ORS bật mí về “cục tiền” hơn 1.000 tỷ đồng

ORS bật mí về “cục tiền” hơn 1.000 tỷ đồng

Theo lãnh đạo ORS, “cục tiền” hơn 1.000 tỷ đồng trong BCTC quý III của Công ty là số tiền đặt cọc mua trái phiếu của một khách hàng. Tuy nhiên, ORS từ chối tiết lộ danh tính khách hàng này.

CTCK Phương Đông (ORS) gần đây thu hút sự chú ý của công chúng bởi một loạt sự kiện "nóng": cựu thành viên HĐQT Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc lừa đảo; bà Triệu Thị Hương Giang khiếu nại rằng bà không biết mình được đề cử và bầu vào HĐQT Công ty, mọi hồ sơ và chữ ký liên quan đến việc ứng cử là giả mạo; báo cáo tài chính (BCTC) quý III bất ngờ xuất hiện hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi…

Trong ĐHCĐ bất thường của ORS ngày 30/11, nhiều vấn đề liên quan đã được giải đáp, nhưng kịch tính nhất là ở những phút cuối khi quyết định hủy niêm yết được thông qua.

Giải đáp các bất thường

"Chân dung" thành viên HĐQT Huỳnh Thị Huyền Như và nghi án vụ lừa đảo ngàn tỷ liên quan đã được giới truyền thông phân tích khá kỹ nên không tốn nhiều thời gian thảo luận tại Đại hội. Đề cập lại vấn đề này, Ban lãnh đạo ORS chỉ tái khẳng định, Công ty không có thiệt hại về tài chính trực tiếp trong nghi án lừa đảo ngàn tỷ.

Ngược lại, câu chuyện bà Triệu Thị Hương Giang bất ngờ trở thành thành viên HĐQT của ORS, sau đó lại xuất hiện để phủ nhận hoàn toàn lại nhận được nhiều chất vấn. Thậm chí, cổ đông mã số 0455 còn kêu gọi: "Bà Giang hay nhóm NĐT đã đề cử nếu có mặt tại Đại hội, xin hãy lộ diện để giải thích với các cổ đông"!

Giải đáp uẩn khúc này, Chủ tọa đoàn cho biết, quý III năm ngoái, ORS lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ. Khi đó, bà Giang đã gặp một số thành viên HĐQT (cũ) để đề nghị được mua cổ phần của đợt phát hành.

Trước phiên họp ĐHCĐ thường niên hồi đầu năm, Công ty nhận được thư của một nhóm cổ đông lớn đề cử bà Giang làm thành viên HĐQT. Do bà Giang tiếp xúc trước đó với một số thành viên HĐQT cũ của ORS nên Công ty tin tưởng, không thẩm tra lại thông tin trực tiếp với người được đề cử.

Dù hồ sơ xin ứng cử còn thiếu bản sao chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, nhưng vẫn được ORS chấp nhận do nhóm cổ đông đề cử xin bổ sung sau. Tại cuộc họp ĐHCĐ ngày 18/5, bà Giang không ra mắt các cổ đông như thông lệ vì theo nhóm NĐT đề cử, thời điểm đó, bà Giang đang bận công cán nước ngoài. Những cuộc họp HĐQT của ORS sau đó, bà Giang vắng mặt cũng với lý do tương tự.

Bà Trần Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT ORS cho biết thêm, bà Giang đang mở tài khoản tại một ngân hàng nơi bà Như từng công tác nên rất có thể, thông tin cá nhân đã bị thu thập theo nguồn này.

Hiện tại, liên quan đến sự việc trên, cơ quan điều tra cũng đang xác minh làm rõ thêm động cơ của nhóm cổ đông đề cử, có hay không các âm mưu lừa đảo phía sau. Bản thân HĐQT mới được bầu của ORS, khi nhận được thư khiếu nại, mới gặp trực tiếp bà Giang, còn các NĐT đề cử đã mau chóng bán sạch cổ phiếu và hiện không có mặt tại Đại hội.

BCTC quý III của ORS từng mang lại cho một số NĐT sự hào hứng với "cục tiền gửi" hơn 1.000 tỷ đồng bất ngờ xuất hiện. Về điều này, lãnh đạo ORS tiết lộ, thực chất là tiền đặt cọc mua trái phiếu của một khách hàng ORS.

Trên BCTC, điều này được thể hiện bằng khoản hơn 1.060 tỷ đồng nợ phải trả. Không tiết lộ danh tích khách hàng, nhưng lãnh đạo ORS cho biết, đó không phải là cổ đông lớn - Ngân hàng Phương Đông.

Bất ngờ hủy niêm yết

Các vấn đề có trong chương trình nghị sự dự kiến đều được trả lời thỏa đáng, nên Đại hội đồng thuận thông qua quyết định bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của bà Huỳnh Thị Huyền Như và hủy bỏ kết quả bầu cử và chức danh thành viên HĐQT với bà Triệu Thị Hương Giang. Thế nhưng, Đại hội đã bất ngờ thông qua quyết định hủy niêm yết tại HNX, xuất phát từ đề nghị của cổ đông có mã số 1733.

Ngay khi nội dung này vừa được đề nghị đem ra thảo luận, bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc ORS đã đứng lên phát biểu với tư cách một cổ đông. Theo bà Hạnh, Đại hội nên cân nhắc về quyết định này vì sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu ORS vẫn phải lưu ký tại Trung tâm Lưu ký với tư cách là cổ phiếu của công ty đại chúng, khi đó, việc chuyển nhượng cổ phiếu sẽ cực kỳ khó khăn. Nhiều cổ đông khác tỏ ra đồng tình với ý kiến này.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu huỷ niêm yết vẫn được thực hiện với kết quả là tới 83,04% cổ phần tham dự đồng ý.

Đón nhận "hung tin", phiên giao dịch hai phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu ORS đã giảm sàn, với dư bán sàn hàng triệu đơn vị.

Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán