Vàng trong nước và thế giới: Không liên thông, khó hợp lý

Vàng trong nước và thế giới: Không liên thông, khó hợp lý

Theo tính toán của các công ty kinh doanh vàng lớn, giá vàng trong nước ở mức hợp lý khi cao hơn giá thế giới khoảng 350.000 – 400.000 đồng/lượng (đã bao gồm các khoản thuế, phí, chi phí gia công và tiền lãi cho đơn vị kinh doanh). Thế nhưng, trong gần hai tháng qua, giá vàng trong nước luôn cao giá hơn thế giới từ 400.000 đến trên 2 triệu đồng một lượng, tức luôn ở mức... không hợp lý.

Trong một tuần trở lại đây, dù quy đổi theo giá ngân hàng niêm yết là 20.834 đồng/USD hoặc theo giá đôla Mỹ trên thị trường tự do là 21.000 đồng/USD, giá vàng trong nước cũng liên tục cao hơn thế giới từ 1 – 2,2 triệu đồng/lượng.

Theo giới kinh doanh, giá vàng trong nước hiện nay phụ thuộc vào ba yếu tố chính là giá vàng thế giới, tỷ giá và cung – cầu của thị trường. Trong thời gian qua, với tỷ giá tương đối ổn định, rõ ràng giá vàng trong nước không biến thiên theo giá vàng thế giới là do chênh lệch cung – cầu. Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ nói: “Các công ty kinh doanh vàng, như PNJ, không thể đưa ra giá bán “hợp lý” khi nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu của khách mua. Công ty phải đi mua lại từ các đầu mối kinh doanh sỉ với giá cao”.

Thực tế là từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày các công ty kinh doanh vàng đều bán ra gấp 2 – 5 lần lượng vàng mua vào. Như ngày 16.9, SJC bán ra đến 11.000 lượng và mua vào chỉ có 3.000 lượng. Trong ngày 20.9, PNJ bán ra khoảng 5.000 lượng và mua vào chưa đến 1.000 lượng, SJC bán ra 10.000 lượng và mua vào chỉ 5.000 lượng.

Xu hướng bán ròng đã khiến các đơn vị kinh doanh sỉ lẫn lẻ tìm cách đẩy giá lên. Theo quy tắc thị trường, nhà kinh doanh vàng sẽ đẩy giá lên đến mức mà sức mua chựng lại, thì giá sẽ đứng hoặc giảm. Chính vì vậy, khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước vào đầu ngày có xu hướng giảm theo. Sau đó nhu cầu mua vàng từ người dân tăng lên, lập tức các nhà kinh doanh lại đẩy giá vàng tăng, như diễn biến giá các ngày 11 và 20.9 đã cho thấy khá rõ.

Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh vàng SJC cũng cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khó có thể thu hẹp khi nguồn cung vẫn thấp hơn nhu cầu mua. Và như vậy, giá rất khó về mức... “hợp lý”.

Tính từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước đã cho các doanh nghiệp lớn được phép nhập khẩu vàng khoảng 3 – 4 lần (tuỳ đơn vị). Nhưng lượng vàng nhập vào vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng bán ra. Như PNJ, ngày 19.9 được phép nhập khoảng 300kg, SJC được nhập khoảng 700kg thì khối lượng này chỉ đủ bán ra trong một đến hai ngày.

Một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TP.HCM nói: “Theo quy định hiện nay, ngân hàng Nhà nước không cấm nhập, bất cứ lúc nào doanh nghiệp cần thì cứ nộp đơn. Nhưng vấn đề ở chỗ phải được cấp quota mới được phép nhập. Và hầu hết những lần cho phép, Nhà nước chỉ cấp quota bằng 20 – 30% số lượng doanh nghiệp xin”.

Thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông tốt, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, mà chênh lệch giá có thể dẫn đến tình trạng buôn lậu, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Bích Thuỷ

sài gòn tiếp thị