DN lỗ liên tiếp: Cửa thoát lỗ rất hẹp

DN lỗ liên tiếp: Cửa thoát lỗ rất hẹp

Ngoài nguy cơ bị hủy niêm yết, những DN liên tiếp thua lỗ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để DN thoát lỗ.

Nhìn lại “ung nhọt”

Không kể những DN đã chìm quá sâu vào thua lỗ như Vitaly (VTA), Full Power (FPC), Basa (BAS), Nhựa Tân Hóa (VKP), Vận tải Việt Hải (VSP)…, trên TTCK vẫn còn nhiều đơn vị đã và đang đối mặt với tình trạng thua lỗ liên tiếp. Có thể kể ra các DN như Container Phía Nam (VSG, lỗ 2 năm liên tiếp), Viễn thông Thăng Long (TLC, lỗ 2 năm liên tiếp), Hàng hải Sài Gòn (SHC, lỗ 2 năm liên tiếp, đến năm 2011 lãi), Hàng hải Hà Nội (MHC, lỗ 2 năm, năm 2011 lãi), Tribeco (TRI, lỗ 2 năm, năm 2010 lãi, năm 2011 lỗ)…

Với những DN kịp có lãi để thoát án “3 năm lỗ liên tiếp” như TRI, MHC… thì con số lãi trong năm thứ ba này là khá mong manh. Đó là lý do vì sao tuy lãi nhưng nhà đầu tư vẫn nhìn về MHC với cái nhìn nghi ngại. Riêng ở TRI, mức lãi năm 2010 tuy giúp Công ty trụ lại trên sàn, nhưng rõ ràng, TRI vẫn chưa thực sự thoát khỏi vũng lầy của mình.

Thực tế, con đường dẫn đến thua lỗ ở các DN rất khác nhau, nhưng không phải không có những điểm trùng hợp. Đó là họ kinh doanh trong điều kiện giá vốn cao hơn doanh thu, hay áp lực nợ nần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của DN.

Điển hình, TLC liên tục chịu lỗ ngay từ trong sản xuất. Theo báo cáo tài chính năm 2011, giá vốn hàng bán của TLC đã cao hơn doanh thu 14,7 tỷ đồng. Năm trước đó, TLC cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Điều này cho thấy, Công ty gặp vấn đề ngay từ khâu tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào và tạo thành phẩm.

Với SHC, MHC, VSG, chi phí tài chính là nguyên nhân tác động mạnh đến kết quả kinh doanh. Chẳng hạn, chi phí tài chính ở VSG năm 2011 gấp 5,2 lần so với lãi gộp.  Trong đó, riêng lãi vay chiếm 60% chi phí tài chính. Năm 2010, chi phí tài chính là một lý do chính đẩy VSG vào thua lỗ.

Xét trường hợp của TRI, chi phí bán hàng mới là lý do đẩy Công ty vào chỗ thua lỗ. Năm 2011, dù doanh thu, lãi gộp của TRI đều tăng so với năm 2010, nhưng chi phí bán hàng đã lấy hết thành quả này. Cụ thể, chi phí bán hàng của TRI đã cao hơn lãi gộp 59,1 tỷ đồng. Năm 2010, chi phí bán hàng cũng lớn hơn lãi gộp 30,4 tỷ đồng

Khó tìm “phao cứu sinh”

Cuối năm ngoái, trong thông báo Nghị quyết HĐQT, phía TLC cho biết, Công ty đã thông qua kế hoạch nhằm  cắt giảm chi phí quản lý và tái cơ cấu nguồn vốn, tài sản. Về nhân sự, đã có sự thuyên chuyển và thay đổi ở cấp cao nhất. Về phương án tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, TLC quyết định, năm 2012 sẽ thực hiện thanh lý các tài sản không sinh lời, minh bạch nguồn vốn.

Chưa rõ hiệu quả của các giải pháp này như thế nào, nhưng theo những gì đã phân tích, mấu chốt thua lỗ ở TLC không phải ở chi phí quản lý, chi phí lãi vay mà ở giá vốn quá cao. Trong báo cáo thường niên 2010 của TLC từng nêu rõ, chi phí sản xuất vượt định mức lớn, dây chuyền hoạt động kém ổn định, phế phẩm nhiều đã gây nên thất thoát lãng phí lớn về nhân công và nguyên vật liệu. Ngoài ra, chiến lược tập trung mua nguyên vật liệu từ các năm trước đã đẩy TLC vào thế khó khăn: tồn kho lớn, nhiều nguyên vật liệu khó tiêu thụ trong khi TLC phải trả lãi và gồng gánh những khoản vay mua nguyên vật liệu từ trước.

Muốn thoát khỏi tình cảnh hiện tại, TLC phải chấp nhận lỗ thanh lý nguyên liệu cũ. Ngoài ra, công ty còn phải tìm vốn cho hoạt động tái cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động, đầu tư máy móc, tìm kiếm những nguyên liệu phù hợp. Đây không phải là bài toán dễ giải với TLC trong bối cảnh vay khó, cạnh tranh khốc liệt

Đối với SHC, VSG…, giải pháp bán tài sản trả nợ là cách đã được nghĩ đến. Như CTCP Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam (VST) nhờ bán 3 tàu (VTC Star, Phương Đông 1, Phương Đông 3)  mà thoát lỗ trong năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề là SHC, VSG có nhiều tài sản có thể bán không? Ngoài ra, khoản tiền từ bán tài sản liệu có đủ trả nợ và trang trải hoạt động?

Đó phải chăng là lý do để SHC quyết định, phải tìm vốn thêm từ những cách thức khác. Mới đây, thông tin từ SHC cho hay, Công ty đã phát hành 1,2 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược là ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sunhouse, dự kiến thu về 12 tỷ đồng. Trước đó, ông Phú được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT của SHC.

Ngoài SHC, không phải DN nào cũng dễ dàng tìm được “phao cứu sinh”. Vì thế, cơ hội thoát lầy ở những DN thua lỗ liên tiếp vẫn rất mong manh, thậm chí vượt khỏi ý chí của người lãnh đạo DN.

Ngọc Thủy

đầu tư chứng khoán