Ngân hàng lo chuyện quản trị rủi ro

Ngân hàng lo chuyện quản trị rủi ro

Rủi ro hệ thống ngân hàng đang tăng lên nhanh chóng là lý do khiến không ít ngân hàng ngày càng chú trọng đến quản trị rủi ro hoạt động.

Quan sát ở nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay, một khách hàng khi giao dịch luôn được đưa giấy chứng nhận có chữ ký giao dịch viên ngân hàng. Trong khi đó, tại ngân hàng HSBC, chẳng hạn với giao dịch gửi tiền, thì người giao dịch chỉ nhận được một tờ giấy in xác nhận là đã có nộp tiền vào, mà không hề có chữ ký của giao dịch viên. Hình ảnh tương phản này cho thấy, quản trị của nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn phải dựa vào thủ công nhiều hơn các ngân hàng quốc tế.

Trong tháng 11.2011 vừa qua, Standard & Poor’s (S&P) đã điều chỉnh đánh giá mức độ rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam lên mức cao nhất. Trong đó, mức điểm này đánh giá rủi ro tín dụng trong nền kinh tế rất cao, Việt Nam có nguy cơ cao trong mất cân bằng kinh tế, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng nhanh trong vòng vài năm qua… Đánh giá của S&P về rủi ro tín dụng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên mức tín dụng khu vực tư nhân cao, mức thu nhập thấp và tiêu chuẩn bảo lãnh thô sơ. Đánh giá trên là chung cho hệ thống ngân hàng. Song vẫn phải nhìn nhận, những năm qua, nhiều ngân hàng đã đầu tư công nghệ để đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro.

Đầu tư cho quản trị rủi ro

Đến nay ông Nguyễn Đình Tùng, phó tổng giám đốc ngân hàng Maritime Bank (MSB), người giám sát chung chương trình quản trị rủi ro của MSB đã có thể thở phào. Bởi MSB vừa mới chạy thành công chương trình quản lý rủi ro về hoạt động kinh doanh sau một năm triển khai.

Đó là giải pháp quản trị rủi ro Kondor+ được MSB mua từ một năm trước của công ty Thomson Reuters, nhằm quản lý rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, đảm bảo trạng thái thanh toán. Trong vòng sáu tháng, với sự hợp tác của công ty tư vấn McKinsey, MSB đã ban hành hàng loạt văn bản, chính sách về rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động áp dụng cho hệ thống nội bộ. Theo ông Tùng, Kondor+ giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động phát sinh từ công việc thủ công bằng việc tự động kiểm soát các hạn mức, tự động tính toán lãi lỗ tạm tính, quản lý dòng tiền…

Trong năm 2011, ngân hàng Quân đội (MBB) và công ty kiểm toán Deloitte cũng ký hợp tác liên quan đến quản trị rủi ro hoạt động. Theo đó, toàn bộ hoạt động của MBB sẽ được kiểm soát theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị.

Mới đây, Techcombank vừa thực hiện nâng cấp hệ thống Core-Banking T24, chuyển đổi sang sử dụng hệ cơ sở dữ liệu của Oracle được đánh giá là có năng lực xử lý tốt nhất hiện nay. Theo Techcombank, việc nâng cấp không những nâng cao tốc độ xử lý giao dịch và phục vụ cùng lúc nhiều giao dịch hơn, mà còn là nền tảng cho việc triển khai hệ thống ngân hàng trực tuyến hoàn toàn mới vào đầu năm nay.

Giúp mở rộng làm ăn

Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, với việc được trang bị hệ thống quản trị rủi ro, năm nay MSB sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh của mình hơn, đặc biệt sẽ đẩy mạnh hoạt động trên thị trường ngoại hối trong và ngoài nước. Trước đây, trong những giao dịch gửi vốn của MSB trên thị trường liên ngân hàng, hay những giao dịch trên thị trường ngoại hối (FX), MSB phần lớn làm thủ công, không kiểm soát hết quy trình, và luôn bị ảnh hưởng bởi con người, thì nay hệ thống này giảm thiểu các công đoạn thủ công, tự động kiểm tra sự bất thường trong giá giao dịch so với giá quy định, cảnh báo các trường hợp vượt hạn mức... “Lúc trước, các hạn mức hoạt động cho các giao dịch viên rất thấp vì ngân hàng lo sợ rủi ro, giờ đã cao hơn nhiều vì có thể kiểm soát nhanh chóng và an toàn. Nghĩa là, khi rủi ro được quản lý, nhiều thứ trước đây MSB không dám làm, hoặc làm không tới, thì nay MSB đã tiến tới”, ông Tùng nói.

Sắp tới đây, ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ ban hành thông tư quy định về yêu cầu đối với hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Hồng Sương

sài gòn tiếp thị