5 hạn chế và 3 rủi ro khi VFMVF1 chuyển đổi sang quỹ mở

5 hạn chế và 3 rủi ro khi VFMVF1 chuyển đổi sang quỹ mở

Quy định về Quỹ mở được ban hành với nhiều kỳ vọng tăng tính hấp dẫn cho các chứng chỉ quỹ niêm yết. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện chuyển đổi vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.

* VFMVF1: Tạm ứng cổ tức 2012 tối thiểu 50% lợi nhuận

* VFMVF1: Nhà đầu tư gợi mở chấm dứt hoạt động Quỹ trước hạn

VFMVF1 là quỹ đóng được thành lập vào 20/05/2004. Như vậy đến tháng 5/2014 sẽ kết thúc thời hạn hoạt động của Quỹ, Quỹ đang đứng trước hai lựa chọn: Chuyển sang quỹ mở hoặc chấm dứt hoạt động của quỹ.

Trình bày tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên 2012 sáng 20/03, Ban đại diện cho biết, nếu thực hiện chuyển đổi quỹ mở thì VFMVF1 dự kiến chuyển đổi theo tỷ lệ 1:1. Chứng chỉ quỹ mới sẽ bắt đầu giao dịch với NAV vào ngày giao dịch trở lại.

VFMVF1 dự kiến sẽ mất khoảng 15 tháng cho việc chuyển đổi, trong đó chia thành hai giai đoạn: 3-4 tháng hoàn thành hồ sơ, 12 tháng còn lại là để thanh lý tài sản đáp ứng nhu cầu chuyển đổi. Tổng chi phí cho chuyển đổi vào khoảng 625 triệu đồng.

Mục tiêu của việc chuyển đổi quỹ mở nhằm cải thiện chiết khấu lớn như hiện nay. Trong cả năm 2011, mức chiết khấu này dao động từ 40-50%. Cuối tuần trước, giá giao dịch của chứng chỉ quỹ khoảng 8,400 đồng so với NAV là 15,360 đồng. Mức giao dịch bình quân của chứng chỉ quỹ VFMVF1 tương đối thấp, chỉ ở vào khoảng 0.14% tổng số ccq đang lưu hành trong mỗi phiên giao dịch.

Đại diện này còn trình bày khá chi tiết về những điều kiện chuyển đổi quỹ mở mà VFMVF1 cần thực hiện, về những hạn chế và rủi ro phải đối mặt để giúp nhà đầu tư có cái nhìn cụ thể hơn.

Điều kiện chuyển đổi?

Nếu theo quy định của Thông tư 183 về Quỹ mở thì liệu VFMVF1 có thể đáp ứng được yêu cầu về cơ cấu đầu tư của việc chuyển đổi không?

Tại ngày 31/12/2011, quy mô quỹ hiện đạt 1,298.3 tỷ đồng, như vậy điều kiện quy mô quỹ là đáp ứng được.

Nổi cộm mùa ĐHĐCĐ thường niên 2012:

* VPH: Liệu có thu được tiền từ những căn hộ đã bán?

* HDO được gì sau khi sáp nhập DHL?

* FDC: Quá trình “thay máu” đã hoàn tất?

* LCG: Tại Đại hội, nhiều tờ trình quan trọng đã thay đổi

Với quỹ đóng thì đầu tư đa dạng, còn chuyển sang quỹ mở sẽ phải tập trung vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Do vậy, VFMVF1 có thể sẽ phải từ bỏ đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết.

Ngoài ra, cơ cấu tài sản của VFMVF1 tại ngày 31/12/2011 có cổ phiếu niêm yết 70.4%, cổ phiếu chưa niêm yết 10.6%. Theo quy định về chuyển đổi, tỷ lệ 10.6% OTC này phải giảm xuống dưới 10% và cổ phiếu sẽ phải niêm yết trong 12 tháng… Đây là việc tương đối khó đáp ứng bởi danh mục OTC hiện tại của VFMVF1 có hai khoản đầu tư được xếp vào loại khó thanh lý trong ngắn hạn.

