Sở hữu chéo ngân hàng: Mớ bòng bong khó gỡ

Sở hữu chéo ngân hàng: Mớ bòng bong khó gỡ

Tình trạng góp vốn, mua cổ phần (gọi chung là sở hữu chéo) tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác hay tại các tập đoàn, công ty con, công ty liên doanh, liên kết, quỹ đầu tư...  của các TCTD Việt Nam rất phức tạp và đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống.

* Hệ lụy sở hữu chéo cổ phần ngân hàng

Việc sở hữu chéo trong các TCTD có nhiều mục đích, có thể là đầu tư ngắn hạn, kiếm lời nhanh khi thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đang sốt, nóng (mục đích này rõ nhất trước năm 2008). Hoặc có thể nhằm tăng quy mô tài sản ảo (trước yêu cầu tăng vốn điều lệ của các TCTD của Ngân hàng Nhà nước). Hoặc nhằm “bơm” vốn giá rẻ cho các công ty (sân sau) của ngân hàng hay cá nhân các ông/bà chủ ngân hàng; hay làm sạch bản báo cáo tài chính (xóa nợ xấu bằng việc biến nợ thành vốn góp); thành lập các liên minh chiến lược trên cơ sở sở hữu vốn thông qua hoạt động ngân hàng đầu tư; hoặc thôn tính ngân hàng khác thông qua việc mua lại, hợp nhất...

Trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, những hệ lụy từ việc sở hữu chéo đã và đang bộc lộ khá nhiều.

Chẳng hạn, tình trạng các tập đoàn kinh tế (TĐKT) đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn. Và Chính phủ đã phải yêu cầu các TĐKT thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Về phía các TCTD, không ít ngân hàng đã bị giảm sút năng lực tài chính, thiếu thanh khoản nghiêm trọng khi các tập đoàn thoái vốn.

Tuy nhiên, việc sở hữu chéo giữa TĐKT và các TCTD còn dễ nhận diện và có biện pháp xử lý bước đầu, còn việc sở hữu chéo giữa các TCTD với các công ty lại hết sức phức tạp và chưa được thống kê đầy đủ. Đặc biệt là hoạt động  góp vốn vào quỹ đầu tư, góp vốn thực hiện các dự án đầu tư, bao gồm cả việc ủy thác vốn cho các pháp nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác thực hiện đầu tư.

Từ năm 2005 đến nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu từng bước chuyển thành tập đoàn tài chính - đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính đa năng. Có mô hình lấy ngân hàng thương mại là hoạt động chính, nhưng cũng có những mô hình mà hoạt động ngân hàng chỉ là một phần. Hàng loạt các công ty con, công ty mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát hoặc cổ phần chi phối ra đời. Ngân hàng ít cũng có hai, ba công ty, nhiều thì đến sáu, bảy công ty. Các công ty này không chỉ có kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính mà còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực.

Pháp luật không rõ ràng

Những hệ lụy phát sinh từ tình trạng sở hữu chéo của các TCTD hiện nay trước hết là do những quy định pháp luật ngay từ đầu đã không rõ ràng. Những sự điều chỉnh chỉ được đưa ra khi thực tiễn đã phát sinh những hậu quả tiêu cực, khó kiểm soát được.

Pháp lệnh về ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính năm 1990 chỉ quy định: “TCTD chỉ được dùng vốn tự có và quỹ dự trữ để hùn vốn hoặc mua cổ phần, nhưng không được quá 10% vốn của công ty, xí nghiệp mà mình hùn vốn hoặc mua cổ phần”. Luật các TCTD năm 1997 đề cập chung chung về giới hạn góp vốn, mua cổ phần  là: “Mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD trong một doanh nghiệp, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của TCTD trong tất cả các doanh nghiệp không được vượt quá mức tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối với từng loại hình TCTD”.

Cho đến năm 2005, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ra Quyết định 457/2005/QQĐ-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong việc cho phép TCTD được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để đầu tư vào các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, đầu tư dự án và vào các TCTD khác (gọi là khoản đầu tư thương mại) dưới các hình thức góp vốn đầu tư, liên doanh, mua cổ phần.

Một kẽ hở nữa về sở hữu chéo là Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của TCTD (được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24-3-2008). Tại văn bản này, trong điều khoản quy định về người mua giấy tờ có giá, NHNN không có những quy định cụ thể đối với loại hình TCTD.

Việc không dự liệu được về chính sách đã khiến tình trạng sở hữu chéo, đặc biệt là hoạt động góp vốn, ủy thác giữa các ngân hàng hay giữa ngân hàng với các công ty, pháp nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác trong giai đoạn 2005-2010  tiềm ẩn  nguy cơ mất  an toàn hệ thống.

Đến tận Thông tư 13/2010 ngày 20-5-2010, NHNN mới có những quy định rõ hơn các hoạt động này như: “Góp vốn, mua cổ phần là việc TCTD dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, của công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, TCTD khác, cấp vốn điều lệ cho các công ty trực thuộc của TCTD; góp vốn vào quỹ đầu tư, góp vốn thực hiện các dự án đầu tư; bao gồm cả việc ủy thác vốn cho các pháp nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác thực hiện đầu tư theo các hình thức nêu trên”.

Một trong những điểm mới của Luật các TCTD năm 2010 là  đưa  ra các quy định nhằm hạn chế các xung đột lợi ích thông qua các quan hệ cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần chằng chịt nói trên. Theo đó, thay đổi mức giới hạn sở hữu cổ phần (điều 55) đối với cổ đông là cá nhân từ 10% xuống 5%; cổ đông là pháp nhân từ 20% xuống 15% (trừ một số trường hợp). Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD. Các tỷ lệ sở hữu nêu trên bao gồm cả phần vốn ủy thác cho các tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tư để hướng dẫn luật. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một khung pháp lý toàn diện và đầy đủ nhằm quản lý các rủi ro từ hoạt động sở hữu chéo của các TCTD.

Ảnh hưởng đến tái cơ cấu hệ thống

Quản trị doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của mọi doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có bốn giá trị cốt lõi để xây dựng các nguyên tắc quản trị là: sự công bằng; tính trách nhiệm; tính minh bạch; và trách nhiệm giải trình. Cả bốn giá trị này sẽ khó có được nếu không có sự rõ ràng về sở hữu.

Đó là nói về tái cơ cấu một TCTD, còn tái cơ cấu cả hệ thống, các cơ quan chức năng rất khó xác định tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của từng ngân hàng thương mại để tiến hành các thủ tục hợp nhất, sáp nhập. Và đã gọi là sở hữu chéo thì tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp không chỉ nằm tại các ngân hàng thương mại thuộc diện phải cơ cấu mà còn liên quan đến nhiều tổ chức khác, nếu xử lý không khéo sẽ “bứt dây động rừng” và dẫn đến những hệ lụy khó lường khác.

Việt Nguyễn

tbktsg