả chuyện lỗ lãi, chuyện nợ. Nó không chỉ liên quan đối với sự an toàn của bản thân NHTM đó, mà còn liên quan đến sự an toàn của toàn hệ thống.

Rủi ro thứ hai là sai lệch về cơ cấu thời hạn (đường cong lãi suất đã biến thành đường thẳng, với lãi suất gần như bằng nhau ở các kỳ hạn) làm cho việc huy động vốn chủ yếu ở thời hạn ngắn, trong khi nhu cầu vay lại cần có thời hạn dài hơn.

Rủi ro thứ ba là sai lệch cơ cấu đồng tiền. Do lãi suất bằng ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất bằng nội tệ nên tốc độ tăng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng bằng nội tệ.

Rủi ro thứ tư là nợ xấu.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến một thực tế là với quy mô GDP chưa lớn, nhưng số lượng tổ chức tín dụng hiện ở mức khá nhiều. Tình trạng cạnh tranh huy động vốn giữa NHTM, chứng khoán và bảo hiểm bị ảnh hưởng, kiềm chế lẫn nhau, đẩy mặt bằng lãi suất cao hơn nhiều so với thế giới.

Hướng đề xuất tái cơ cấu NHTM

Trước những vấn đề trên, yêu cầu đặt ra trong việc tái cơ cấu các NHTM có nhiều, nhưng xin đề xuất cơ quan chức năng tập trung vào 4 vấn đề sau đây.

Thứ nhất, giảm số lượng ngân hàng và tổ chức tín dụng hiện nay. Với quy mô của nền kinh tế nước ta (trên dưới 100 tỷ USD) như hiện nay thì con số gần 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng là khá nhiều. Muốn vậy, trước hết cần hết sức cân nhắc trong việc cấp phép thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng mới.

Thứ hai, rà soát lại để giảm số ngân hàng, tổ chức tín dụng thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Rà soát lại để thực hiện nghiêm Điều 55 (tỷ lệ sở hữu cổ phần) của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trên cơ sở đó đánh giá, xử lý các trường hợp mà những cá nhân, doanh nghiệp lớn nắm cổ phần chi phối trong một hoặc nhiều ngân hàng nhiều hơn mức được Luật cho phép.

Thứ ba, nghiên cứu hoàn chỉnh tiêu chí về vốn, tính thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn,… Trên cơ sở đó Ngân hàng Nhà nước tiến hành rà soát và phân loại, xếp hạng các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, có thể công bố công khai như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hàng năm đã làm: công bố hàng năm về xếp hàng các địa phương (từ cao nhất đến thấp nhất); hoặc đưa vào diện cảnh báo như các Sở Giao dịch chứng khoán đã làm.

Thứ tư, trong nhiều giải pháp tái cơ cấu, thì việc mua bán, sáp nhập các ngân hàng, các tổ chức tín dụng là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Chẳng hạn mới đây, Ngân hàng Liên Việt và Tiết kiệm Bưu điện đã sáp nhập thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Đây là vấn đề cần được tham khảo và chỉ dẫn cho các NHTM và tổ chức tín dụng khác.

Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010:

Tỷ lệ sở hữu cổ phần

1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu cổ phần theo quy định tại khoản 3 Điều 149 của Luật này để xử lý tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng;

b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

4. Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.

5. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

Ngọc Đức

Chính phủ