Tái cấu trúc ngân hàng: Hành động nhanh, nhưng cẩn trọng!

Tái cấu trúc ngân hàng: Hành động nhanh, nhưng cẩn trọng!

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải theo hướng đáp ứng nguồn vốn phục vụ sự tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên sự hài hoà giữa sản xuất - đầu tư - tiêu dùng.

Một trong ba định hướng chính tái cấu trúc nền kinh tế năm 2012 theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 quan điểm tái cấu trúc.

Thứ nhất, phát triển hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình.

Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng phải theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp.

Quan điểm tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước cũng là vấn đề mấu chốt mà nhiều tổ chức, chuyên gia trong ngoài nước thảo luận, đề xuất thời gian gần đây. Quan điểm này công nhận sự tồn tại và hữu ích của nhiều loại hình ngân hàng, thay vì phê phán và tìm cách loại bỏ ngân hàng quy mô nhỏ. Ngoài ra, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước không hành chính hoá việc tái cấu trúc, mà thực hiện theo cơ chế thị trường với những bước đi thích hợp.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là, hành động và mối quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, giữa các ngân hàng thương mại với nhau và ngay chính sự tự cấu trúc lại của từng ngân hàng thương mại. Nếu việc tái cấu trúc nền kinh tế do Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra không chỉ từ nguyên nhân ngắn hạn về biến động tài chính tiền tệ do khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà chủ yếu do cấu trúc nền kinh tế nhiều năm phát triển nóng theo hướng thâm dụng vốn và tài nguyên, thì việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay cần phải theo hướng đáp ứng nguồn vốn phục vụ sự tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên sự hài hoà giữa sản xuất - đầu tư - tiêu dùng, chứ không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề thanh khoản và rủi ro.

Như vậy, xét về tổng thể, vai trò quan trọng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong tiến trình tái cấu trúc chính là xây dựng các luật lệ, quy định cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và chuẩn mực thế giới, đồng thời thực hiện việc giám sát chặt chẽ để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý ngân hàng thương mại vi phạm.

Đối với ngân hàng thương mại, một khi đã nhận định sự cần thiết phải đổi mới hoạt động theo hướng phục vụ nền kinh tế phát triển bền vững, đồng thời cũng nhận ra sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, thì các ngân hàng thương mại sẽ tự quyết liệt cấu trúc lại hoạt động ngân hàng mình theo hướng cạnh tranh. Điều này có nghĩa là, mỗi ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quy mô nhỏ, mới hoạt động thương hiệu chưa mạnh sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh khả thi hơn, dựa trên thực lực, phân khúc thị trường và một số sản phẩm có thế mạnh.

Tuy nhiên, để thực hiện các trình tự trên, cần phải có thời gian. Với các ngân hàng thương mại quy mô lớn, thương hiệu mạnh, sẽ không gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc, do có nguồn lực mạnh, quản trị rủi ro tốt. Song, đối với ngân hàng quy mô nhỏ, đã cho vay quá nhiều trong lĩnh vực bất động sản, sẽ gặp khó khăn lớn về thanh khoản, nếu không có nguồn lực hỗ trợ, có thể sẽ bị nguy hiểm. Mặc dù các ngân hàng này hoạt động theo dạng công ty cổ phần, nhưng không như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông thường, một khi có ngân hàng lâm vào tình trạng nguy hiểm, nó có thể tạo ra làn sóng mất niềm tin vào người dân và tạo sự nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng thương mại.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có một số giải pháp mang tính ngắn hạn, để hỗ trợ ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản. Một số định hướng hỗ trợ như cho vay hỗ trợ thanh khoản với lãi suất tái cấp vốn khoảng 16% trong thời gian 3 - 6 tháng, để các ngân hàng quy mô nhỏ có thời gian cấu trúc lại các khoản tín dụng bất động sản theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP; xem xét cho vay tái thế chấp các khoản vay lớn, có tính hiệu quả và an toàn với lãi suất hợp lý để các ngân hàng này có nguồn vốn bù đắp thanh khoản.

Song song với việc hỗ trợ vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng buộc các ngân hàng quy mô nhỏ đang gặp khó khăn phải quyết liệt cấu trúc lại theo hướng tăng vốn, thu gọn hoạt động và chuyên biệt hoá, sáp nhập... Nếu ngân hàng nào không cấu trúc thực chất, hoặc quá yếu sau một thời gian hỗ trợ vẫn không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển phần vốn vay thành vốn sở hữu để nắm quyền kiểm soát thực hiện các hoạt động cấu trúc mạnh mẽ hơn.

TS. Đinh Thế Hiển

đầu tư