VCG có tăng vốn thành công?

VCG có tăng vốn thành công?

Từ nay đến hết năm 2012, VCG cần hơn 2.700 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản

Trước các ý kiến của cổ đông đề nghị tạm giãn kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) chia sẻ: "Tăng vốn trong thời điểm này là biện pháp cực chẳng đã, nếu chúng tôi tiếp cận được vốn vay với chi phí có thể chấp nhận được thì đã không phiền đến cổ đông".

Tại ĐHCĐ của VCG tổ chức cuối tuần qua, ông Tuân cho biết, chủ trương siết tín dụng với bất động sản khiến các DN bất động sản không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Dự án đang triển khai muốn tiếp cận được vốn vay cũng phải có vốn "mồi" (vốn đối ứng). Doanh nghiệp đã cân nhắc rất kỹ khi quyết định huy động nội lực của cổ đông. Hiện tình hình rất khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo tính toán của Bộ phận Tài chính VCG, dòng tiền của Tổng công ty sau khi cân đối (bao gồm cả việc giải ngân vốn vay đối với các dự án triển khai mới) từ nay đến năm 2012 thiếu hụt khoảng 2.856 tỷ đồng. Cụ thể, trong nửa cuối năm 2011 và năm 2012, tổng nhu cầu vốn giải ngân cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản của VCG là 2.703,86 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Khu đô thị N05 trong 6 tháng cuối năm cần 635 tỷ đồng, năm 2012 cần 105 tỷ đồng; Dự án Trụ sở làm việc VCG 34 Láng Hạ 6 tháng cuối năm cần 19,3 tỷ đồng; Dự án Bảo tàng Hà Nội 6 tháng cuối năm cần 511 tỷ đồng; Dự án Nhà ở thu nhập thấp Khu đô thị Bắc An Khánh năm 2012 cần 537,65 tỷ đồng. Tương tự, Dự án Khu đô thị Nam cầu Trần Thị Lý - Đà Nẵng cần 192 tỷ đồng, Khu liên cơ thành phố và dự án đối ứng cần 200 tỷ đồng, Dự án cầu Thủ Thiêm và Dự án bất động sản đối ứng cầu Thủ Thiêm cần 356 tỷ đồng.

Trong kế hoạch tái cơ cấu hoạt động, VCG sẽ thu hẹp các đơn vị thành viên từ hơn 100 xuống 22 và duy trì tỷ lệ sở hữu chi phối. Để làm được điều đó, VCG cần 489 tỷ đồng để góp vốn vào các đơn vị thành viên trong nửa cuối năm 2011, năm 2012 khoản mục này cần 1.102 tỷ đồng. Ngoài ra, nhu cầu bổ sung vốn lưu động của VCG trong giai đoạn 2011 - 2012 là 300 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp, lợi ích từ việc có dòng tiền chi phí thấp có thể nhìn thấy rõ. Trong đợt phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng năm 2010, VCG đã không phải vay vốn lưu động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngoài ra đã trả trước hạn một số khoản nợ vay ngắn hạn có lãi suất cao. Đợt tăng vốn điều lệ sắp tới nếu thành công sẽ giúp VCG đưa hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 2,73 lần hiện nay xuống mức 1,92 lần, hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn dự kiến tăng từ mức 0,83 lần lên mức 1,09 lần.

Điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là rủi ro pha loãng của đợt phát hành. Theo lãnh đạo VCG, EPS dự kiến năm 2011 trong trường hợp VCG không phát hành thêm cổ phiếu là 2.033 đồng; trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu là 1.925 đồng. Dự tính hiệu quả kinh doanh sau khi tăng vốn, VCG ước lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2011 là 672,74 tỷ đồng, năm 2012 là 711 tỷ đồng, năm 2013 là 844 tỷ đồng và năm 2014 là 1.016 tỷ đồng.

Liệu đợt tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 3:2 cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/CP của VCG có thành công?

Các nhà đầu tư tổ chức như Viettel, SCIC, BIDV… đã bày tỏ ý chí của mình bằng lá phiếu biểu quyết đồng ý cho phương án tăng vốn tại ĐHCĐ. Song với các nhà đầu tư cá nhân, có tham gia đợt tăng vốn hay không lại là câu hỏi khó. Nhìn vào tính toán trên, nhà đầu tư ngắn hạn có thể thất vọng bởi EPS dự phóng cho năm 2011 của VCG ở mức 2.000 đồng, phải 3 năm sau khi tăng vốn, doanh nghiệp mới trở lại mức EPS như hiện nay. Bên cạnh đó, do những biến động khó lường về tài chính, Tổng công ty cũng chưa đưa ra mức cam kết cổ tức dự kiến cho cổ đông. Năm 2010, việc VCG dự kiến chia cổ tức 12%/năm, sau đó đã xin ý kiến cổ đông chỉ chia 7% cũng đã để lại nỗi buồn cho không ít nhà đầu tư.

Theo cam kết của Ban lãnh đạo VCG, cổ phiếu phát hành thêm sẽ được giao dịch trong thời gian sớm nhất có thể. Thông điệp này được kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều cổ đông của VCG "lăn chốt".          

Anh Việt

đầu tư chứng khoán