Nước cờ tăng trưởng qua thâu tóm

Nước cờ tăng trưởng qua thâu tóm

Thông qua mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều công ty đã tìm ra giải pháp phát triển kinh doanh mới trong thời kỳ suy thoái.

Vinacafe Biên Hòa được Masan lựa chọn nhờ khả năng nắm giữ vị trí số 1 trong ngành hàng của mình. 

Bài toán đã được tính kỹ

Trở lại với thương vụ M&A giữa Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan Consumer (MCF) và Vinacafe Biên Hòa (VCF) từng làm nóng thị trường năm 2011, sau khi nắm hơn 50% cổ phần của VCF, đầu tháng 1/2012, Masan đã mua thêm 35.261 cổ phiếu VCF. Động thái này cho thấy, Masan hướng tới quyền chi phối hoạt động của VCF, giúp Masan tạo dựng nền tảng cho chiến lược thâm nhập thị trường nước giải khát đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Giới phân tích cho rằng, thương vụ thâu tóm VCF của MCF là một bài toán đã được tính toán kỹ về mặt hiệu quả đầu tư, tiềm năng phát triển và có sự kết hợp tốt giữa các bên tham gia.

Chiến lược của MCF thể hiện qua ba trụ cột. Thứ nhất, M&A là một trong các chiến lược phát triển trọng yếu của MCF, với nguyên tắc chỉ đầu tư trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sở hữu từ 51% trở lên và với vai trò người xây dựng doanh nghiệp. Thứ hai, phát triển ngành hàng mới, có thể bổ trợ cho ngành hàng thực phẩm tiện lợi, và lĩnh vực nước giải khát là một lựa chọn. Thứ ba, tập trung vào các công ty có khả năng nắm giữ vị trí số 1 trong ngành, có khả năng tạo ra dòng tiền.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer phân tích thêm: “Masan Consumer cũng sẽ tận dụng hiệu quả nền tảng sẵn có của mình để xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm của VCF. Hiện Masan Consumer có 455.000 điểm bán lẻ trải khắp các vùng, miền Việt Nam, là lợi thế để đưa VCF tăng trưởng trong thời gian tới”.

Hình thức thâu tóm qua sàn chứng khoán tập trung để đạt tăng trưởng của Masan cũng giống như Tập đoàn Lotte (liên doanh Nhật Bản và Hàn Quốc). Năm 2008, Lotte mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Bibica (BBC)- cách nhanh nhất để họ có thể bước chân vào thị trường bánh kẹo Việt Nam một cách chắc chắn, không tốn công sức. Hai mục tiêu được Lotte nhắm đến là vừa phát triển Bibica trở thành thương hiệu bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng mạnh ở Việt Nam, vừa tận dụng hệ thống phân phối mạnh của Bibica để thiết lập hệ thống riêng cho Lotte tại Việt Nam.

Tiếp tục nở rộ

Theo thống kê, năm 2011, giá trị các thương vụ M&A ước đạt gần 4 tỷ USD, trong đó hơn 1 tỷ USD thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng. Năm 2012, dự báo ngành dịch vụ tài chính và ngành hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục nở rộ các thương vụ M&A với giá trị giao dịch lớn.

Thông qua M&A, các công ty sẽ tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh doanh mới trong thời kỳ suy thoái. Trường hợp của Tập đoàn FPT là một ví dụ. Năm 2012, FPT có kế hoạch sử dụng một phần trong số 3.000 tỷ đồng tiền mặt nhàn rỗi hiện có để mua lại các doanh nghiệp trong năm nay. Chia sẻ với Hãng tin Bloomberg (Mỹ), ông Trương Đình Anh, Tổng Giám đốc FPT, nói: “Thực trạng kinh tế hiện không tốt cho hoạt động kinh doanh, song lại tốt cho hoạt động M&A. Chúng tôi sẽ thâu tóm các công ty trong ngành hay các công ty hoạt động trong lĩnh vực nội dung số và giáo dục”. Ngoài ra, FPT đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động tại Lào, Campuchia và mở rộng sang Nigeria, Myanmar. FPT đã hoàn tất thương vụ mua lại một công ty viễn thông tại Campuchia.

Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) chuyên về xuất khẩu nông sản (chiếm 30% thị trường xuất khẩu cà phê, đứng thứ 3 về xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều của Việt Nam) cũng đang có ý định tương tự.

Không tiết lộ chi tiết về kế hoạch sắp tới, song ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group xác định, năm 2012, Công ty sẽ đầu tư vốn cổ phần chi phối vào các công ty đại chúng nhiều tiềm năng, sau đó sẽ sắp xếp lại tổ chức, nhân sự và củng cố hoạt động kinh doanh.

Anh Hoa

ĐẦU TƯ