Thu hút đầu tư FDI: Không để “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Thu hút đầu tư FDI: Không để “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Bên cạnh những tác động tích cực cho nền kinh tế, việc thu hút vốn FDI thời gian gần đây đã bộc lộ rất nhiều bất ổn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng “Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.

Tính theo lũy kế, đến hết tháng 2/2012, cả nước có 13.530 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 200 tỉ USD. Trong đó, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là các quốc gia dẫn đầu về vốn FDI tại VN. TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội là các địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất cả nước. Vấn đề được quan tâm về chất lượng dòng vốn FDI hiện nay là những hạn chế cần phải được mổ sẻ phân tích và khắc phục. Nếu nói về phần chính sách, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, các chính sách, cơ chế thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho đến nay khá đầy đủ, nhiệm vụ cũng đã giao, phân cấp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Nhưng trong quá trình thực hiện thì chưa tốt, không đồng bộ, bị cắt khúc.

Theo ông Hoàng, ngay những người trực tiếp quản lý vấn đề này cũng cảm thấy rất bức xúc khi nhìn thấy sự bất hợp lý của nhiều dự án FDI mang đến các hiệu ứng tiêu cực. Từ việc chuyển giá, đến đầu tư công nghệ lạc hậu tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và thị trường tiêu thụ sản phẩm thấp cấp… đều là những nội dung cần phải được giải quyết trong một chương trình tổng thể. Một nghịch lý đang diễn ra, có tới trên 50% các DN FDI báo cáo thua lỗ liên tục trong nhiều năm, những vẫn xin được mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Duandej Yuaikwarmdee - Phó TGĐ Reed Tradex (Cty xúc tiến đầu tư Thái Lan) cho rằng, VN đang có hai nhóm đầu tư gồm: Nhóm những nhà đầu tư mang theo những công nghệ hiện đại và họ mong muốn tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng của VN để đem lại những hiệu quả từ nguốn vốn họ mang tới. Nhóm thứ hai đó là các nhà đầu tư muốn tận dụng những nguồn lao động kém chất lượng và họ sẽ đem tới VN những công nghệ lạc hậu. Giải quyết chất lượng dòng vốn FDI chính là việc VN phải lựa chọn được nhóm đầu tư tốt.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, việc đồng bộ hệ thống chính sách thu hút đầu tư FDI sẽ tạo thành sung lực cần thiết để huy động dòng vốn này. Chính vì vậy, Bộ KH-ĐT đang đẩy mạnh việc thu thập các ý kiến đóng góp từ các cơ quan, tổ chức năng và cá nhân xây dựng một đề án tổng thể và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới. Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì tổ chức một buổi hội thảo cấp quốc gia thu thập đầy đủ các thông tin cho hơn 40 báo cáo trình thủ tưởng về mọi lĩnh vực liên quan đến thu hút vốn FDI.

Bá Tú

Diễn đàn doanh nghiệp