Tái cơ cấu ngân hàng: Bình mới rượu phải mới!

Tái cơ cấu ngân hàng: Bình mới rượu phải mới!

Nợ xấu ngân hàng đang là câu chuyện rất nóng trong khi tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là sau tái cơ cấu, các ngân hàng sẽ áp dụng chuẩn kế toán nào để không rơi vào tình trạng bình mới, rượu cũ?

Chưa có nhiều ngân hàng áp dụng chuẩn kế toán mới

Nợ xấu thường được người ta gọi một cách nhẹ nhàng là nhạy cảm, tuy nhiên, trên thực tế, những nguy cơ có thể mang đến do tình trạng nợ xấu tăng cao là khó có thể lường được.

Điều nguy hiểm là từ xưa đến nay, việc công bố nợ xấu của mỗi ngân hàng đều do chính ngân hàng đó quyết định. Do ngân hàng nào cũng muốn làm đẹp chỉ tiêu này nên những con số ngân hàng đưa ra thường không chính xác. Rất nhiều ngân hàng chấp nhận cho khách hàng đáo hạn nhưng thực tế số tiền trả nợ đó được xoay xở, vay nóng; trong khi đó dự án của khách hàng đang rất khó khăn, khả năng trả nợ thấp. Tỷ lệ nợ xấu cao sẽ ảnh hưởng ngay tới tâm lý người gửi tiền, vì thế, làm đẹp nợ xấu đã trở thành “công cụ” để giúp ngân hàng hoạt động “hiệu quả”; nhưng đáng tiếc, sự hiệu quả đó rất nguy hiểm bởi thiếu hẳn đi một nền tảng vững chắc.

Từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính đã phổ biến chuẩn kế toán mới, theo những tiêu chí đánh giá tiên tiến hơn, phản ánh chính xác hơn thực trạng hoạt động của ngân hàng so với chuẩn cũ. Ngành ngân hàng cũng tổ chức tập huấn, yêu cầu toàn ngành áp dụng. Đáng tiếc rằng, việc này không được giám sát chặt chẽ, và cũng không có chế tài nào đối với những tổ chức tín dụng chưa áp dụng chuẩn kế toán mới, vì thế, toàn ngành mới chỉ có vài ba ngân hàng thực hiện.

Theo hệ thống kế toán cũ, những ngân hàng này vẫn có chỉ tiêu nợ xấu rất thấp nhưng thực chất là họ đang tích luỹ rủi ro, cố tính lờ đi thực trạng cơ thể èo uột của mình. Điều gì sẽ xảy ra khi những khoản nợ xấu vượt tầm kiểm soát của hàng loạt ngân hàng? Đó chắc chắn sẽ là những hậu quả khủng khiếp.

Chính vì thế, khi lạm phát tăng cao, khi kinh tế ngày càng hội nhập, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tay quản lý, thì thực trạng nợ xấu, thực trạng thanh khoản yếu mới chịu vỡ bung ra, khiến nhiều ngân hàng đành chấp nhận hợp nhất, sáp nhập…

Vấn đề mấu chốt giờ đây là, sau khi hợp nhất, sáp nhập, hay sau khi tái cơ cấu thì hệ thống ngân hàng sẽ áp dụng chuẩn kế toán nào? Theo chuẩn mới hay vẫn dùng chuẩn cũ? Người dân - đặc biệt là những người đang gửi những đồng tiền tiết kiệm của mình vào hệ thống ngân hàng đang rất trông chờ một sự thay đổi.

Nhà báo và công luận