Khuyến khích sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Khuyến khích sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đã đưa ra một loạt giải pháp tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian tới.

Tái cơ cấu ngân hàng là trong những nội dung được các nhà tài trợ quan tâm nhất tại Hội nghị Cuối kỳ 2011 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (CG) diễn ra vào ngày mai (6/12) tại Hà Nội. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam cần phải coi tái cơ cấu ngân hàng như lĩnh vực ưu tiên nhất. Đây cũng là tiền đề  để thúc đẩy nhanh chóng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. 

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Đề án Tái cơ cấu ngân hàng đang được NHNN xây dựng, song thực chất đã trong giai đoạn triển khai. Các ngân hàng sẽ tiến hành cổ phần hoá mạnh mẽ, trở thành các doanh nghiệp đại chúng, chứ không phải cổ phần rồi một nhóm nắm giữ, chi phối chéo lẫn nhau.

NHNN áp dụng nhiều giải pháp

Được biết, bên cạnh việc đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ gấp rút phân loại và tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng với 3 nội dung chính: cơ cấu lại, lành mạnh hóa về tài chính, về hoạt động và hệ thống quản trị.

NHNN tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng cơ cấu lại, sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ áp dụng một số biện pháp đặc biệt như mua cổ phần để tiến hành tái cơ cấu lại; đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng; yêu cầu sáp nhập, hợp nhất, mua lại; yêu cầu tổ chức tín dụng phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần; cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối phải chuyển nhượng cổ phần.

NHNN sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản như đẩy mạnh cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước, xử lý nợ xấu, thu hẹp phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh chính, loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh kém hiệu quả, giảm các chi nhánh hoạt động không có hiệu quả, áp dụng các phương thức quản trị, điều hành có hiệu quả; phát triển các hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến; đổi mới và nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ…

NHNN cũng sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng, nhất là về mặt văn bản pháp lý và công tác thanh tra, giám sát, minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán.

Khuyến khích ngân hàng “thôn tính” nhau

Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng thành 3 nhóm lớn. Trong đó, nhóm các ngân hàng, tổ chức tín dụng có tình hình tài chính lành mạnh dự kiến từ nay đến năm 2015, chiếm khoảng 80% thị phần hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhóm ngân hàng yếu kém chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần hoạt động của ngân hàng. “Phương châm tái cấu trúc mà NHNN đặt ra là dùng các tổ chức có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính tốt hơn để tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí”, ông Bình khẳng định. 

Bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Bá Minh (Học viện Ngân hàng) cho rằng, ngoài M&A, các ngân hàng còn một con đường khác để thôn tính lẫn nhau là qua thị trường chứng khoán. Hiện giới ngân hàng đang rộ tin, một số ngân hàng sắp bị thâu tóm và chuyển giao cho ngân hàng khác qua hình thức này.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực ngân hàng (Vietinbank) cho rằng, M&A là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở nâng cao năng lực quản trị. Bà Mùi cũng cảnh báo về hiện tượng một số ngân hàng lớn tăng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ vừa qua.

Được biết, lộ trình tái cấu trúc được NHNN đặt ra là, từ nay đến quý I/2012, sẽ định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giải quyết tốt những vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém. Từ quý II/2012 đến hết năm 2013, sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng yếu kém. Từ năm 2013 đến năm 2015, tập trung vào việc nâng cao các hiệu quả an toàn, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh để có từ 1 đến 2 ngân hàng đạt tiêu chuẩn khu vực.

Thùy Liên

ĐẦU TƯ