Để chuyển đổi thành quỹ mở, bên cạnh ngân hàng giám sát, VFMVF1 còn phải tìm kiếm thêm một tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị quỹ và đại lý chuyển nhượng. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ này hiện nay không nhiều, chỉ có từ 2-3 ngân hàng.

Việc phẩn bổ tài sản cũng có khác biệt, quỹ đóng linh hoạt trong việc phân bổ đầu tư theo tình hình thị trường, danh mục đầu tư tập trung, trong khi quỹ mở đòi hỏi tổng các khoản đầu tư lớn (>5% NAV) và phải duy trì tỷ lệ tiền mặt hợp lý để có thể đáp ứng yêu cầu rút vốn của nhà đầu tư.

Ngoài ra, nếu chuyển đổi sẽ có 16 vấn để phải sửa đổi trong điều lệ quỹ.

Bên cạnh đó, phí giao dịch cũng có thay đổi. Hiện tại có 7 loại phí liên quan đến quỹ và người đầu tư, trong đó có 2 phí phát sinh thêm so với quỹ đóng là phí mua phát hành ccq và phí bán ccq.

Về mặt cơ bản, tổng chi phí của quỹ sẽ không thay đổi quá nhiều so với quỹ mở.

5 hạn chế

Phương thức giao dịch: đối với quỹ mở, nhà đầu tư sẽ phải giao dịch trực tiếp với công ty quản lý quỹ thông qua các đại lý nhận lệnh. Thời gian giao dịch hiện tại là T+4, nhưng nếu áp dụng cho quỹ mở thì sẽ là T+7.

Kỳ hạn giao dịch: Quỹ đóng giao dịch hàng ngày, còn quỹ mở tối thiểu là 2 lần/tháng.

Ngừng giao dịch 3 tháng: Trong khoảng thời gian chuyển đổi thành quỹ đóng sang quỹ mở sẽ phải ngừng giao dịch, theo tính toán của VFMVF1 việc ngừng này sẽ mất khoảng 3 tháng.

Dễ xảy ra tình trạng rút vốn: Luật quy định trong mỗi lần giao dịch, nhà đầu tư có thể rút tối đa đến 10% NAV của quỹ. Nếu việc này xảy ra liên tục thì chỉ trong 6 tháng, NAV quỹ có thể xuống dưới 50 tỷ đồng là mức phải ngừng giao dịch, và dưới 30 tỷ đồng thì quỹ không còn đủ điều kiện để tồn tại nữa.

Ghi lỗ: Trong trường hợp chuyển đổi quỹ đóng thành quỹ mở sẽ phải ghi nhận khoản lỗ. Hiện tại mức lỗ đang ghi nhận dưới dạng dự phòng, còn nếu chuyển đổi sẽ thành lỗ chính thức.

3 nhóm rủi ro lớn

Khoảng trống pháp lý: Rủi ro liên quan đến tiến độ chuyển đổi hoặc văn bản pháp lý hướng dẫn. Hiện Thông tư hướng dẫn chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở đã có nhưng những hướng dẫn chi tiết về việc chuyển đổi chưa có, chúng ta chưa có tiền lệ. Do vậy, nếu chuyển đổi có thể phải đối mặt với một số khoảng trống về mặt pháp lý.

Mất cơ hội: Trong quá trình ngừng giao dịch để chuyển đổi chứng chỉ quỹ quỹ đóng thành quỹ mở, có thể sẽ phát sinh rủi ro cho nhà đầu tư nếu thị trường biến động mạnh.

Khả năng hoạt động của quỹ: Mô hình hiện tại là quỹ đóng sẽ tự do hơn là mô hình quỹ mở trong việc đầu tư.

Bội Mẫn ghi (Vietstock)

Finfonet